Theo Trung tâm Kiểm soát bệt tật TP.HCM (HCDC), hiện số ca mắc mới mỗi ngày tại thành phố luôn trên 1.000 người/ngày và có xu hướng tăng cao. Cụ thể ngày 21/11, thành phố có 1.265 ca mắc mới, ngày 22/11 tăng lên 1.547 ca, ngày 23/11 có gảm nhưng vẫn cao khi ghi nhận 1.204 người mắc mới và ngày 24/11, số ca mắc mới tăng lên tới 1.666 ca.
Qua thống kê, HCDC cho biết, số ca mắc mới phát hiện qua test nhanh có xu hướng tăng lên tại huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, quận 12 và TP Thủ Đức…, nơi tập trung tại các khu công nghiệp, khu nhà trọ, ổ dịch gia đình.
TP.HCM có thể đáp ứng điều trị 120.000 F0 cùng lúc. (Ảnh minh họa)
Đáp ứng điều trị 120.000 F0 cùng lúc
Mặc dù số ca mắc mới còn cao và có xu hướng tăng lên nhưng theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thành phố vẫn đang ở đợt dịch thứ tư và thành phố đang thực hiện Nghị quyết 128 cũng như triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm chiến thắng dịch bệnh.
“Thành phố đang vẫn đang ở đợt dịch thứ 4, không thể gọi là đợt dịch mới, thành phố cũng như các địa phương khác đang thực hiện Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch COVID-19, đồng thời triển khai nhiều biện pháp để có thể chiến thắng dịch”, bà Mai cho biết tại họp báo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM (BCĐ) diễn ra mới đây.
Theo bà Mai, mục tiêu chung của thành phố là duy trì, bảo vệ được thành quả chống dịch thời gian qua, kéo giảm ca nặng, các ca tử vong và củng cố lại hệ thống y tế. Do đó, để ứng phó với số ca F0 tăng cao, thành phố xây dựng 7 kịch bản chữa trị, chăm sóc cho từng F0 trong thời gian sắp tới. Hiện, TP.HCM có trên 9.100 bác sĩ và hơn 19.000 điều dưỡng.
"TP.HCM duy trì được số lượng giường oxy, giường ICU (hồi sức tích cực), khả năng đáp ứng điều trị khoảng 120.000 F0 cùng thời điểm", bà Mai nói.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai.
Lập trạm y tế lưu động
Để kiểm soát số ca COVID-19 xu hướng tăng trở lại, Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo kế hoạch hiện nay, thành phố tổ chức giám sát xét nghiệm để kịp thời phát hiện F0, dập dịch nhanh chóng và không để lan rộng, không để ảnh hưởng sinh hoạt người dân.
Cụ thể, ngành y tế tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên với khu vực nguy cơ cao như chợ, bến xe, siêu thị, cơ sở bảo trợ xã hội; các hộ gia đình cần điều tra dịch tễ và các cơ sở sản xuất kinh doanh, giám sát ngẫu nhiên người lao động theo cấp độ dịch từng nơi.
Mặt khác, khi tình hình dịch căng thẳng trở lại, thành phố lập gần 550 trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ của lực lượng quân y; phối hợp với 312 trạm y tế phường, xã giúp chăm sóc F0 tại nhà cũng như cấp phát túi thuốc A, B, C giúp người dân an tâm hơn trong công tác điều trị.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam, hiện F0 lại tăng ở một số địa phương, do đó việc duy trì trạm y tế lưu động là rất cần thiết. Địa phương có số F0 cao thì vẫn phải duy trì trạm y tế này, làm sao mỗi trạm có thể chăm sóc 50 - 100 F0.
“Sở đã huy động 40 trạm y tế lưu động tại Hóc Môn. Huyện Nhà Bè chỉ có 7 trạm y tế lưu động. Như vậy, huyện phải thành lập ít nhất 15 trạm y tế lưu động để chăm sóc F0 tại nhà. Việc lập trạm y tế lưu động là rất quan trọng”, ông Nam cho biết tại họp báo của BCĐ diễn ra trước đó.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam.
Mở lại khu cách ly tập trung quận, huyện
Để chăm sóc, điều trị cho F0 tăng lên, Sở Y tế cũng cho mở lại khu cách ly và thành lập bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện, xem như đây là cơ sở điều trị tầng 2.
Đến 15/11, 8 địa phương đã lập bệnh viện dã chiến cấp quận, huyện với quy mô 300 - 500 giường, sẵn sàng thu dung, điều trị F0 triệu chứng nhẹ và vừa. Ngoài ra, thành phố cũng đề nghị thành lập thêm các khu cách ly ở phường, xã. Hiện, TP.HCM có 62 khu cách ly tập trung cấp quận, huyện, phường, xã.
Theo Sở Y tế, F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được cách ly tại nhà và chăm sóc đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phải cách ly tập trung ở phường, xã, quận, huyện.
“Tình hình dịch tại thành phố xu hướng tăng ở một số địa phương. TP cần chuẩn bị trước một bước, Sở Y tế đề xuất tăng thêm khu cách ly để ứng phó với tình huống xảy ra”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết.
Ngày 23/11, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch 3908/KH-UBND về kiểm tra công tác kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Theo kế hoạch, UBND TP đã đề ra mục tiêu tiếp tục kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất;
Củng cố, tăng cường hệ thống y tế và từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM an toàn, linh hoạt, hiệu quả, mở rộng các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân TP.
UBND TP thành lập 19 đoàn kiểm tra công tác kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Kế hoạch kiểm tra diễn ra từ 25/11 đến 30/11.