Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỹ do dự hỗ trợ vũ khí tầm xa và nỗ lực của Ukraine nhằm thuyết phục phương Tây

Washington cho rằng những đặc điểm của loại bom dẫn đường tầm xa mới của Mỹ có thể không cần thiết trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Mỹ do dự cung cấp bom tầm xa cho Ukraine

Các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã bày tỏ lo ngại về đề xuất cung cấp bom dẫn đường chính xác cỡ nhỏ cho Ukraine, loại vũ khí có thể cho phép Kiev tấn công vào các mục tiêu của Nga cách xa 160km, các nguồn tin thân cận cho hay, đồng thời nói rằng quá trình triển khai vũ khí trên có thể mất quá nhiều thời gian.

Hai quả Bom Đường kính nhỏ GBU-39. Ảnh: Không quân Vệ binh Quốc gia. (Ảnh: Air National Guard)

Theo kế hoạch được đề xuất bởi nhà sản xuất vũ khí Boeing của Mỹ và theo bài báo được Reuters đưa tin vào tháng 11/2022, Mỹ có thể cung cấp Bom đường kính cỡ nhỏ phóng từ mặt đất (GLSDB) cho Ukraine.

Nếu hoàn thành, đợt vận chuyển này sẽ cung cấp cho Ukraine vũ khí có tầm bắn gấp 2 lần tên lửa được phóng từ hệ thống pháo phản lực HIMARS và có thể khiến Kiev nhắm trúng các mục tiêu nằm ngoài khả năng của nước này từ trước đến nay.

Ukraine đã nhiều lần cam kết sẽ không sử dụng các vũ khí do Mỹ và NATO cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga. Dù vậy, chính quyền Tổng thống Biden vẫn từ chối cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất có thể giúp Ukraine tấn công các mục tiêu của Nga cách xa hơn 300km, bất chấp những nỗ lực vận động hành lang từ một số nước NATO. Wall Street Journal trước đó đưa tin Mỹ thậm chí đã điều chỉnh hệ thống pháo phản lực HIMARS được cung cấp cho Ukraine để ngăn cản chúng sử dụng các tên lửa ATACMS tầm xa.

Trên thực tế, các quan chức trong Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng và Không quân Mỹ lo ngại thời gian để triển khai bom dẫn đường cỡ nhỏ (SDB) có thể khiến vũ khí này trở nên không cần thiết trong cuộc xung đột với nhịp độ diễn ra nhanh chóng như ở Ukraine, hiện vẫn chưa có dấu hiệu ngã ngũ tại các thị trấn ở khu vực Donbass như Bakhmut và Soledar bất chấp mùa đông đã đến.

Các tên lửa đường kính nhỏ GBU-39 cần kết hợp với động cơ tên lửa - hai bộ phận chính của GLSDB trước khi được đưa vào chiến đấu - một quá trình có thể mất vài tháng.

Các chuyên gia đã có những ước tính khác nhau về thời gian cho việc tích hợp này: John Hardie và Bradley Bowman, hai nhà phân tích thuộc Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD) tại Washington ước tính Ukraine có thể nhận được 2 bệ phóng và 24 vũ khí trong 9 tháng sau khi Lầu Năm Góc thông qua kế hoạch hỗ trợ và 12 bệ phóng cùng 750 quả bom vào cuối năm 2024. Do cuộc xung đột ở Ukraine có thể sẽ kéo dài nên các chuyên gia nhận định, các vũ khí mặc dù mất nhiều thời gian để chuyển giao nhưng vẫn sẽ phát huy hiệu quả khi đến tay Ukraine.

"Mỗi ngày Lầu Năm Góc trì hoãn quyết định là một ngày chúng ta trì hoãn những gì Kiev có thể thực hiện trong tầm tay", ông Bowman nhận định với Foreign Policy.

Nỗ lực thuyết phục phương Tây của Ukraine

Trung tá Garron Garn, người phát ngôn Lầu Năm Góc từ chối cung cấp thông tin chi tiết về các cuộc trao đổi nội bộ liên quan đến việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine mà chỉ nói rằng cơ quan này đang "trao đổi thường xuyên" với Kiev để đánh giá các yêu cầu vũ khí của Ukraine.

Boeing cũng từ chối bình luận về kế hoạch trên. Dù vậy, các quan chức Ukraine vẫn hy vọng rằng bất kỳ trở ngại bên trong nào liên quan đến thỏa thuận đều có thể được giải quyết nhanh chóng.

