Ông Dương Văn Thuận (58 tuổi, ấp Thạch Yên, xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang), tên thường gọi là Hai Thuận sinh ra trong một gia đình thuần nông với 11 người con, học hết lớp 9 đã nghỉ học, về làm ruộng giúp cha mẹ. Từ nhỏ ông đã quen với ruộng đồng, cảnh cả cánh đồng mất mùa vì rầy nâu đã không còn hiếm.
Rầy nâu, vàng lùn xoắn lá vốn luôn là kẻ địch của những nông dân trồng lúa. Số lượng rầy lớn, kích thước nhỏ, tốc độ tàn phá nhanh khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục sâu bệnh, từ cha mẹ ông, rồi đến ông và nhiều bà con nông dân vai đều đã chai sần vì những bình thuốc diệt rầy. Song kết quả cũng chẳng đâu vào đâu.
Sau nhiều lần đi thăm đồng cùng kinh nghiệm làm nông lâu năm, ông Hai Thuận nhận ra thuốc diệt rầy khi phun bằng hình thức thông thường sẽ không thể diệt được rầy. Thuốc sẽ chỉ đọng lại trên lá lúa, trong khi phạm vi hoạt động và sinh trưởng của rầy là dưới gốc và thân lúa. Thuốc hoàn toàn không chạm được vào rầy.
Ông Hai Thuận đang thử nghiệm dàn phun diệt rầy (Ảnh: Kiến Giang)
Từ đó, ông Hai Thuận quyết tâm chế dàn phun có thể đưa thuốc vào thân lúa. Sau nhiều ngày hì hục sáng chế, đến tháng 7/2008, dàn phun diệt rầy đầu tiên thành công ra đời với tên gọi TY01 có 6 đầu phun, sau khi phun thử trên đồng ruộng, tỷ lệ rầy chết lên tới 90%.
Song chưa hài lòng với hiệu quả của máy, ông Hai Thuận tiếp tục cải tiến máy. Lần này dàn phun TY02 được tăng thêm 2 đầu phun, với chiều dài ống dẫn thuốc là 1,6m, giúp giảm chi phí 200.000 đồng trên một lần, so với phun thủ thông thường.
Bên cạnh những ưu điểm đó, TY02 vẫn còn nhiều hạn chế như không thể phun khi lúa trổ bông vì sẽ làm cho thuốc té vào bông lúa. Để khắc phục lỗi này, sau nhiều lần mày mò, năm 2009, ông Hai Thuận hoàn thiện dàn phun diệt rầy nâu với tên gọi TY03.
Trong lần này, chi phí sản xuất giảm xuống, trọng lượng dàn phun giảm. Không những thế dàn phun của ông Thuận còn có thể phun ở tất cả các thời kỳ của cây lúa và các loại thuốc khác nhau, hiệu quả lên tới 98%.
Trong Hội thi KHKT tỉnh Tiền Giang, dàn phun diệt rầy của ông Hai Thuận nhận được đánh giá cao và đoạt được giải. Với hiệu quả ưu việt, Sở KHCN tỉnh Tiền Giang đề nghị ông đăng ký bảo hộ sáng kiến độc quyền. Song ông Hai Thuận đã từ chối, vì ông muốn chỉ cho nhiều bà con cũng sáng chế ra dàn phun.
"Tui không đăng ký độc quyền, bà con nào tới hỏi cách làm giàn phun, tui chỉ hết, chẳng giấu điều gì. Tui nghĩ rằng nhiều người sử dụng sáng chế làm giàn phun này, càng diệt được nhiều rầy tui càng mừng”, ông Hai Thuận chia sẻ khi từ chối đăng ký sáng chế độc quyền cho dàn phun diệt rầy của mình.