Chiều 25/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
57.000 F0 đang điều trị tại nhà
Tại họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cho biết, theo số liệu thống kê những ngày gần đây, thành phố hiện có khoảng 57.000 F0 điều trị tại nhà.
Quan điểm của thành phố là F0 phải được tiếp cận y tế trong 24 giờ sau phát hiện dương tính. Do đó, khi bất cứ ai phát hiện mình dương tính (F0) phải nhanh chóng tiếp cận trạm y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động. Việc tiếp cận này nhằm giúp F0 nhận được tư vấn cụ thể từ bác sĩ, được nhận túi thuốc.
Tuy nhiên, vẫn còn một số F0 chưa tiếp cận được trạm y tế địa phương hoặc chưa được hỗ trợ kịp thời. Ông Hải cho rằng, có thể do lực lượng y tế địa phương còn ít, trong khi đó số lượng F0 đông và tăng lên những ngày qua.
“Ví dụ một phường chỉ có 10 nhân viên y tế nhưng có tới 170.000 dân, như vậy 1 nhân viên y tế phải “gánh" 17.000 dân, số F0 đông, nhiều khi không thể hỗ trợ hết được”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, sắp tới thành phố sẽ tăng cường nhân lực cho các trạm y tế lưu động và trạm y tế phường, xã.
Sở Y tế phối hợp với Bộ Tư lệnh TP.HCM huy động thêm lực lượng quân y, dân quân hỗ trợ, trực cùng nhân viên trạm y tế lưu động nhằm điều trị và chăm sóc tốt F0 tại nhà.
Ông Phạm Đức Hải.
F0 sẽ tăng vài ngày tới
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, 3 ngày vừa qua, số F0 có hiện tượng gia tăng, phổ biến ở mốc trên 1.500 ca/ngày.
“Ngành y tế dù đã cố gắng nhiều biện pháp nhưng số F0 vẫn có chiều hướng tăng và dự kiến còn nhích (tăng) lên những ngày tới”, bà Mai cho biết.
Để ứng phó với tình hình F0 tăng, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND TP chiến lược y tế, quy chế phối hợp quản lý F0 tại nhà. Trong tuần qua, Sở Y tế có hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho các F0 tại nhà, ban hành hướng dẫn về chăm sóc F0 cụ thể trong tình hình mới, đặc biệt là hướng dẫn sử dụng các gói thuốc A, B, C.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai.
Sở cũng phối hợp với các sở, ngành, giám sát các hoạt động trạm y tế lưu động; thành lập 8 nhóm quản lý theo từng quận, huyện, có thành phần là thành viên Ban Giám đốc Sở Y tế, HCDC, trung tâm y tế…
Sở Y tế thành lập 10 tổ để kiểm tra các trạm, nắm bắt sớm các tình hình và xử lý kịp thời nhu cầu người dân, đồng thời củng cố lại đường dây nóng 1022; tái lập hệ thống mạng lưới thầy thuốc đồng hành, từ đó có thể hỗ trợ tốt nhất cho F0 tại nhà cũng như F0 đang được thu dung tại các bệnh viện.
Sở Y tế TP.HCM có văn bản chấn chỉnh các bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân, không đáp ứng được nhu cầu người bệnh; điều động, tăng cường nhân viên y tế đến các bệnh viện dã chiến ở địa bàn có dấu hiệu gia tăng ca mắc COVD-19.
Hơn 320.000 trẻ em đã tiêm vaccine mũi 2
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, sau 4 ngày triển khai, thành phố đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho 324.000 trẻ từ 12-17 tuổi.
“Tiến độ tiêm diễn tiến khá tốt. Theo kế hoạch, công tác tiêm chủng diễn ra trong 7 ngày, nhưng hiện 3 ngày đã tiêm được 1/2 số lượng trẻ đã tiêm mũi 1”, ông Tâm cho biết.
Quá trình tiêm chủng, ngành y tế ghi nhận 284 trẻ hoãn tiêm do mắc bệnh cấp tính, bệnh nền lâu năm, 2 trường hợp chống chỉ định liên quan tiền sử sốc phản vệ.
Đến 18h ngày 24/11, TP.HCM có hơn 460.000 ca COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Thành phố đang điều trị hơn 14.000 bệnh nhân, trong đó có 578 trẻ em dưới 16 tuổi, 357 bệnh nhân nặng đang thở máy, 10 bệnh nhân được can thiệp ECMO.