Audio: Một ngày cùng A Páo - chàng trai xứ Nghệ nổi tiếng nhất Hà Giang
Từ một vùng quê miền Trung nắng gió - huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An), chàng trai Ngô Sỹ Ngọc, nghệ danh là A Páo, lên Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) lập nghiệp. Và như một duyên lành, anh đã gắn bó gần chục năm qua cùng dòng sông Nho Quế, cùng đỉnh Mã Pì Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo của miền Bắc Việt Nam.
Say với tình người, ở nơi đá chồng đá, núi chồng núi, mây len vào khe đá, đá đội mây lên trời, Youtuber A Páo đang miệt mài lan toả hình ảnh cao nguyên đá tới mọi người qua những sáng tác âm nhạc, những cảnh quay núi rừng hùng vĩ. Hơn 3.000 MV A Páo truyền tải trên kênh YouTube của mình, đã khiến du khách đều háo hức được tới đây để du lịch trải nghiệm và cũng may mắn được gặp chàng trai hiếu khách này.
Dẫn chúng tôi đến với mỏm đá Rồng thuộc xã Pải Lủng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), A Páo cho biết đây là địa điểm checkin được anh tìm ra và xây dựng nên. Trước ở đây là nương của đồng bào, có view rất đẹp, nhìn xa thì có ngũ long sơn, có 5 dãy núi nằm liền kề và trùng trùng điệp điệp.
Trong một lần trải nghiệm tìm những cảnh đẹp của Hà Giang, A Páo nhìn thấy mỏm đá hoang sơ, mộc mạc, hình tượng là một đầu rồng. Anh đã mua lại và trồng đào, mận, lê để quảng bá du lịch cho vùng đất này.
Quảng bá để mời gọi du khách lên trải nghiệm Cao nguyên đá Đồng Văn, đã nhiều người làm việc này. Nhưng YouTuber triệu view A Páo có cách làm riêng - sáng tạo, hiện đại nhưng vô cùng mộc mạc.
"Khi A Páo làm YouTube thì những hình ảnh đẹp nhất ở Hà Giang, A Páo quay lại. Du khách trải nghiệm thì A Páo cũng mong muốn quay lại những khoảnh khắc của du khách. Du khách sẽ không những được ngắm cảnh đẹp mà còn được nghe tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng hát của chính A Páo. Đó là những món quà của A Páo tặng cho du khách. A Páo mong muốn sẽ lan toả và truyền tải trên tất cả các nền tảng của mạng xã hội", A Páo chia sẻ.
Chàng trai này cũng tâm sự trên Cao nguyên đá Đồng Văn thì khách Tây là chủ yếu, khách Việt thì chỉ có những ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Để phát triển du lịch bản địa ở đây thì A Páo truyền tải cảm hứng cho các bạn Tây khi lên với vùng cao Hà Giang qua tiếng sáo và những bài hát giai điệu mộc mạc mà chính anh sáng tác.
Theo đó, du khách sẽ được nghe tiếng sáo ở trên mỏm đá và khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, họ ghi lại những video và chia sẻ cho bạn bè của họ, Hà Giang sẽ được nhiều người biết đến hơn. Họ cũng chính là những hướng dẫn viên du lịch online. Họ sẽ đưa những đường link youtube của A Páo đi khắp mọi nơi, đi khắp toàn cầu.
"A Páo thường hát những bài hát về vùng cao, ca ngợi cảnh đẹp và văn hoá vùng cao. Sáng tác của A Páo trong những bản làng xa xôi gần gũi với thiên nhiên, với đồng bào ở đây thì khách du lịch rất là thích", A Páo nói.
