Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Một trong 24 sách Hán Nôm cổ mất tích kỳ lạ được ví như bảo tàng văn hóa dân tộc

(VTC News) -

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Văn học, "Toàn Văn thi lục", một trong 24 sách quý thất lạc, ghi lại truyền thống văn hóa qua thơ ca.

Trả lời VTC News về giá trị của bộ sách “Toàn Văn thi lục” (một trong những bộ sách cổ ở Viện nghiên cứu Hán Nôm bị thất lạc), PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn cho biết, bộ sách có giá trị đặc biệt quan trọng không chỉ trong chính sự nghiệp của nhà bác học Lê Quý Đôn, mà còn mang tính đại thành về thơ ca chữ Hán của Việt Nam từ thế kỷ X thời Lý - Trần cho đến năm 1768 (thời điểm hoàn thành sách).

Tờ bìa "Toàn Việt thi lục" lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Biên niên về thơ ca

Đó là công trình kế thừa, nối tiếp, bổ sung, tổng hợp, hiệu chỉnh… tư liệu từ các bộ thi tuyển lớn của Việt Nam trước đó, như Việt âm thi tập, Tinh tuyển chư gia luật thi, Trích diễm thi tập… Việc làm của Lê Quý Đôn hết sức kịp thời bởi thơ ca thế kỷ XVII trở về trước không được ghi chép nhiều, sách khắc in chưa phát triển nên thường xuyên xảy ra tình trạng thất tán”, PGS Nguyễn Hữu Sơn nói.

Nhà nghiên cứu này nêu rõ, Lê Quý Đôn đã thống kê, sưu tập các loại thơ ca, mang tính tổng hành thuộc tất cả thể loại như ngũ ngôn thất tuyệt, ngũ ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn bát cú… của nhiều tác giả, từ vua tôi, quan lại, nho sĩ, thiền sư cho đến khuyết danh.

pgs-ts-nguyen-huu-son-11032459.jpg

“Toàn Văn thi lục” là biên niên về thơ ca, bảo tàng của văn hóa dân tộc ở góc độ văn học, ghi lại tiếng nói của tâm hồn dân tộc, truyền thống văn hóa dân tộc qua thơ ca.

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn

Về mặt nội dung, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn nói, chúng ta có thể tìm thấy tất cả hệ thống, chủ đề, đề tài tại “Toàn Văn thi lục”. Đó là lòng yêu nước, sự hướng tâm về vua quan triều đình, thiền học hay du ký cảnh vật, đề cao non sông đất nước…

Có thể khẳng định 'Toàn Văn thi lục' là biên niên về thơ ca, bảo tàng của văn hóa dân tộc ở góc độ văn học, ghi lại tiếng nói của tâm hồn dân tộc, truyền thống văn hóa dân tộc qua thơ ca. Những dấu ấn của văn hóa, văn học dân tộc biểu hiện bằng tiếng nói của các tập thơ”, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Văn Khoái - Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, thơ hiện đại mang quan điểm rằng thơ là nghệ thuật ngôn từ, còn thơ trong “Toàn Văn thi lục” là thơ về ngôn chí, nói về chí hướng, xem qua thơ biết được thịnh suy của chế độ.

Bộ sách bao quát cả truyền thống thi học Đại Việt từ đầu đời Lý - Trần cho đến đời Lê, kéo dài khoảng 7 thế kỷ của thời phong kiến độc lập tự chủ. Tác phẩm đã hệ thống hóa những căn bản của học thuật nước nhà”, ông Khoái nói.

Vẫn theo PGS.TS Phạm Văn Khoái, văn học thời điểm đó gắn liền chính trị, vận khí của đất nước, vô cùng quan trọng nên Lê Quý Đôn sưu tập và biên soạn theo lệnh của nhà vua.

Truyền bá văn hóa, văn hiến dân tộc

Là người có nhiều công trình nghiên cứu về “Toàn Việt thi lục”, PGS.TS Hà Văn Minh - giảng viên Bộ môn Hán Nôm, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội - nhận định, tác giả bộ sách đã làm công việc khổng lồ mà chưa bộ sưu tập nào trong lịch sử đạt được với việc sao chép hơn 2.000 tác phẩm thơ ca của gần 200 tác giả, trong khoảng từ đời Lý - Trần đến đời Lê.

Theo ông Minh, nhờ sự tiếp thu khảo chứng học đời Thanh, với quy cách sưu tập, biên định tỉ mỉ, công phu, “Toàn Việt thi lục” đã bao quát được thành quả của các tuyển tập thơ ca đời trước và trên cơ sở đó, tạo nên sự bứt phá mới ở nhiều phương diện, làm tiền đề cho các hợp tuyển thơ ca đời sau.

