Trong cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Kishi Nobuo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cam kết mở rộng khả năng răn đe hạt nhân dành cho đồng minh quan trọng là Nhật Bản. Trong khi đó, ông Kishi Nobuo nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của việc hai nước hợp tác cùng nhau để làm cho khả năng răn đe trở nên đáng tin cậy trong môi trường an ninh khắc nghiệt hiện nay. Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan (Trung Quốc).
(Ảnh minh họa: Reuters)
Cuộc họp tại Lầu Năm Góc giữa 2 bộ trưởng diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản có kế hoạch cập nhật Chiến lược An ninh Quốc gia vào cuối năm nay nhằm thích ứng với môi trường an ninh ngày càng phức tạp. Đây sẽ là lần sửa đổi đầu tiên của hướng dẫn chính sách ngoại giao và an ninh dài hạn kể từ khi được thông qua vào năm 2013.
Đồng thời, xung đột Nga - Ukraine đã tạo ra nhận thức mới của Nhật Bản về sự cần thiết phải tăng cường khả năng phòng thủ và ngăn chặn bất kỳ hành động xâm lược quân sự tiềm tàng nào ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mới đây, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản đã đề xuất tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên mức bằng khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội và phát triển khả năng tấn công các điểm phóng tên lửa và các cứ điểm quân sự quan trọng khác trong lãnh thổ của đối phương.
Như vậy, nếu các đề xuất trên được đưa vào chính sách, Nhật Bản sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách định hướng quốc phòng theo Hiến pháp hòa bình thời hậu Thế chiến thứ hai và cũng ảnh hưởng đến hình thức của liên minh an ninh Nhật-Mỹ hàng thập kỷ.
Chuyến thăm Mỹ của ông Kishi Nobuo là chuyến thăm đầu tiên của ông kể từ khi đảm nhận vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản từ tháng 9/2020. Lần gần nhất ông gặp trực tiếp người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin là vào tháng 3/2021 tại Tokyo trong cuộc họp ngoại giao, quốc phòng “2+2”.
Trước đó, trong một cuộc họp trực tuyến vào tháng 1 năm nay, các quan chức ngoại giao và quốc phòng Nhật Bản và Mỹ đã chia sẻ mối quan ngại về các động thái của Trung Quốc “huỷ hoại” trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và cam kết sẽ “răn đe và đáp trả nếu cần” đối với những gì được coi là gây bất ổn trong khu vực.