Chia sẻ về điều hấp dẫn và níu chân mình ở lại với Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá, A Páo cho rằng trước hết là tình người vùng cao mộc mạc, chân chất, thân thiện. "Nhận thức của đồng bào ở trong bản Mông hay những bản làng xa xôi thì người ta chưa hiểu nguồn thu từ du lịch rất là lớn. Họ chưa biết để phát triển nên mình phải định hướng cho người dân bản địa ở đây. Định hướng là phát triển du lịch bản địa, phát triển từ từ, bền vững, không thể vội được", A Páo cho hay.
Về dự định trong tương lai, chàng trai quê gốc Nghệ An cho biết muốn làm một khu du lịch trải nghiệm ở mảnh đất thuộc xóm Dềnh Phà, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.
Theo lời A Páo, ở vị trí đó phong cảnh rất đẹp, núi non hùng vĩ. Anh muốn đưa du lịch về đó để khách du lịch trải nghiệm, người ta có những hành trình vào những bản làng xa xôi hơn du lịch và hỗ trợ cho những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, mua những sản vật, sản phẩm địa phương, vừa có nguồn thu từ du lịch. Tương lai nguồn thu chính là từ du lịch để phát triển kinh tế bền vững cho những bản làng địa đầu nơi biên ải của Tổ quốc.
Xuôi dòng Nho Quế, A Páo đưa mọi người tới hẻm Khau Vai. Nơi núi non hùng vĩ, sông Nho Quế hiền hoà xanh ngắt màu trời, A Páo thoả sức hát ca, ngân nga tiếng sáo. A Páo hóm hỉnh giới thiệu: "Đó là phòng thu lớn nhất Đông Nam Á để Páo thỏa sức sáng tác, chơi nhạc".
Vừa dứt câu hát, A Páo nói: "Cả nhà thân mến! Hiện tại, du thuyền của A Páo đã sắp tới hẻm tình yêu rồi. Ở đây có những vách đá dựng đứng, có những chú khỉ đang leo trèo trên vách đá. Phía dưới, dòng sông Nho Quế nước xanh thăm thẳm. Tiếng của A Páo vang vọng cả dòng sông Nho Quế, vang vọng cả vách đá ở non nước Cao Bằng".
Mỗi ngày, vừa hướng dẫn du khách bằng tiếng sáo, tiếng đàn, lời ca dâng trào mọi cung bậc cảm xúc cho hàng trăm du khách; biên tập, phát sóng 2 MV 30 phút vào 11h và 20h hàng ngày, nhưng Páo vẫn dành thời gian cho con thơ và gia đình của mình.
Trong căn phòng gần 20 m2 thuê trọ, vợ chồng A Páo cùng 2 con nhỏ tạm quên những khó khăn cuộc sống, vẫn miệt mài cống hiến mang lại những giá trị tốt đẹp nhất cho cộng đồng. Một cậu bé mù, một cô bé nghèo có hoàn cảnh đặc biệt đã được vợ chồng A Páo cưu mang, dạy nhạc để các em có kế sinh nhai, như nốt nhạc hay trong trường ca A Páo…
Hà Giang cũng như các tỉnh Đông Bắc Việt Nam đang hội đủ cho 4 mùa cho du khách du lịch trải nghiệm. Cao nguyên đá, ngọn núi, dòng sông dù nằm ngủ hàng trăm năm qua đang được lan tỏa với những tâm hồn đẹp - những người như A Páo ngày đêm vắt cháy năng lượng để thổi hồn nâng tầm giá trị.
Những bản nhạc hay, những ca từ đẹp càng tô đậm thêm cho phong cảnh hữu tình những giá trị riêng có trong tâm hồn du khách. Sẽ bay xa, bay cao hơn khi những học trò nghèo của A Páo tiếp tục viết thêm những nốt nhạc hay trong trường ca A Páo để đón mời nhiều du khách lên thăm và cùng trải nghiệm.
* Tác phẩm phát thanh của VOV dự thi giải ABU 2023 (Giải thưởng phát thanh - truyền hình quốc tế uy tín do Hiệp hội PTTH châu Á – Thái Bình Dương tổ chức hằng năm).