Cô Minh, con gái họa sĩ Trần Lưu Hậu từng đứng bán tranh ở galery 7 Hàng Khay năm xưa, trong một lần trò chuyện với tôi có bảo: “Không có tranh đẹp hay tranh xấu chú ạ, chỉ có tranh bán được hay không bán được mà thôi”. Rồi cô viện dẫn: “Đấy, cửa hàng này có bức tranh mà họa sĩ nào vào galery cũng đều khen đẹp, nhưng để hàng năm nay chẳng ma nào hỏi. Mới đây có bức tranh gửi đến buổi sáng thì chiều bán luôn, trong khi mấy họa sĩ ghé qua đều chê nó xấu điên xấu đảo! Vậy chú bảo sao?”.
Đấy là một góc nhìn thương mại về tranh của người nhiều năm đứng bán hàng với kinh nghiệm trực tiếp, góc nhìn khá thú vị mà người không tham gia thị trường bán tranh không bao giờ biết, và biết rồi cũng khó mà hiểu nổi.
Bán tranh tại nhà cũng thế. Có những bức thấy chưa ổn, tác giả định giấu, nhưng người mua lại lôi ra chọn lấy được. Chẳng biết thế nào.
Hồi tôi sang Pháp làm triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở quận 13, Paris, anh Tích Kì, một Việt kiều gốc Hà Nội, mua bức Chùa Bích Động của tôi. Anh bảo: "Đây không phải bức đẹp nhất trong số tranh chú có ở đây. Tôi chọn nó vì mái ngói chùa chú vẽ khéo quá. Tôi mua nó để mỗi lần nhìn mái ngói chùa thấy đỡ nhớ quê hương".
Bức "Chùa Bích Động" được mua vì khách hàng thích mái ngói.
Năm 1993, bức tranh phơi thổ cẩm của tôi được một khách hàng Mỹ mua. Trước đó, chị chăm chú hàng giờ xem bức màu bột Mùa xuân sinh sôi bán trừu tượng của tôi, tưởng sẽ mua, vậy mà sau chị lại chọn tranh phơi thổ cẩm. Chị bảo: “Tranh ấy đẹp, hấp dẫn tôi nhưng tôi không hiểu. Tôi chỉ mua những bức tranh hiểu được thôi, dù có thể nó chưa thật đẹp”.
Cũng tại triển lãm năm 1993 tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội, một bà khách Mỹ đến chọn mua một bức, hẹn hôm sau sẽ đem theo phiên dich để tìm hiểu thêm. Ngày hôm sau đến, chỉ vào một loạt tranh và nghe tôi giải thích kỹ từng bức, bà ấy vui lắm, mua thêm 7 bức. Năm ấy toàn tranh giấy.
Một luật sư người Pháp mua bức tranh Tan vỡ của tôi. Bức đó vẽ người đàn bà địu con cầm ô đang bước đi. Đằng sau, trên nền đen thẫm có ba dải màu ở rèm ri-đô cửa buồng xô lệch, ẩn ý về sự tan vỡ. Luật sư thích, mua với giá 300 USD. 300 USD lúc ấy là hơn 6 chỉ vàng. Hôm sau, ông quay lại phòng tranh trò chuyện, rất phấn hứng với bức tranh mình vừa sở hữu. Nhưng rồi ông nhún vai: “Đắt quá”. Tôi bảo: “Thưa ông, tiền tranh ông mua vẫn còn đây, nếu không hài lòng thì ông có thể đem tranh trả, tôi sẽ hoàn lại tiền”. Lúc ấy ông cười: “Không đâu, trả lại thì tôi không ngủ được. Tôi thích tranh đó mà. Nghĩ ba ngày mới mua đấy”. Hóa ra ông đã vào triển lãm trước đó mấy ngày mà tôi không biết.
Đến triển lãm này có một ông đứng tuổi, có lẽ là cỡ giám đốc công ty, đưa vị khách già người nước ngoài đến hỏi mua bức tranh dó Thiếu nữ Thái. Tranh để giá 250 USD. Ông ấy mặc cả: “150 USD được không?". Tôi chưa kịp trả lời thì ông đế thêm: “Thế là được rồi, chẳng qua người ta ở nước ngoài tới, muốn mua một bức tranh làm kỷ niệm”... Phải trực tiếp nghe giọng mới thấy sự khinh bạc, ban ơn trong câu nói ấy. Tự nhiên cơn giận vụt đến, tôi bảo: “Ông đưa khách ra khỏi phòng tranh tôi ngay. Tôi không muốn bị đối xử như thế”. Ông ta giật mình, mặt biến sắc nhìn tôi như nhìn khỉ và không nói gì, xì xồ mấy câu tiếng Tây rồi đưa khách ra khỏi phòng.
