Hối lộ mọi nơi, mọi lúc bằng mọi thủ đoạn
Theo Tân Hoa xã, kể từ năm 2012, thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiến hành chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi, săn cáo” nhắm đến các quan chức tham nhũng mọi cấp của nước này, có tới hơn 1,3 triệu quan chức đã bị bắt giữ với cáo buộc tham nhũng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn có thái độ hết sức cứng rắn trong việc chống tham nhũng. Ảnh: Tân Hoa xã
Dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi cuối tháng 12/2018 từng tuyên bố, chiến dịch chống tham nhũng tại nước này “đã giành được thắng lợi vang dội”, nhiều chuyên gia cho rằng, điều đó không đồng nghĩa với việc tham nhũng đã được đầy lùi tại Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ nới lỏng chiến dịch chống tham nhũng của mình.
Ông Zhuang Deshui, chuyên gia về quản trị minh bạch tại Đại học Bắc Kinh, nhận định, Chính phủ Trung Quốc “mới hoàn thành 60% mục tiêu đề ra trong việc chống tham nhũng”. Tuy nhiên, ông Zhuang Deshui cảnh báo, việc hoàn tất 40% còn lại sẽ rất cam go nhất là sau khi các quan tham “đã bắt đầu tìm cách đối phó với chiến dịch này bằng những thủ đoạn hối lộ hết sức tinh vi và kín đáo”.
Đã qua rồi cái thời quan chức Trung Quốc đua nhau hối lộ bằng vàng, tiền mặt và những vật dụng có giá trị khiến họ dễ bị “sờ gáy” và cũng khiến giới chức nước này dễ dàng khui ra những vụ hối lộ “kinh thiên động địa”.
Thiếu tướng Cốc Tuấn Sơn, cựu Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bị bắt hồi năm 2014. Cốc Tuấn Sơn được mô tả là người “rất ham vàng” và chuyên “chất hàng trăm thỏi vàng lên ô tô Mercedes và sau đó giao chìa khóa xe cho người mà ông muốn hối lộ”. Số tài sản của Cốc Tuấn Sơn do tham nhũng mà có được lên tới 30 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 5 tỷ USD).
Thay vì thế, quan chức Trung Quốc giờ đây chuyển hướng sang hối lộ bằng những hình thức tinh vi hơn, trong đó chủ yếu tập trung vào việc “thỏa mãn mọi sở thích của những sếp lớn” để lấy lòng sếp. Từ việc lập các đội chơi thể thao, đánh bài, cờ bạc với sếp đến việc chạy trường cho con sếp, chạy việc cho người thân của sếp đến việc chăm lo cho cha mẹ sếp khi họ ốm đau hay thậm chí là kiếm bồ nhí cho sếp.
Một số nữ quan chức còn không ngần ngại “hiến thân để tiến thân” như Trương Ngọc Mai, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Tư pháp thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu bị đưa ra kỷ luật ngày 30/8 hay trước đó là Thời Tố Trân, Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương (CPPCC) thành phố Bao Đầu, Nội Mông bị kỷ luật hồi tháng 5 và Khương Bảo Hồng, cựu phó thị trưởng thành phố Vũ Uy, tỉnh Cam Túc, bị kỷ luật hồi tháng 1 vừa qua.
Thay đổi chiến thuật quyết bắt quan tham “dính chàm”
Để đối phó với những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các quan tham Trung Quốc và buộc họ phải sa lưới, lực lượng chức năng nước này cũng dần thay đổi chiến thuật săn bắt quan tham.
Theo đó, bên cạnh việc tiếp nhận hồ sơ, điều tra theo phương thức truyền thống, lực lượng cảnh sát Trung Quốc đã được “bật đèn xanh” để chủ động tiếp cận với các đối tượng bị tình nghi và dùng chính những thủ đoạn tiếp cận và hối lộ các sếp lớn của quan tham Trung Quốc khiến những đối tượng này bị “gậy ông đập lưng ông”.
Những “thợ diệt hổ, săn cáo” này luôn tâm niệm, chỉ cần thành tâm và kiên nhẫn sẽ tóm được con mồi. “Hổ lớn Bắc Kinh” Lã Tích Văn - Phó bí thư thành ủy Bắc Kinh – không hề biết rằng, những người tâm phúc chuyên phục vụ mọi sở thích của bà lại chính là người do lực lượng chức năng Trung Quốc cài cắm. Chỉ đến khi bị điều tra với cáo buộc tham nhũng hồi tháng 11/2015, vị quan bà quyền lực thứ 3 tại Bắc Kinh mới chua chát thừa nhận: “Thực ra, đội ngũ này được hình thành để bao vây quyền lực của tôi”.
Quan chức Trung Quốc bị cảnh sát dẫn độ về nước. Ảnh: Wall Street Journal
Không chỉ các quan tham trong nước “đứng ngồi không yên”, ngay cả những “con cáo ranh mãnh” đã trốn sang nước ngoài cũng đang hết sức khiếp sợ khi Chính phủ Trung Quốc tiến hành chiến dịch “Lưới trời 2019” sau những thành công của chiến dịch này những năm trước đó.
Được triển khai lần đầu năm 2015, chiến dịch “Lưới trời” đã thu được thành công ấn tượng, dẫn đến việc 1.023 quan tham phải hồi hương quy án và thu hồi 3 tỷ Nhân dân tệ (hơn 462 triệu USD). Trong đó đáng kể nhất là vụ dẫn độ Lệnh Hoàn Thành, một doanh nhân đang ẩn náu tại Mỹ và là anh trai của ông Lệnh Kế Hoạch - nguyên Phó chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc, Ủy viên Trung ương, Trưởng ban Mặt trận thống nhất Trung ương. Giới chức Trung Quốc nghi ngờ Lệnh Hoàn Thành có liên quan đến ít nhất 3 vụ án tham nhũng và rửa tiền với số tiền lên tới 1 tỷ USD.