Bảo tàng tỉnh Hà Giang nằm bên bờ sông Lô, gần cầu Yên Biên 1 (đường Trần Hưng Đạo, tổ 5, phường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang). Dự án cải tạo, nâng cấp nhà Bảo tàng tỉnh với diện tích khoảng 4.100 m2 do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ tháng 12/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 106 tỷ đồng.
Theo Quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang, Bảo tàng tỉnh là điểm đầu tiên của khách tham quan với nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá nhằm phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, khoa học đến cộng đồng. Bảo tàng cũng là một trong những thiết chế văn hóa quan trọng của tỉnh có nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của 19 dân tộc anh em, góp phần giáo dục truyền thống, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa cho cộng đồng. Công trình cũng là nơi giới thiệu, khẳng định lịch sử lâu đời và đa dạng văn hóa của các dân tộc đã và đang sinh sống tại Hà Giang, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Không gian trưng bày của Bảo tàng tỉnh được tư vấn thiết kế gồm 1 gian khánh tiết và 5 không gian trưng bày theo kịch bản được xây dựng dựa trên tiến trình thời gian, không gian gồm: cư dân Hà Giang theo dòng lịch sử; bảo vệ Tổ quốc và an ninh biên giới; văn hóa đa dạng; ba vùng sinh thái và xây dựng cuộc sống mới.
Những chi tiết, hoạ tiết trên mặt đứng Bảo tàng Hà Giang được lấy ý tưởng từ các dân tộc sinh sống ở mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Khi bước chân vào sảnh tầng 1 của bảo tàng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những tấm panô được sắp xếp như một thuật toán để mở ra cảnh quan hùng vĩ với dòng chữ "Bảo tàng Hà Giang". Những tấm panô được ghép lại như cánh tay của cảnh quan ôm trọn lấy thành phố.
Tầng 1 là khu vực bài trí các hiện vật, tranh, kết hợp công nghệ trình chiếu, phản ánh lịch sử miền đất và còn người Hà Giang từ khi hình thành đến giai đoạn mở con đường Hạnh phúc lên Cao nguyên đá Đồng văn.
Việc trưng bày các hiện vật bằng hình ảnh 3D sẽ kích thích thị giác của khách tham quan, giúp du khách dễ dàng ghi nhận thông tin.
Các không gian trưng bày được sắp xếp khoa học đem đến cho du khách quy trình tham quan rõ ràng, mạch lạc.
Thủ pháp thiết kế lồng ghép công nghệ mapping, màn hình tương tác, thiết bị hướng dẫn tự động, tiếp cận thông tin trực tuyến… không chỉ có tính hiệu quả truyền tải thông tin mà còn đem lại hiệu ứng về mặt thị giác góp phần tạo nên những trải nghiệm khó quên cho du khách.
Tầng 2 sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng thể hiện không gian hiện vật, con người, văn hóa, tín ngưỡng các dân tộc, cùng với sự đa dạng của hệ sinh thái động thực vật của Hà Giang.
Nơi đây trưng bày và giới thiệu văn hóa truyền thống của 14 dân tộc có lịch sử cộng cư lâu đời, sống thành làng bản còn bảo lưu được những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng, gồm các dân tộc: Nùng, Giáy, La Chí, Hoa, Pà Thẻn, Cờ Lao, Lô Lô, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo...
Phòng trưng bày còn giới thiệu chi tiết theo tổ hợp của 4 dân tộc: Mông, Tày, Dao, Kinh. Thông qua phần trưng bày, du khách có thể hiểu khái quát về bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc Hà Giang.
Trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Xuân Hùng (Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Giang) cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp nhà Bảo tàng tỉnh được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1, khởi công xây dựng từ tháng 12/2020 đã hoàn thành 100% và đã tổ chức nghiệm thu. Giai đoạn 2, từ tháng 8/2022, khối lượng hoàn thành đạt 77%.
"Hiện nay, chúng tôi đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục cuối cùng trong dự án nâng cấp, cải tạo bảo tàng để đưa vào khai thác sử dụng trong tháng 6 năm 2023, sớm hơn thời gian hoàn thành theo hợp đồng là 8 tháng", ông Nguyễn Xuân Hùng thông tin.