Những ngày này, đất nước ta đang phải trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn trong phòng chống dịch COVID-19 khi biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ nhanh tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Trước tình hình khó khăn này, ngày 29/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sỹ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài.
Phóng viên VOV phỏng vấn bà Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch nước về nội dung này.
Bà Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch nước.
- Lúc này, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang nỗ lực dồn sức ứng phó với đại dịch COVID-19. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi tới toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nói lên điều gì, thưa bà?
Trong lúc đất nước ta đang thực hiện quyết liệt tư tưởng “chống dịch như chống giặc”, Lời kêu gọi của Tổng Bí thư thể hiện sự lãnh đạo và chỉ đạo hết sức kịp thời. Đây là một lời hiệu triệu để tất cả mọi người đã quyết tâm rồi thì quyết tâm hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, đoàn kết rồi thì đoàn kết hơn nữa để quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.
Hơn nữa, trong lời hiệu triệu này thể hiện sự động viên, khích lệ, tạo thêm động lực cho tất cả lực lượng tham gia chống dịch, đặc biệt là lực lượng ở tuyến đầu là các bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên và có cả các sinh viên ngành y dược trong thời gian qua đã quên mình để chống dịch.
Lời hiệu triệu cũng là một sự động viên, khích lệ đối với đồng bào và chiến sỹ cả nước, những người trong thời gian vừa qua đã góp sức mình đối với công việc chống dịch.
Tôi thấy trong lời hiệu triệu chứa đựng sự quyết tâm cao độ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, nhất là khi khó khăn như hiện nay và nếu như nhìn lại, xuyên suốt trong lời hiệu triệu không chỉ là sự động viên, khích lệ, thể hiện quyết tâm cao độ mà nó còn thể hiện đường lối nhất quán của Đảng ta đó là vì nhân dân phục vụ.
- Bà nghĩ sao về tinh thần Diên Hồng - một biểu tượng thiêng liêng về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh nội sinh, đặc biệt là trong thời khắc có tính quyết định đối với vận mệnh của đất nước?
Tinh thần Diên Hồng được thể hiện ở tất cả các thời điểm đất nước gặp khó khăn. Hội nghị Diên Hồng đã để lại một ý nghĩa chính trị và thực tế rất lớn. Ý chí của toàn dân tộc, người lật thuyền cũng là dân, người chèo thuyền cũng là dân và hô “quyết đánh” thể hiện rõ nếu không quyết đánh thì dịch bệnh không thể lui được.
Chính vì vậy, quyết tâm thì càng quyết tâm hơn, tinh thần Diên Hồng đã được nhân lên, đó là trong lúc này đã hội tụ đầy đủ tinh thần dân tộc, đồng lòng của tất cả các tổ chức chính trị - xã hội, sự đồng lòng của nhân dân.
- Kể từ đầu năm 2020, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo căn cơ, quyết liệt để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Bà nghĩ sao về sự chủ động này?
Lịch sử của đất nước hàng nghìn năm văn hiến đã chứng minh, đó là bài học chủ động, sáng tạo, trăm trận trăm thắng với ý chí quyết tâm cao độ. Đảng và Nhà nước ta hiện nay đã phát huy bài học của cuộc cách mạng Việt Nam, bài học ông cha ta để lại. Càng qua thực tế, những bài học đó càng thấy sáng và chính bài học đó đang soi đường cho chúng ta đi.
Bài học lịch sử của ông cha ta được phát huy cao độ và bây giờ càng chủ động hơn trong thời kỳ cách mạng 4.0, chúng ta sử dụng công nghệ thông tin cùng với sự đồng lòng, sự thông minh, sáng tạo, chủ động thì sẽ thành công.
- Đại hội XIII của của Đảng đã xác định tập trung kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm chủng đại trà vaccine COVID-19 cho cộng đồng. Rõ ràng, Đảng đã nhận thức rõ vấn đề kiểm soát dịch bệnh?
Đây không phải là một quyết định nữa, mà là một tuyên bố về vấn đề nhân dân ta, Đảng ta phải có trách nhiệm đẩy lùi dịch bệnh. Đây là một quyết định rất đúng đắn và trong quyết định này chứa đựng một tuyên bố hùng hồn vì nhân dân, vì tính mệnh và cuộc sống của nhân dân.
- Lần đầu tiên chúng ta phải đối phó với một đại dịch lớn và tác động sâu rộng khắp toàn cầu như đại dịch COVID-19, chúng ta đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn tồn tại tư tưởng chủ quan . Bà có suy nghĩ và nhìn nhận thế nào về thực tế này?
Nguyen-thi-doan-2.jpeg
Có những lúc ở một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa nhìn nhận hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, kể cả cấp ủy, chính quyền, nên khi để dịch lây lan chúng ta thấy có yếu tố đó.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan
Có biểu hiện lơ là ở một số nơi. Vừa qua, phương tiện thông tin đại chúng đã nêu rất nhiều, trong khi chính quyền phải gồng mình lên, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách về chống dịch, nhưng có những lúc ở một số địa phương vẫn còn chủ quan, chưa nhìn nhận hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, kể cả cấp ủy, chính quyền, nên khi để dịch lây lan chúng ta thấy có yếu tố đó.
Trong nhân dân đâu đó vẫn có sự chủ quan, lơ là, vẫn tụ tập, thậm chí chống đối người thi hành công vụ.
Chúng ta vẫn phải siết chặt kỷ cương, gương mẫu, các cấp ủy, chính quyền, những người đang điều hành vị trí ở các cấp phải hết sức gương mẫu trong phòng, chống dịch và phải nhanh nhạy với sự biến chuyển của nó để có hình thức xử lý kịp thời.
- Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng tới đời sống của nhân dân, từ Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, lúc này chúng ta rất cần sự “chung lưng đấu cật” của cả hệ thống chính trị và người dân cả nước?
Trong lúc này, người dân cần thể hiện 3 yếu tố, cụ thể là: trách nhiệm công dân, tinh thần công dân; ý thức công dân.
Trách nhiệm công dân tức là chấp hành pháp luật và các quy định của chính quyền cũng như Bộ Y tế về phòng, chống dịch.
Còn tinh thần công dân, vừa qua, tôi thấy đại bộ phận nhân dân đã thể hiện rất tốt, nhường cơm sẻ áo, chia sẻ đối với đồng bào nghèo, đối với người khó khăn trong dịch bệnh và đặc biệt tinh thần đó được thể hiện ở những gói cứu trợ của Nhà nước.
Tinh thần công dân ở đây không chỉ chờ gói cứu trợ mà phải thấy được những nơi nào nhân dân còn nghèo, gặp khó khăn do ngừng sản xuất kinh doanh, do ngừng các hoạt động ngoài xã hội thì phải thể hiện được tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”.
Ý thức công dân không chỉ dừng lại ở việc thực hành đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước, tinh thần nhường cơm sẻ áo, mà đây còn là ý thức của một công dân Việt Nam đã trải qua những cuộc kháng chiến, đã đoàn kết nhất trí như thế nào để có được một đất nước Việt Nam như ngày nay. Luôn ý thức rằng, chúng ta là một thành viên, là một công dân của đất nước Việt Nam anh hùng.
Chỉ khi nào chúng ta thể hiện được 3 khía cạnh đó trong một con người, nhất là trong lúc này thì mới thành công được.