Có thể thấy bên cạnh giá trị là một bộ tổng tập thơ ca đồ sộ với đúng tên sách của nó, “Toàn Việt thi lục” còn là một bằng chứng thuyết phục của một phương pháp làm việc khoa học, của một trình độ tư duy, thẩm định văn bản tiên tiến.

Nghiên cứu quy cách sưu tầm, biên định; khảo sát hệ thống tiểu dẫn, chú thích dẫn giải; tìm hiểu quan điểm dân chủ mới mẻ của Lê Quý Đôn trong việc sao chép và giải thích văn hiến cổ xưa thể hiện qua 'Toàn Việt thi lục'... có thể giúp chúng ta đánh giá sâu sắc hơn, toàn diện hơn thành tựu của hoạt động ngữ văn học mà cha ông ta đã tiến hành trong lịch sử”, PGS.TS Hà Văn Minh nêu rõ.

Một phần của "Toàn Việt thi lục" đã được dịch và xuất bản.

Phân tích về mặt nội dung, PGS.TS Hà Văn Minh cho hay, trong thể lệ sách, Lê Quý Đôn đánh giá tài năng lớn lao của các nhà thơ, nhận thức sâu sắc về vai trò của việc giáo dục bằng thơ, qua thơ có thể thấy được những nét lớn về chính sự và giáo hoá đương thời, giá trị to lớn của thơ là ở chỗ “vun đắp văn đức cho tốt tươi, làm sáng tỏ để tô điểm cho nền trị bình”.

Lê Quý Đôn chú ý sưu tập toàn bộ những sáng tác thơ ca chữ Hán của người Việt. Lần đầu tiên ông chú trọng thu lượm một cách rộng rãi, ở phạm vi bao quát nhất. Chính tên sách “Toàn Việt thi lục” - ghi chép thơ ca của toàn cõi nước Việt - đã thể hiện rõ ràng tinh thần ấy.

Đặt vấn đề sưu tầm rộng khắp như thế này, Lê Quý Đôn mong muốn cho nguời đời sau có được cái nhìn đầy đủ nhất về gia tài thơ ca của nước nhà. Cũng là một cách để hoằng dương văn hoá, văn hiến dân tộc”, PGS.TS Hà Văn Minh nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, bên cạnh việc sưu tầm, sao chép thơ ca của người Việt, để tạo cái nhìn đối sánh cần thiết, Lê Quý Đôn cũng chép cả thơ của người Trung Quốc và sứ thần Triều Tiên khi gặp gỡ với sứ thần ta.

Trong “Toàn Việt thi lục” - Lệ ngôn, Lê Quý Đôn viết : “Việc giao hảo giữa nước ta và phương Bắc thường dùng thơ từ tặng đáp. Ở triều trước, sứ giả ta thường dùng thơ dâng, vua ta cũng có thơ họa lại. Các sứ giả của bản triều khi qua cửa quan, trên đường vạn dặm, phần nhiều được thi sĩ đại phu bên Trung châu (cách gọi sứ giả Trung Quốc) coi trọng, cùng ta xướng thù. Sứ Triều Tiên cũng tặng thơ bày tỏ cảm tình. Đó là những sự kiện tốt đẹp trong việc giao bang…”.

Việc Lê Quý Đôn sao lục thi ca bang giao cũng như việc chính ông khi đi sứ mang theo bộ “Việt âm thi tập” để giới thiệu văn hoá thi ca dân tộc với quan lại Trung Quốc đã chứng minh cho nền văn hiến rạng rỡ trải nhiều niên đại của nước nhà, nhằm phủ nhận cái nhìn lệch lạc khinh miệt của họ, có thể đánh giá là việc làm của một sứ giả văn hoá”, PGS.TS Hà Văn Minh khẳng định.

Ngày 21/12, Viện Nghiên cứu Hán Nôm ra thông cáo về sự việc 25 cuốn sách cổ đang lưu giữ tại cơ quan này bị thất lạc.

Là người lên tiếng về vụ việc này trên mạng xã hội từ tối 20/12, TS Nguyễn Xuân Diện - Phó Trưởng phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm - đánh giá 25 cuốn sách cổ bị mất lần này là những cuốn cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc, trong đó có 4 cuốn "Toàn Việt thi lục" thuộc 3 bộ khác nhau.

Chiều 21/12, PGS.TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm - cho biết, Phòng Bảo quản đã tìm thấy cuốn sách "Nam quốc địa dư chí", ký hiệu ST.49. Đây là một trong số 25 cuốn sách Hán Nôm cổ, quý hiếm bị thất lạc. 

Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiếp tục tìm kiếm các cuốn sách thất lạc và sẽ có đánh giá cụ thể về giá trị của từng cuốn sách cổ.

Anh Văn

Tin mới