Có lẽ do thói quen hay để tiết kiệm thời gian, rất nhiều người dùng số 1 thay cho chữ “một” trong từ “một số”, chẳng hạn như “có 1 số vấn đề gây bức xúc…”. Họ thực ra đang hiểu sai bản chất chữ này. “Một” ở đây không phải là số từ (chỉ số lượng và thứ tự của sự vật, sự việc) mà chính là lượng từ - chỉ lượng ít hay nhiều của sự vật, tương tự như “vài”, “dăm”, “tất cả”, “mọi”… Vì thế, phải viết “một số” chứ không thể là “1 số” được.
Trên sách báo, mạng xã hội và các loại văn bản còn có rất nhiều lỗi chính tả phổ biến do không hiểu nghĩa gốc của từ, nhất là các từ Hán Việt, chẳng hạn “gia nhập” bị viết thành “ra nhập”. Gia nhập là một từ Hán Việt, trong đó gia (加) là thêm, tăng thêm, thêm vào; còn nhập (入) có nghĩa là vào, vào trong. Gia nhập nghĩa là tham gia vào, đưa mình vào hàng ngũ một tổ chức, hội nhóm, cộng đồng… nào đó.
Còn “ra nhập” không hề có nghĩa. “Ra” là từ thuần Việt, nghĩa ngược với “vào”, cho dù có thể tùy tiện ghép với “nhập” là từ tố Hán Việt thì nghĩa thu được cũng không liên quan gì với điều người ta muốn diễn đạt khi viết “anh ấy gia nhập tổ chức A”.
(Minh họa: OhayTV)
Từ “tham quan” cũng thường xuyên bị viết sai thành “thăm quan”. Tham quan là từ Hán Việt, nghĩa là xem tận nơi, tận mắt để mở rộng hiểu biết hoặc học tập kinh nghiệm. Trong đó, tham (参) là can dự vào, còn quan (観) là xem, nhìn. Sẽ không đúng nếu viết là “thăm quan” với chữ “thăm” thuần Việt - đến chơi để tỏ tình thân, sự quan tâm (thăm nom, thăm hỏi).
Trong số từ Hán Việt rất hay bị viết sai còn có “chẩn đoán” (xác định bệnh dựa trên thăm khám và kết quả xét nghiệm), thường bị viết thành “chuẩn đoán” – một “từ” không hề có trong từ điển tiếng Việt.
“Chẩn” (診) có nghĩa là xem xét, khám bệnh (ngày xưa chưa có xét nghiệm, việc tìm ra bệnh chủ yếu dựa vào xem xét); còn “đoán” (断) là phán đoán, quyết đoán. Trong khi đó, “chuẩn” (准) nghĩa là đúng, chuẩn mực, không liên quan gì đến nghĩa của từ “chẩn đoán” mà chúng ta vẫn dùng.
Bên cạnh đó, rất nhiều lỗi chính tả nhầm lẫn phụ âm đầu tr-ch, s-x, d-gi cũng bắt nguồn từ việc không nắm rõ về từ vựng, như “bánh trưng”, “sôi lạc, sôi xéo”, “dỗ Tổ” trong khi viết đúng phải là “bánh chưng”, “xôi lạc, xôi xéo”, “giỗ Tổ”.
Lỗi chính tả "dỗ Tổ" trong một cuốn vở Luyện tập Tiếng Việt lớp 1.
Chữ “chưng” (烝) nghĩa gốc là hơi nóng hoặc hơi nước bốc lên, liên quan đến quá trình nấu bánh. Nếu dùng chữ “trưng” (để ở vị trí dễ nhìn thấy - trưng bày) thì sẽ rất vô nghĩa. “Xôi” là món ăn từ gạo nếp được làm chín bằng hơi nước nóng, hoàn toàn khác với “sôi” là một trạng thái của chất lỏng ở giai đoạn chuyển từ dạng lỏng sang dạng hơi.
Còn “giỗ” trong từ “giỗ Tổ” có nghĩa là lễ tưởng nhớ người đã khuất được tổ chức hằng năm đúng vào ngày họ qua đời, hoàn toàn khác với “dỗ” - dùng lời nói khéo léo hoặc sự chiều chuộng để ai đó bằng lòng, nghe theo, làm theo mình.
Trong phạm vi bài viết ngắn, chỉ xin nêu vài ví dụ như trên, vì không thể liệt kê hết những lỗi chính tả sơ đẳng vẫn xuất hiện với tần suất khá cao trên các loại văn bản. Chỉ mong mọi người đừng coi thường các lỗi chính tả, vì chúng nhẹ thì gây khó chịu, ức chế, nặng có thể dẫn đến các tai họa kiểu “bút sa gà chết”. Chỉ có sự hiểu biết về tiếng Việt và thái độ cẩn trọng khi viết mới giúp chúng ta tránh được những sai sót này.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.