Theo các quan chức này, giới chức Mỹ nhiều lần đưa ra các đề nghị vào tháng 7 và tháng 8 với các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Indonesia. Tuy nhiên, Tổng thống Joko Widodo liên tục từ chối các yêu cầu này.
Reuters cho biết, đề xuất trên khiến chính phủ Indonesia hết sức bất ngờ bởi Jakarta từ lâu vẫn duy trì lập trường trung lập về chính sách đối ngoại. Indonesia chưa bao giờ cho phép quân đội nước ngoài hoạt động ở nước trên.
Giới chức Indonesia cũng như Mỹ chưa bình luận về thông tin Reuters đăng tải.
Trinh sát cơ P-8 Poseidon của Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hồi đầu tháng 9, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định nước này không muốn mắc kẹt trong cạnh tranh Mỹ-Trung, đồng thời kêu gọi ASEAN nên giữ trung lập và đoàn kết trước thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
"Indonesia muốn thể hiện cho mọi người rằng chúng tôi sẵn sàng trở thành đối tác. Chúng tôi không muốn vướng vào sự cạnh tranh này”, bà Retno cho hay.
Greg Poling, nhà phân tích tới từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định dề xuất để trinh sát cơ hạ cánh xuống đất Indonesia của Mỹ dường như là một cách tiếp cận "vụng về" của Washington.
"Đó là dấu hiệu cho thấy một số người trong chính phủ Mỹ hiểu biết về Indonesia ít ỏi đến thế nào", ông này cho hay.
Một số nhà quân sự cho biết Mỹ gần đây sử dụng các căn cứ quân sự ở Singapore, Philippines và Malaysia để triển khai P-8 trên Biển Đông.
P-8 Poisedon là máy bay do thám hiện đại của Hải quân Mỹ, được sử dụng trong nhiệm vụ giám sát các hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
P-8 có tháp pháo cảm biến hồng ngoại và quang điện, hệ thống radar giám sát trên biển, hệ thống phát tín hiệu thông tin. Radar trên P-8A có khả năng phát hiện, phân loại và nhận dạng các tàu, tàu nhỏ và tàu ngầm nổi trên mặt nước.