Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn” mới đây, đại diện Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam đưa ra nhiều giải pháp trong quản lý, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Theo Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam, phân loại chất thải sinh hoạt rắn tại nguồn là điều kiện tiên quyết và cấp bách hiện nay. Nếu coi rác là tài nguyên thì việc phân loại rác tại nguồn là nền tảng cho mọi loại hình tái chế, xử lý chất thải. Từ đó giúp các địa phương, doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn tài nguyên này hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Phân loại chất thải sinh hoạt rắn tại nguồn sẽ làm giảm khối lượng rác thải cần chôn lấp. (Ảnh minh họa: Ngọc Lâm)
Việc phân loại chất thải sinh hoạt rắn tại nguồn còn nâng cao tỷ lệ tái chế và chất lượng sản phẩm tái chế, làm giảm khối lượng chất thải sinh hoạt rắn cần xử lý, chôn lấp.
Theo đại diện Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam, để làm được việc này, các đô thị cần xây dựng lộ trình phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đồng bộ với quá trình thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý.
Ngoài việc thực hiện nghiêm xử phạt, các cơ quan chức năng cần giảm thiểu lượng chất thải chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng.
Các địa phương cũng cần chủ động nguồn vốn, ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt như: chuyển đổi sang giá dịch vụ vệ sinh môi trường, cung cấp dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt sang cơ chế thị trường, đẩy mạnh xã hội hoá.
Ngoài những giải pháp trên, việc phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và hoàn thiện doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt cũng là nhiệm vụ cần ưu tiên.
Sơ đồ mô hình 3R trong quản lý chất thải rắn. (Nguồn: Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam)
Đại diện Viện Môi trường đô thị và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị thời gian tới các địa phương tập trung đẩy mạnh hơn phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong quản lý, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt.
Khi lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phải căn cứ theo tính chất, thành phần của chất thải và các điều kiện cụ thể của từng địa phương. Khuyến khích công nghệ đồng bộ, tiên tiến cho hoạt động tái chế, tái sử dụng chất thải tạo ra nguyên liệu và năng lượng. Đồng thời xử lý triệt để chất thải, giảm thiểu khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp, tiết kiệm quỹ đất sử dụng chôn lấp và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Để có thể thành công trong việc áp dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, thực hiện kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cần phải xây dựng được cơ chế, chính sách phù hợp thống nhất từ trung ương đến địa phương.
"Phải xây dựng được định mức về chi phí để xử lý 1 tấn rác thải sinh hoạt từ thu gom, vận chuyển và xử lý tại cơ sở xử lý phù hợp với quy mô và loại hình công nghệ xử lý. Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt phải đủ năng lực về nhân lực, tài chính, công nghệ và quản lý trong lĩnh vực này", đại diện viện nhấn mạnh.
Nghị định 08 năm 2022 của Chính phủ quy định Kinh tế tuần hoàn cần đảm bảo điều kiện:
- Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng;
- Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện;
- Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.