“Tôi không nghĩ rằng trong tương lai gần, các cuộc đối thoại sẽ trở lại như trước khi bị Mỹ đơn phương đình chỉ", Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov nói, đề cập đến thoả thuận kiểm soát vũ khí giữa Mỹ và Nga.
Theo ông Sergey Ryabkov, Moskva vẫn đang cân nhắc đến việc trả lời đề xuất nối lại đối thoái kiểm soát vũ khí, ổn định chiến lược mà Washington gửi vào tháng trước.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS 12M Topol của Nga. (Ảnh: Getty)
“Nếu Moskva quyết định gửi phản hồi chính thức, Washington cũng khó nhượng bộ trong đối thoại. Những nhượng bộ đơn phương từ phía Nga là điều không thể xảy ra. Vấn đề không phải là nhượng bộ hay tìm kiếm sự thỏa hiệp mà là liệu việc đối thoại như vậy có cần thiết hay không", ông Ryabkov nhấn mạnh.
Nga khẳng định sẵn sàng đối thoại với Mỹ về vũ khí hạt nhân và các vấn đề khác, nhưng phải dự trên quan điểm bình đẳng. Người phát ngôn của điện Kremlin Dmitry Peskov trong tháng này cho biết, Washington nên ngừng “lên lớp” Moskva nếu Mỹ mong muốn nối lại các cuộc đàm phán hữu ích.
Mỹ và Nga liên tục đổ lỗi cho nhau về việc thiếu tiến bộ trong việc đề xuất phương án kiểm soát vũ khí. Hồi tháng 7, Mỹ đề xuất mở các cuộc đàm phán về "khuôn khổ" duy trì việc hạn chế triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược khi các giới hạn hiện tại hết hạn vào năm 2026.
Trước đó, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivancho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng đàm phán "không có điều kiện tiên quyết" với Nga về quản lý "rủi ro hạt nhân" và "khuôn khổ" để thay thế hiệp ước New START sau khi hết hạn.
Tuy nhiên, đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Moskva không thể thảo luận về các vấn đề kiểm soát vũ khí tách rời khỏi các vấn đề khác.
Căng thẳng chưa từng có giữa Nga và Mỹ bùng phát sau khi NMoskva phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022. Kể từ đó, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Moskva và cung cấp vũ khí cũng như các viện trợ khác cho Kiev. Tổng thống Joe Biden nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine “miễn là cần thiết”.
Nga khẳng định việc chuyển giao vũ khí hạng nặng do phương Tây sản xuất cho Kiev khiến Mỹ và các nước NATO trên thực tế trở thành bên can dự trực tiếp vào cuộc xung đột.