Chiều nay (8/6), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng là thành viên Chính phủ thứ ba trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
Bà Hồng nhận được câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Thân: "2% ngân sách hỗ trợ ngành ngân hàng để bù đắp lãi suất cho doanh nghiệp hiện triển khai đến đâu, các ngành nghề được thụ hưởng sau nghị quyết của Quốc hội là gì, lượng tiền đưa ra có kịp thời không?".
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Điều hành lãi suất, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ trọng tâm, được Ngân hàng nhà nước rất quan tâm. Trong các năm qua, với các giải pháp điều hành tiền tệ, Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các giải pháp để làm mặt bằng lãi suất giảm mạnh. Các năm trước mặt bằng lãi suất rất cao nhưng năm 2020 - 2021 đã giảm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: Quochoi.vn).
Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm 2022 theo bà Hồng, điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng nhà nước chịu áp lực khá lớn từ bên ngoài khi lạm phát tăng, các ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới đều tăng lãi suất. Trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung - cầu vốn. Từ đầu năm đến nay, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh quay trở lại đã tăng tín dụng đến 8% là mức khá cao so với mục tiêu, định hướng cả năm 2022 là 14%.
Mặc dù vậy, bà Hồng nêu rõ: "Dù áp lực lớn nhưng Ngân hàng nhà nước đã điều tiết, cơ bản ổn định lãi suất. Lãi suất chỉ tăng 0,09% so với đầu năm ngoái".
Lý giải nguyên nhân doanh nghiệp nhỏ khó vay lãi suất thấp, bà Hồng thông tin, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế. Khối doanh nghiệp này có nhiều điều kiện hạn chế như tài chính, khả năng quản trị, thương hiệu hàng hóa... nên độ xếp hạng tín nhiệm chưa cao. Khi vay vốn, các tổ chức tín dụng phải đánh giá tín nhiệm để đưa ra mức lãi suất, lãi cho doanh nghiệp tín nhiệm thấp phải cao hơn so với doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao.
Trong thời gian dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân. Trong hai năm, tổng lãi suất giảm là khoảng 47.000-48.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có hạn chế nên nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng cũng phải thực hiện nguyên tắc khi cho vay thì khách hàng phải đảm bảo có khả năng trả nợ, vì tiền cho vay cũng là huy động của người dân.
"Thời gian tới, ngân hàng sẽ phối hợp với bộ ban ngành tháo gỡ khó khăn", bà Hồng khẳng định.