Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Mồng 1 Tết liên quan gì đến Đức Di Lặc?

(VTC News) -

Vào dịp Tết, ở các chùa chiền thường treo trước cửa tấm băng "Mừng xuân Di Lặc"; tại sao như vậy và điều đó hàm chứa ý nghĩa gì?

Hình ảnh Đức Di Lặc - vị Phật của tương lai với tinh thần nhập thế thật đời thường, vui vẻ thường hiển hiện trong tâm khảm của nhiều người dân, nhất là phật tử cả nước.

Sớm mồng 1 Tết, mở cửa ra đón hơi xuân nhè nhẹ vào nhà như muốn đẩy ra những điều khó khăn trắc trở bất như ý của năm cũ, để tràn về những điều an lành tốt đẹp của năm mới với mong muốn sẽ được lưu giữ suốt năm. Dấu ấn ngày đầu tiên của năm mới đánh dấu sự đổi thay của đất trời, của mọi gia đình và bản thân mỗi con người là như vậy.

Chính vì thế, hình ảnh Đức Di Lặc - vị Phật của tương lai với tinh thần nhập thế thật đời thường, vui vẻ thường hiển hiện trong tâm khảm của nhiều người dân, nhất là phật tử cả nước. Cũng vì thế mà tại các cổng chùa, tấm băng "Mùa xuân Di Lặc" thường được trân trọng treo lên.

Bụng to chứa thiên hạ, nụ cười độ nhân gian

Ngày đầu năm gặp được vị Phật gần gũi, hoạt kê như thế, ta như gặp được niềm vui, phúc lộc.

Trong hình ảnh Đức Di Lặc, điều đầu tiên đập vào mắt mọi người là một vị Phật có nụ cười tươi tắn - cười từ khuôn miệng, cười từ ánh mắt, cười từ toàn bộ dáng vẻ của cơ thể. Một nụ cười thật là đặc biệt!

Ngày đầu năm mà gặp được nụ cười ấy, tâm thế chúng ta khó mà không hân hoan, không thể không cùng nở một nụ cười theo nụ cười ấy của ngài. Đặc biệt, trong cuộc sống đầy rẫy khó khăn, nụ cười ấy thực sự như một liều thuốc bổ cho tâm hồn.

Điều đặc biệt nữa là thân hình béo tốt với vạt áo trễ nải khiến ngực to, bụng lớn, rốn sâu của ngài hiện ra. Ngày đầu năm gặp được vị Phật gần gũi, hoạt kê như thế, ta như gặp được niềm vui, phúc lộc.

Cái bụng phệ không phải do chuyện ăn nhiều của những kẻ phàm phu, mà theo giáo lý nhà Phật, nó thể hiện sự bao dung rộng lớn bao la, sẵn sàng chứa bao chuyện buồn vui của thiên hạ. Chúng ta khi gặp những chuyện bất như ý, thậm chí rơi vào những trạng thái tâm lý bất ổn thì chỉ cần nghĩ tới cái bụng bao dung của ngài - cũng chính là sự từ bi hỉ xả - sẽ tự thấy lòng mình bỗng an nhiên tự tại trở lại.

Học theo ngài, luyện theo hạnh từ bi hỉ xả của ngài để mình bao dung được muôn việc thị phi của thế gian, chúng ta cũng sẽ có được nụ cười hoan hỉ, quên được vạn sầu trong thiên hạ, bình tĩnh chọn được giải pháp đúng đắn nhất để ứng xử trong cuộc đời.

Hòa thượng túi vải to tặng muôn vạn niềm vui

Nhớ về Đức Di Lặc, người ta nhớ đến vị bồ tát “Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ.

Dường như đã có một vị Phật như thế giữa cõi ta bà đầy những hỉ nộ ái ố này. Đó là vị hòa thượng ở đất Minh Châu (huyện Phụng Hóa) bên nước Trung Hoa  vào thế kỷ thứ X, triều nhà Lương niên hiệu Trình Minh, thời Ngũ Đại.

Chuyện kể rằng, thời đó, ngài thường quảy cái túi to bằng vải (bố đại) đi khắp chợ búa xóm làng, ai cho gì cũng bỏ hết vào túi mang đi, và khắp nẻo đường đi, gặp ai cần ngài cũng cho hết cả, chẳng giữ lại chút gì. Ngài sống là để cho, chứ không nhận cho riêng mình.

Hình ảnh đó càng thể hiện tấm lòng bồ tát của ngài. Dở nhận, hay cho. Bởi thế, cái bụng càng bao la, nụ cười thêm rạng rỡ. Và chính vì thế, nhớ về Đức Di Lặc, người ta nhớ đến vị bồ tát “Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ. Miệng cười hỷ xả, xả những việc khó xả ở thế gian”. Trong đời thực, gặp được những con người như thế thật là điều may mắn.

