Mạnh tay
Tại thị trấn Soweto ở Nam Phi, các thanh niên bị phạt chống đẩy và lăn lộn trên nền đất vì không tuân thủ lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan virus gây dịch Covid-19 của chính quyền.
Đạn cao su, hơi cay, roi da được sử dụng để duy trì "giãn cách xã hội" ở khu vực tập trung đông người mua sắm. Các công dân sẽ bị phạt nếu bị phát hiện ra ngoài mà không có lý do chính đáng.
Ở Kenya, cảnh sát bắn hơi cay vào đám đông đứng chờ phà tại thành phố cảng Mombasa, trước khi lệnh giới nghiêm "từ hoàng hôn tới bình minh" của nước này có hiệu lực. Ở những nơi khác, cảnh sát được phép đánh người vi phạm bằng dùi cui.
Đám đông đứng chờ phà cúi rạp người sau khi cảnh sát dùng tới hơi cay.
Tại Kisumu, miền tây Kenya, cảnh sát sử dụng hơi cay buộc các doanh nghiệp ở các khu ổ chuột phải đóng cửa.
Giới chức Kenya cũng đang điều tra về trường hợp 1 bé trai 13 tuổi bị trúng đạn lạc khi cảnh sát nổ súng thực thi lệnh giới nghiêm.
Nhẹ nhàng
Nhiều tuần gần đây, Thụy Điển bị các chuyên gia y tế chỉ trích vì không thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn đà lây lan của virus corona.
Trái ngược với các nước láng giềng Bắc Âu và phần lớn châu Âu, người Thụy Điển vẫn có thể tự do di chuyển, mặc dù họ được khuyến cáo "giãn cách xã hội" và tự cách ly nếu xuất hiện triệu chứng bệnh.
Các quán bar và nhà hàng vẫn mở cửa để đón khách mùa dịch và chỉ yêu cầu khách hàng tự giữ khoảng cách với người khác.
Người dân tập trung đông đúc trong một nhà hàng ở thủ đô Stockholm đón ánh nắng buổi sáng. (Ảnh: Reuters)
Học sinh, sinh viên các trường trung học và đại học học trực tuyến tại nhà, nhưng học sinh trường mầm non, tiểu học vẫn đến trường như trước mùa dịch.
Ở các quán cafe tại thủ đô Stockholm, nhiều người tụ tập thành nhóm nhỏ ăn uống, trò chuyện thoải mái, tận hưởng ly cappuccino.
Các sân chơi vẫn đầy ắp giới trẻ, cảnh tượng khó có thể thấy ở bất cứ quốc gia châu Âu nào hiện tại. Các chuyến tàu và xe buýt vận chuyển hành khách đều đặn, người dân vẫn thoải mái mở tiệc trong công viên hoặc bãi biển.
Hiện Thụy Điển không áp dụng lệnh phong tỏa mà chỉ khuyến nghị người dân chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Theo truyền thông địa phương, những chỉ trích tới từ các chính trị gia khiến chính phủ của Thủ tướng Stefan Lofven từ chối đề xuất áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn để dập dịch.
Video: 9 ngày thần tốc lập bệnh viện dã chiến lớn nhất thế giới
Ông Bolsonaro bày tỏ thất vọng với một số biện pháp đóng cửa thương mại và hạn chế người dân di chuyển của các nước, đồng thời cho đây là những bước đi quá xa và gây tổn hại cho nền kinh tế.
Tổng thống Brazil cũng mạnh mẽ chỉ trích khi một số bang áp đặt biện pháp phong tỏa chống dịch để ngăn virus lây lan.
Cách đây vài ngày, nhà lãnh đạo Brazil chấp thuận đề xuất tổ chức ngày toàn quốc ăn chay và cầu nguyện để đuổi viurs SARS-CoV-2 khỏi đất nước.
Khác biệt
Hàn Quốc được xem là hình mẫu chống dịch với hàng loạt quốc gia khác khi áp dụng xét nghiệm quy mô lớn, cùng hàng loạt các biện pháp từ mềm mỏng tới mạnh tay.
Theo khuyến cáo mới được giới chức Hàn Quốc áp dụng từ 21/3, các cơ sở có nguy cơ lây nhiễm cao được khuyến khích đóng cửa; các sự kiện tôn giáo, thể thao, giải trí bị cấm.
Hồi cuối tháng 3, chính quyền đảo Jeju đâm đơn kiện 2 mẹ con du học sinh trở về từ Mỹ, sau chuyến du lịch 4 ngày 5 đêm tới Jeju từ 15/3.
Trong đơn kiện, giới chức Jeju cho biết nữ sinh 19 tuổi trong vụ việc dù có triệu chứng mắc Covid-19, nhưng vẫn không chịu cách ly, khai báo y tế và vẫn đi du lịch như bình thường cùng người mẹ.
Giới chức Hàn Quốc cúi đầu xin lỗi sau vụ 2 mẹ con du học sinh Mỹ du lịch tới Jeju. (Ảnh: Yonhap)
Sau khi cô này được xác nhận mắc Covid-19 hôm 25/3, 20 doanh nghiệp ở Jeju phải tạm đóng cửa và 90 người khác buộc phải cách ly.
Vụ kiện được đệ trình bởi chính quyền tỉnh cùng 6 doanh nghiệp địa phương, yêu cầu 2 mẹ con du khách bồi thường hơn 100 triệu won (82.000 USD) thiệt hại kinh doanh.
Chính quyền đảo Jeju cũng tuyên bố sẽ thực hiện biện pháp mạnh, xác định thêm các doanh nghiệp và cá nhân thiệt hại có ý muốn kiện và hỗ trợ họ kết nối với luật sư.
Ở Tunisia, Bộ Nội vụ nước này triển khai robot tuần tra trên các con phố ở thủ đô Tunis.
Được biết đến với tên gọi PGuard, con robot này được điều khiển từ xa và trang bị camera hồng ngoại, hệ thống báo động âm thanh và ánh sáng.
Nó sẽ phát đi thông báo nhắc nhở với những người bị nghi vi phạm lệnh phong tỏa: "Bạn đang làm gì vậy? Cho tôi xem căn cước của bạn. Bạn không biết đang có lệnh phong tỏa à?".
Robot tuần tra trên các con phố ở thủ đô Tunis, yêu cầu người dân thực hiện lệnh giới nghiêm. (Ảnh: Corriere.it)
Tại Panama, giới chức quốc gia tách công dân của mình theo giới tính trong nỗ lực kiểm soát nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Theo đó, đàn ông và phụ nữ chỉ được rời nhà 2 giờ mỗi lần vào các ngày khác nhau. Cụ thể, nam giới sẽ đi siêu thị và nhà thuốc vào các ngày lẻ, Ba, Năm và Bảy trong khi với phụ nữ là Hai, Tư, Sáu. Không ai được phép ra ngoài vào Chủ nhật.
Các biện pháp này bắt đầu từ 1/4 và kéo dài trong 15 ngày.