Trong mắt nhiều người, ẩm thực Việt Nam thực ra rất giản dị, mộc mạc. Điều đó không có nghĩa là người Việt không quan tâm đến hình thức. Trái ngược lại, nét đẹp của món ăn Việt luôn luôn được đảm bảo nhờ vào các yếu tố sau.
Sự hài hoà về màu sắc
Ai đã từng mua rau ở chợ cũng ít nhất được một lần khuyến mãi thêm vài cọng hành xanh tươi, vài lá ngò rí. Việc bỏ hành, ngò và một số loại rau thơm khác không chỉ cho thơm mà còn đảm bảo tính thẩm mỹ trong ẩm thực Việt, nhất là trong các món ăn thiếu màu xanh như cơm chiên, các loại súp,...
Về chuyện này thì rõ ràng ta thấy, người Việt không chỉ ăn ngon mà còn chú trọng đến “ngoại hình” của món ăn. Màu xanh từ hành, ngò đóng vai trò cân bằng màu sắc, khiến tổng thể món ăn trông hài hoà, không quá tối, không quá chói hoặc nóng.
Ẩm thực miền Trung chính là minh họa rõ nhất cho sự hài hòa về màu sắc của món Việt. Người miền Trung có một sự đam mê với màu sắc, điều này thể hiện từ kiến trúc, nghệ thuật làm gốm sứ, tác phẩm nghệ thuật cho đến ẩm thực.
Trong đó nổi bật nhất là hệ ngũ sắc Pháp Lam bao gồm đỏ, tím, vàng, lục, xanh. Trích lời của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người con xứ Huế thì hệ màu này "rất chói lọi, lại vừa rất êm mắt".
Người Huế hay người miền Trung rất hay có các món với màu sắc hài hoà như bánh cộ được gói trong giấy bóng ngũ sắc, cháo ngũ sắc, bánh Pháp Lam gần như thất truyền… Đến cả món cơm âm phủ rất bình dân cũng được sắp xếp sao cho có nhiều màu hài hoà.
Nghệ thuật sắp xếp
Nghệ thuật sắp xếp món ăn ở nước nào cũng có nét đặc trưng riêng, và Việt Nam cũng thế. Nhưng điểm độc đáo của ẩm thực Việt Nam là không chỉ áp dụng ở các bữa tiệc, các nhà hàng trang trọng mà ngay chính các hàng quán vỉa hè, người bán cũng có cách sắp xếp thức ăn, dẫu có phần "ngẫu hứng".
Tuy nhiên cái "ngẫu hứng" này không cho người ta cảm giác cẩu thả, mà hơn thế, mang lại tính phóng khoáng, tự nhiên và thân thiết, dễ cảm thụ.
Ví dụ như các món cơm tấm miền Nam hoặc bún thang miền Bắc. Dù là những quán bình dân ven đường, thì đĩa cơm tấm bao giờ cũng theo một nguyên tắc: cơm nằm chính giữa, vén gọn lại, xung quanh điểm xuyết cà chua, dưa leo cắt lát cùng ít dưa chua. Thịt, bì, hoặc chả thì để phủ lên cơm hoặc bên cạnh, thêm quả trứng ốp lết phía trên và cuối cùng là rưới ít mỡ hành xanh mướt mát.
Bún thang cũng là một món mang nhiều thành phần, và món này hầu như luôn được trình bày theo quy luật: các nguyên liệu xếp vòng tròn trong tô, chính giữa là màu xanh biếc của rau, hành kèm thêm ít miếng ớt đỏ.
Cách chọn bát đĩa
Cách chọn bát đĩa thì không phải ai, hoặc nhà nào cũng chú ý, nhưng phần lớn người Việt luôn có bản năng chọn bát, đĩa phù hợp với món mình sẽ ăn. Trong chạn bếp của các gia đình người Việt, hầu như không bao giờ chỉ có một loại bát, một loại chén hoặc đĩa mà thường sẽ có nhiều loại với màu sắc, hoa văn khác nhau.
Ngoài ra, người Việt cũng rất có ý tứ chọn hình dáng, kích cỡ bát đĩa phù hợp. Ví như chén đựng nước mắm, nước chấm thường phải là loại chén có kích cỡ nhỏ hơn chén cơm bình thường, hơi thấp và dẹt.
Mặt khác, khi ăn các món canh, các món súp trong veo, người ta cũng thường có xu hướng chọn bát, tô trong suốt để làm tăng vẻ đẹp. Các món to và dài như gà, cá thường sẽ được đặt trong đĩa hình bầu dục, vừa vặn mà hài hoà.
Bảo người Việt Nam phóng khoáng, giản dị, nhưng thực ra cái tinh tế nó cũng phần nào thấm vào trong tư duy, thể hiện qua hành động một cách ngẫu hứng, tưởng chừng không mang tính suy nghĩ sâu xa.