Chẳng ai có thể biết Bố Đại Hòa thượng là hóa thân của Phật Di Lặc cho đến, ngài nhóm họp đại chúng tại chùa Nhạc Lâm. Ngài ngồi ngay thẳng nói bài kệ:

Di Lặc thật Di Lặc,

Phân thân ngàn vạn ức,

Luôn luôn hiện vì đời,

Người đời tự chẳng biết.

Nói kệ xong, ngài thanh thản rời khỏi cõi trần. Căn cứ theo hóa thân này mà Phật giáo Việt Nam cũng như Trung Quốc thường vẽ tranh tạc tượng thờ ngài với vẻ mặt hiền từ, miệng cười vui vẻ, bụng to, chân đất và cái túi vải to.

Chiến thắng lục tặc, làm chủ cuộc đời

Luyện được hạnh từ bi hỉ xả như Đức Di Lặc, chúng ta sẽ làm chủ được bản thân trước những tác động của môi trường xã hội.

Về ngài, còn một hình ảnh khác cũng chứa đựng những điều thâm sâu vi diệu của nhà Phật. Đó là hình ảnh Đức Di Lặc trong hình hài một ông lão béo tròn, ngực to, rốn hở đang chơi cùng sáu đứa trẻ. Cả sáu đứa trẻ đều tươi cười hớn hở vui đùa cùng ông. Có những đứa nghịch ngợm ngoáy tai, ngoáy rốn ông.

Theo giáo pháp nhà Phật, sáu  đứa trẻ tượng trưng cho lục tặc chỉ cho sáu căn: Mắt để nhìn; Tai để nghe; Mũi để ngửi; Lưỡi để nếm; Thân để nhận biết những cảm giác như nóng, lạnh... và Ý là tư tưởng, dùng để phân biệt.

Sáu căn ấy tiếp nhận những tác động của môi trường sống là sáu trần: Sắc là màu sắc, hình dáng; Thanh là âm thanh phát ra; Hương là mùi hương; Vị là chất vị do lưỡi nếm được; Xúc là cảm giác như cứng, mềm, nóng, lạnh và Pháp là những hình ảnh, màu sắc, hương vị được lưu lại từ 5 trần ở trên.

Sáu căn tương tác với sáu trần sẽ sinh ra sáu thức. Sáu căn là công cụ của sáu thức, nên chúng tạo ra hành vi thiện ác. Mọi điều ác từ xưa đến nay đều do sáu căn tạo ra. Như mắt tham sắc, tai tham âm thanh, mũi tham hương, lưỡi tham vị, thân tham tiếp xúc với cái êm dịu và ý tham cảnh.

Mà tâm tham sẽ sinh ra sở hữu, nếu không toại ý sẽ sinh ra sân hận, si mê. Tham, sân, si, chính là liều thuốc độc, ác nhiều thiện ít, khiến con người trở nên thấp hèn bởi dục vọng. Từ đó, những bất an, thất vọng, khổ đau và sợ hãi sẽ chi phối chúng ta.

Luyện được hạnh từ bi hỉ xả như Đức Di Lặc, chúng ta sẽ làm chủ được bản thân trước những tác động của môi trường xã hội cũng như tự nhiên mà ung dung tự tại bước trong đời. Lúc đó tâm ta rộng lớn hơn, nụ cười thêm tươi tắn, khí sắc sáng tỏ như nắng xuân, ngày nào cũng là ngày Tết, cuộc đời như mùa xuân bất diệt.

Chính vì thế, trong những ngày kỷ niệm của Phật giáo, mồng 1 Tết được ghi nhận là ngày đức Di Lặc ra đời.

Theo kinh văn, Đức Di Lặc là một nhân vật có thật thời Đức Phật Thích Ca. Di Lặc, tiếng Phạn là Maitrya, dịch là Từ Thị. Di Lặc là họ, còn chính tên là A Dật Đa (Aadjita), dịch là Vô Năng Thắng. Ngài thuộc dòng dõi Bà La Môn, ở Nam Thiên Trúc (Ấn Độ).

Trong tranh hay tượng ở Ấn Độ, Đức Di Lặc ngồi trên mặt đất, biểu tượng sẵn sàng đứng dậy đi giáo hóa chúng sinh. Ở những hình ảnh ban đầu, Di Lặc được mô tả như một vị hoàng tử thanh mảnh, tuấn tú, thường mặc trang phục hoàng gia Ấn Độ. Theo kinh Di Lặc thì Đức Phật Thích Ca nói ngài là vị Phật tương lai sẽ xuất hiện ở cõi trần.

Pháp Định

Tin mới