Tâm sự về việc phải chắt chiu từng đồng giữa bối cảnh giá hàng hóa chỉ tăng không giảm, bà Nguyễn Thị Liên (66 tuổi, ở thôn Đoài, Xã Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội) cho biết, bà đang chật vật, xoay xở, lo cho từng bữa cơm của 2 mẹ con. Bà Liên hiện sống cùng con trai đang làm thuê quanh nhà với thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Còn bà bán trà đá ở một quán nhỏ đầu thôn, mỗi tháng túc tắc kiếm được khoảng 2 - 3 triệu đồng. Ước tính cả tháng, 2 mẹ con thu nhập khoảng 10 triệu đồng.
Với số tiền này, theo bà Liên, chỉ đủ để bà chi trả tiền thuê trọ, tiền điện nước, những nhu cầu cơ bản (di chuyển, may mặc...), tiền ăn của hai mẹ con cùng một chút tích trữ để trả nợ. Đáng nói là khi giá hàng hóa ngày càng đắt đỏ thì việc chi tiêu càng khó khăn hơn. "Mặt hàng nào bây giờ cũng đắt hơn trước rất nhiều, vì thế nếu trước kia với số tiền này, chúng tôi cũng còn dễ thở một chút thì bây giờ phải chi li lắm mới đủ dùng. Ví dụ trước kia, mỗi tháng tôi thường dành ra 2 triệu đồng để mua đồ ăn hàng ngày và thấy tạm ổn thì bây giờ phải tăng lên 3 triệu đồng mới đủ".
"Trước kia, tôi chi khoảng 70.000 đồng/ngày với 2 bữa ăn chính. Nhưng bây giờ, số tiền này chỉ vừa đủ mua cùng lắm là 3, 4 lạng thịt và ít rau, chưa tính gạo cùng các loại gia vị khác. Như thế là quá ít cho 2 người, nhất là khi con trai tôi đang trẻ nên có nhu cầu ăn nhiều và ăn ngon. Để cải thiện bữa ăn hàng ngày, tôi phải chi thêm tiền. Mỗi ngày hiện giờ tôi chi khoảng 100.000 đồng thì mới tạm đủ. Bữa sáng thì chúng tôi thường ăn đơn giản, tạm bợ như gói xôi, mỳ tôm, bát cơm nguội...", bà Liên nói.
Bà Liên than, với kinh nghiệm hàng chục năm đi chợ, bà nhận thấy giá hàng hóa ngày càng đắt và chỉ tăng không giảm. Dù sống ở ngoại thành, cách xa trung tâm nhưng giá cả hàng hoá vẫn không hề rẻ đi, thậm chí nhiều nơi còn đắt hơn. Bà kể: "Trừ rau xanh là rẻ hơn đôi chút vì đây là vựa rau của Hà Nội, còn lại các loại thực phẩm đều đắt, có món đắt hơn. Ví dụ thịt bò ở đây giá 260.000 - 270.000 đồng/kg. Khi tôi hỏi thì người bán lý giải do nguồn cung ở đây ít, không thể dồi dào như trên phố nên đắt hơn".
Để dễ kiểm soát chi tiêu, mỗi lần đi chợ bà Liên mua khoảng 70.000 đồng tiền thịt hoặc cá và thêm mớ rau. Hôm nào chi nhiều tiền hơn để cải thiện bữa ăn, ngay lập tức hôm sau bà phải tính toán lại, ăn đơn giản hơn để "bù lỗ", nếu không sẽ thiếu hụt chi tiêu.
Ngay cả rau củ, bà Liên cũng chọn lựa loại nào rẻ nhất. Mặc dù vậy, bà vẫn than giá rau cũng ngày càng đắt. "Trước kia 10.000 đồng có thể mua rau được cho cả ngày. Nhưng bây giờ phải 10.000 - 15.000 đồng/mớ. Hôm nào tôi mua thêm các loại rau thơm thì phải trả tới 20.000 đồng", bà nói.
Bà Liên so sánh, ngay cả gói mỳ tôm cũng tăng giá hơn xưa, trước kia mỗi gói chỉ 3.000 - 4.000 đồng, giờ phải lên 5.000 - 6.000 đồng.
Thu nhập ít ỏi nên bữa ăn của bà rất đạm bạc, chỉ có rau xanh cùng chút thịt.
"Đến gạo bây giờ cũng đắt. Trước kia tôi nhớ chỉ tầm hơn chục nghìn đồng/kg, bây giờ phổ biến là 20.000 đồng", bà nói.
Khu xóm trọ công nhân bà Liên thuê có giá 800.000 đồng/tháng. Trong căn phòng hơn 15m2 chỉ có 2 chiếc giường đơn sơ cho hai mẹ con, cùng 2 chiếc quạt. "Ở đây nhà nào có con nhỏ hoặc có điều kiện tích góp được thì mới có điều hòa. Còn nhà tôi đến ăn gì cũng phải tính toán thì sao dám lắp. Lắp xong rồi lấy tiền đâu để trả tiền điện mỗi ngày một tăng" bà Liên chia sẻ.
Khu bếp đơn giản với một chiếc bếp ga và các loại gia vị phổ biến.
Tủ lạnh thường xuyên trống trơn, hầu như không có đồ tích trữ.
Thực phẩm tích trữ duy nhất trong nhà chỉ là vài loại rau, củ quả và đồ ăn thừa từ hôm trước.
Mâm cơm đạm bạc của hai mẹ con bà Liên.
"Tôi vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người vì vẫn có tiền mua thịt để ăn. Ở khu trọ này, nhiều người vất vả hơn vì còn phải để dành tiền nuôi con ăn học", bà nói.
Bữa cơm chỉ có 2 món nhưng cũng tiêu tốn của bà Liên 60.000 đồng. "Người nghèo như tôi chỉ mong giá cả bình ổn, giảm xuống để không phải quá lo cho miếng ăn hàng ngày. Có như thế mới yên tâm làm việc", bà bày tỏ.