Ngày hôm sau, một khách Hà Lan đến chỉ bức tranh đó, biết giá 250 USD ông ấy mua ngay! Thế là đuổi khách lại được thêm 100 USD!
Thời gian ấy, tầng tum nhà triển lãm được cho thuê làm cửa hàng ăn. 7 giờ tối, một khách Nhật vào chọn mua 5 tranh cả sơn lẫn giấy, tổng số tiền 1.350 USD. Tôi cho gỡ tranh, còn ông lên gác ăn tối. Lúc này tôi mới biết ông ấy có đến mấy loại tiền, nào USD đến đô la Hong Kong, đô la Singapore. Tôi đang hoang mang thì cô Bích - người phiên dịch và trông coi triển lãm - bảo: “Anh đừng ngại, chúng em cho đổi sang tiền Việt được cả”.
Khoảng 9 giờ tối, ông khách cùng mấy người bạn ăn xong, xuống trả tiền lấy tranh thì một người trong đoàn kéo lại lấy đi một tờ 50 USD, ra hiệu muốn bớt. Tôi bực mình. Tổng số tranh giá 1.500 USD, tôi đã bớt còn 1.350 USD, nay lại bớt nữa! Tôi không thích trò trẻ con nên xẵng giọng bảo treo lại tranh, không bán nữa. Vị khách Nhật ngẩn người. Họ nói gì đó với nhau rồi lặng lẽ ra khỏi phòng. Còn tôi về nhà nghỉ.
10 giờ rưỡi đêm, tôi bật dậy vì một cú điện thoai. Bác Trạch trông coi triển lãm bảo ông khách Nhật quay lại xin lỗi, nói bạn ông trong lúc say rượu đã có việc làm khiếm nhã. Ông ấy muốn trả đủ tiền và xin được nhận tranh. Tôi đồng ý. Sau đó ông còn mua thêm bức tranh dó nữa với giá 100 USD.
Nhớ lại thấy cũng lạ, đuổi khách đi mà rồi lại bán được hơn tiền!
Cũng triển lãm ấy, có một thanh niên người Pháp chỉ bức tranh dó ghi giá 100 USD, bảo xin một cái giá tốt nhất. Tôi nói ngay là 80 USD. Lặng lẽ một lúc, cậu bảo "70 USD nhé, OK đi". Tôi không thích kiểu mua bán kì kèo như mua rau muống nhưng rồi cho qua, vẫn gật đầu.
Chiều cậu qua, chìa ra 65 USD. Tôi bực mình quá lắc đầu, từ chối bán. Cậu ta bần thần một lúc rồi đi ra. Chừng năm giờ chiều cậu quay lại, đem đủ 70 USD và xin được lấy tranh, đồng thời thanh minh rằng cậu là sinh viên nên nghèo, khó khăn về tài chính. Đợi đóng gói xong, tôi cho lại cậu ấy 5 USD, và thấy vẻ ngạc nhiên lạ lùng ánh lên trong mắt chàng trai.
“Anh hùng Núp” - tranh sơn dầu trên bao tải sợi gai được bán cho khách Thụy Điển năm 1986.
Lại nhớ năm 1986, tôi bán bức Anh hùng Núp - bức tranh sơn dầu đầu tiên tôi vẽ trên bao tải - cho ông khách Thụy Điển; phát giá 1.500 đồng. Ông bảo "tôi mua 1.200 đồng được không?", tôi đồng ý. Trả tiền xong, trước khi ông gỡ tranh mang đi, tôi bảo cô Bích lấy giúp 200 đồng đưa lại cho ông. Khách ngạc nhiên hỏi lý do, tôi bảo ông là người mở hàng, nên tôi chia sẻ với ông một chút lộc, đó là tục lệ phương Đông. Vị khách ngẩn người rồi hiểu ra, cầm tiền sung sướng đút vào túi và cảm ơn mãi trước khi ra về. Nhưng hôm sau, ông kéo 5 chuyên gia ở nhà máy giấy Bãi Bằng đến mua tranh!
Mua bán tranh còn nhiều chuyện vui nữa, xin dịp khác kể tiếp.