Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Mỗi giảng viên chỉ được cấp 10 - 15 triệu đồng/năm cho nghiên cứu khoa học

(VTC News) -

Hiện nay, thực trạng cấp kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở một số trường đại học còn hạn hẹp, đầu tư còn nhỏ lẻ, manh mún.

Vấn đề trên được TS Đinh Minh Hằng, Trưởng phòng Hành chính đối ngoại nêu tại buổi đối thoại với Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chiều 15/8.

TS Hằng cho rằng, việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi giảng viên. Với riêng Đại học Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu khoa học đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào sự đổi thay chất lượng giáo dục bậc cao cũng như khẳng định vị thế của nhà trường.

TS Đinh Minh Hằng chia sẻ ý kiến chiều 15/8.

Tuy nhiên, việc đầu tư cho khoa học công nghệ hiện nay của chúng ta còn thấp. Như Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà trường có tới 636 giảng viên (gồm 424 tiến sĩ, trong đó có 128 giáo sư, phó giáo sư), nhưng kinh phí nghiên cứu khoa học từ Bộ GD&ĐT chỉ khoảng 6 - 8 tỷ đồng/năm.

Đáng nói Đại học Sư phạm Hà Nội còn là đơn vị thuộc nhóm 5 trường được đầu tư nghiên cứu khoa học cao nhất Bộ GD&ĐT. Như vậy, tính trung bình mỗi giảng viên chỉ được đầu tư từ 10 - 15 triệu đồng/năm. Đây là một khoản chi đầu tư chưa thu hút được sức lực của các giảng viên. Ngoài ra, hình thức đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ.

Theo TS Minh Hằng, Bộ GD&ĐT nên chủ động đặt hàng, dựa vào thực lực các nhà khoa học để giải quyết một vấn đề cụ thể của bộ, của xã hội đặt ra, việc đặt hàng này có thể không phụ thuộc vào nhà khoa học đó ở trường nào.

Bộ trưởng GD&ĐT cũng cần ban hành thêm các chính sách để thực sự khuyến khích nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các trường đại học.

Tiếp thu các ý kiến trên, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định vấn đề nghiên cứu khoa học, các giải pháp phát triển năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học của đội ngũ, vấn đề đầu tư và các chính sách... rất quan trọng với hệ thống giáo dục đại học.

Với các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng, thì khoa học và nghiên cứu khoa học là yếu tố mang tính nền tảng, cốt lõi.

Theo ông, việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và đầu tư cho nghiên cứu khoa học, các sản phẩm khoa học thể hiện năng lực của đội ngũ giảng viên, cho thấy vị thế và tầm ảnh hưởng của các trường. Một nhà khoa học có trình độ khoa học và kết quả nghiên cứu tốt là tiền đề để đóng vai trò một giảng viên tốt.

Toàn cảnh phiên đối thoại chiều 15/8.

Năm 2022, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 109 quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học. Trong đó Bộ cũng tập trung đổi mới cơ chế khuyến khích các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học, chế độ khuyến khích phát triển các nhóm nghiên cứu, các lĩnh vực nghiên cứu.

Hiểu rõ tầm quan trọng nhưng Bộ trưởng Sơn thừa nhận, chi phí từ Nhà nước dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn có hạn.

"Ngay cả với Bộ GD&ĐT, kinh phí nghiên cứu của Bộ cũng rất có hạn và phải ưu tiên đặt hàng những nghiên cứu cơ bản, hoặc liên quan đến giáo dục, đến việc quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT", Bộ trưởng chia sẻ và đề nghị các trường đại học cần chủ động hướng tới có được các đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương để giải quyết vấn đề thực tiễn.

Riêng với khối trường sư phạm, khoa học cơ bản, cơ quan nhà nước sẽ phải tăng cường dưới dạng kinh phí đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu; nhưng vẫn cần quan tâm chú trọng đặt hàng từ doanh nghiệp, địa phương…

Theo Bộ trưởng, hiện nay đã có nhiều chính sách để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học; nhưng có 1 điểm nghẽn, nút thắt khiến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên chưa phát huy được là việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Việc này, hệ thống chính sách còn phức tạp, còn phải tháo gỡ nhiều.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham gia vào việc này nhiều hơn. Làm được mới giải phóng được năng lực sáng tạo, mong muốn nghiên cứu của giảng viên.

Hà Cường

Tin mới