Chị Hoàng Thanh Tuyến (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Cơn “bão giá” hiện nay không còn nằm ở trên tivi, báo đài nữa mà đã gõ cửa đến từng gia đình. Chẳng nói đâu xa, mới tối hôm qua tôi đặt nửa con gà luộc trên ứng dụng đặt đồ ăn nhanh, trọng lượng gần 700gr mà giá 250.000 đồng, chưa kể tiền ship. Vẫn là nửa con gà luộc tương tự, tôi nhớ thời điểm trước Tết Nguyên đán giá chỉ khoảng 180.000 đồng”.
Đó chỉ là một mẩu chuyện gần nhất mà chị Tuyến nêu ra để chứng minh rằng cơn “bão giá” đã, đang và vẫn còn tiếp tục gõ cửa từng nhà, từng nhà một. Trước là thành thị, sau dần sẽ đến vùng ven và cuối cùng là nông thôn.
"Bão giá" đang tác động trực tiếp từ mớ rau, con cá...
“Rau, củ, trứng, thịt, cái gì cũng lên giá. Tôi nhớ lúc chưa xuất hiện dịch COVID-19, tôi chỉ mang 40.000 đồng ra chợ là đã có thể mua đủ rau, thịt, nấu một bữa cơm tương đối cho cả gia đình 3 người. Còn bây giờ, với 40.000 đồng khéo chỉ mua được 2 bó rau muống”, chị Tuyến nói tiếp.
Dễ thấy nhất là trứng gà, một món ăn yêu thích của lũ trẻ, từng được chị Tuyến lựa chọn như là một thành phần quan trọng trong bữa ăn bởi giá thành rẻ, bảo quản được lâu. Nhưng đến hiện tại, mỗi chục trứng cũng tăng thêm 10.000 - 20.000 đồng.
Chị Nguyễn Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết thời gian qua, chị phải nhờ ông bà ở dưới quê nuôi thêm gà mái đẻ để lấy trứng gửi lên Hà Nội cho cháu nhỏ ăn.
“Cháu nhà tôi 6 tuổi, rất thích ăn trứng. Giờ trứng đắt quá, loại ngon cũng phải hơn 40.000 đồng/chục mà cũng không ngon bằng trứng gà quê. Nên tôi mới nhờ ông bà ngoại hỗ trợ, nuôi thêm gà mái đẻ trứng để gửi lên cho cháu ăn”, chị Thanh chia sẻ.
Theo chị Thanh, loại trứng gà quê mà chị nói cũng đã lên giá, đang ở mức 50.000 - 60.000 đồng/chục nhưng không có mà mua. Giá trứng gà tăng cao vì giá thức ăn chăn nuôi đã tăng khoảng 10-15% so với trước.
Ghi nhận phản ánh của nhiều người dân khác tại Hà Nội cũng cho thấy để đối phó với cơn “bão giá” thì hầu hết họ phải tự tìm cách cân đối thu, chi nhằm đảm bảo cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Không ít gia đình lựa chọn tiết kiệm chi tiêu và chỉ ưu tiên chi tiền cho những nhu cầu thiết yếu. Trong khi đó, nhiều gia đình lựa chọn nỗ lực cải thiện thu nhập bằng cách lao động nhiều hơn.
Để đối phó với “bão giá”, Chị Hoài Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) xin cho con vào học trường công, uống sữa Việt và đi chợ đầu mối… Nhờ vậy, gia đình mới tiết kiệm chi phí trong bối cảnh giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng.
“Mỗi tuần tôi đi chợ đầu mối mua thực phẩm một lần. Sau đó tôi sơ chế, đóng gói bỏ vào tủ cấp đông để ăn dần trong cả tuần. Thế nhưng, số tiền tôi bỏ ra mua thức ăn cho cả tuần cũng đã tăng 30% so với giá đầu năm. Nếu cứ tiếp tục tăng nữa thì tôi không biết sẽ phải làm gì để đảm bảo cuộc sống hàng ngày", chị Anh ngậm ngùi nói.
Từ kinh nghiệm nội trợ của gia đình trong những năm qua, chị Hoài Anh cho rằng, các loại nhu yếu phẩm, thực phẩm như gạo, dầu ăn, bột giặt, khẩu trang... nếu mua với số lượng nhiều hay mua sỉ thì giá sẽ rẻ hơn mua lẻ. Bên cạnh đó, gia đình nấu ăn ở nhà, kể cả bữa sáng nên cũng góp phần tiết giảm chi phí sinh hoạt đáng kể.
... đến các kế hoạch tài chính lớn (như mua nhà) của từng gia đình.
Anh Trần Quý (trú Hà Đông, Hà Nội) than thở, giá xăng dầu tăng liên tục khiến mọi thứ đều tăng giá theo, quan trọng nhất là giá thực phẩm. Điều này, gây khó khăn cho cho những gia đình có thu nhập trung bình bám trụ lại thành phố, với gánh nặng "cơm áo gạo tiền" mỗi ngày lại càng đè nặng hơn.
"Trước đây, thi thoảng gia đình tôi còn có bữa hải sản cải thiện, nhưng hai tháng nay đến mua bánh, sữa cho con, cũng phải tính toán chi li. Các hàng hóa cần thiết cho việc ăn, uống... hàng ngày đa số đã tăng hơn 30% so với đầu năm. Cứ tăng nữa , người lao động như chúng tôi không biết phải sống ra sao. Giờ vợ chồng tôi còn chẳng dám ốm, ốm nữa thì lấy tiền đâu mà đi viện", anh Quý buồn rầu cho biết.
Còn anh Tuấn Huy (cũng ở Hà Đông, Hà Nội) tâm sự, vợ chồng đang ở nhà thuê, có một bé trai, với thu nhập hai vợ chồng sau khi trừ chi phí còn khoảng 10 triệu đồng. Kế hoạch mua nhà hiện tại đang quá xa vời giữa lúc “bão giá” như hiện tại.
Nếu giá cả cứ tiếp tục leo thang, chi phí sinh hoạt đắt đỏ thì nhiều gia đình sẽ ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc cân đối tài chính. Bởi sau đại dịch COVID-19, kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi nên không có nhiều cơ hội việc làm để người dân nâng cao thu nhập.