"Chúng tôi đang cố gắng nghiên cứu những cải tiến cần thiết cho loại bom này. Hy vọng trong đợt vận chuyển tiếp theo chúng tôi sẽ nhận được nó", một quan chức quân sự giấu tên đánh giá.

Ukraine cho rằng loại bom nặng khoảng 113kg này, lớn hơn 50kg so với đạn dược sử dụng cho Hệ thống Tên lửa Phóng loạt Dẫn đường (GMLRS), sẽ phát huy tính hiệu quả trong việc đẩy lùi các lực lượng của Nga khỏi các chiến hào và có thể được phóng từ các vị trí bí mật để tránh bị phát hiện. Tuy nhiên, loại bom này vẫn nhỏ hơn 2 lần đạn dược sử dụng cho ATACMS.

"Nếu nhận được bom dẫn đường chính xác, điều này sẽ rất hữu ích cho Ukraine. Nếu đối phó với các vị trí phòng thủ và chiến hào, GMLRS và các loại đạn dược khác không hiệu quả bởi chúng không lớn như đầu đạn", Rob Lee - một học giả cấp cao tại Chương trình Á - Âu thuộc Viện Chính sách Đối ngoại bình luận.

Cuộc thảo luận diễn ra giữa bối cảnh Ukraine sẽ nỗ lực thể hiện khả năng trên chiến trường, thậm chí cả khi không nhận được vũ khí tầm xa hiện đại nhất theo tiêu chuẩn NATO. Tập đoàn vũ khí Ukroboronprom của Ukraine đã thông báo gần đây về việc thử nghiệm UAV cảm tử có tầm bắn hơn 965km trong khi Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, Ukraine đã sử dụng các UAV tầm xa để tấn công vào các căn cứ không quân. Điều đó làm dấy lên cuộc tranh luận rằng liệu các nước phương Tây có nên cung cấp vũ khí tầm xa như ATACMS cho Ukraine với độ chính xác cao hơn hay không.

"Đã đến lúc cung cấp ATACMS và Leopard cho Ukraine", Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis nhận định trên Twitter.

Gần đây, phương Tây đã bắt đầu thay đổi lập trường của mình. Sau khi Pháp, Đức và Mỹ thông báo cung cấp xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine, Anh cho biết nước này sẽ cung cấp xe tăng chiến đấu để hỗ trợ Ukraine trước cuộc tấn công của Nga được dự đoán sẽ diễn ra vào mùa xuân. Xe tăng Challenger II của Anh sẽ là xe tăng chiến đấu đầu tiên mà phương Tây sản xuất được cung cấp cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự vào cuối tháng 2/2022. Theo đó, các nhà quan sát cho rằng giới chức phương Tây lo ngại thời gian để Ukraine chuẩn bị cho cuộc tấn công của Nga cũng như cuộc phản công của mình đang thu hẹp dần.

Câu hỏi để ngỏ

Thậm chí cả khi Mỹ tăng cường gấp đôi nỗ lực hỗ trợ cho Ukraine, trong đó bao gồm 3 tỷ USD hỗ trợ quân sự vào tháng này gồm cả 50 xe chiến đấu bộ binh Bradley, các quan chức Ukraine lo ngại họ không có đủ hỏa lực tầm xa để tiếp tục cuộc tấn công và giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.

"Có những mục tiêu của Nga tại Ukraine khó có thể đạt đến với những vũ khí chúng ta cung cấp hiện nay, trước hết là ở Crimea. Chúng ta cần đảm bảo rằng Ukraine có các phương tiện tấn công hiệu quả nhằm vào các mục tiêu mà Nga kiểm soát ở Crimea", nhà phân tích FDD Bowman cho hay.

Tuy nhiên, thậm chí cả khi Ukraine nhận được bom tầm xa hiện đại hơn sau các cuộc tấn công liên tục của Nga vào các thành phố Bakhmut và Soledar ở khu vực Donbass, Kiev vẫn sẽ cần tập trung vào việc huấn luyện quân đội sử dụng vũ khí và đạn dược mới từ phương Tây.

"Họ có đủ đạn dược hay không hay liệu họ có đủ các đơn vị được huấn luyện tốt để tiến hành các cuộc tấn công mới hay không vẫn là câu hỏi để ngỏ", chuyên gia Lee đánh giá.

Kiều Anh (Nguồn: VOV.VN)

Tin mới