Ông chủ Facebook cho rằng chiến dịch tẩy chay từ các nhà quảng cáo, trong đó bao gồm nhiều tên tuổi lớn như Starbucks và Coca-Cola, là một vấn đề về truyền thông liên quan đến danh tiếng và quan hệ đối tác, nhiều hơn là một mối đe dọa.
Facebook vì vậy sẽ không có kế hoạch đáp ứng nào triệt để. “Chúng tôi sẽ không thay đổi các chính sách và cách tiếp cận về bất cứ thứ gì chỉ vì một phần trăm hay nhiều phần trăm doanh thu bị đe dọa”, Zuckerberg nói, theo trang tin tức công nghệ Information.
CEO Facebook Mark Zuckerberg. (Ảnh: AP)
Người phát ngôn của mạng xã hội này sau đó xác nhận thông tin phát biểu trên là chính xác. “Chúng tôi rất coi trọng những vấn đề này và tôn trọng phản hồi từ các đối tác. Chúng tôi đang đạt được những bước tiến thực sự trong việc loại bỏ phát ngôn thù ghét khỏi nền tảng của mình, và chúng tôi không kiếm lời từ loại nội dung này. Nhưng như chúng tôi đã nói, chúng tôi đưa ra những thay đổi chính sách dựa trên các nguyên tắc của mình chứ không phải do áp lực doanh thu”, người phát ngôn cho biết.
Tính đến 2/7, hơn 500 công ty chính thức tham gia vào chiến dịch tẩy chay, không dùng quảng cáo trên Facebook, nhằm gây áp lực khiến mạng xã hội này hành động mạnh mẽ hơn chống lại các phát ngôn thù ghét. CEO Facebook đã đồng ý gặp những người tổ chức chiến dịch đầu tuần sau.
Nhưng dù Zuckerberg có đồng ý thắt chặt các quy định của Facebook hay không, vấn đề của chiến dịch tẩy chay cuối cùng nằm ở chỗ: Facebook cần các thương hiệu quảng cáo lớn nhiều hơn hay các thương hiệu cần Facebook nhiều hơn?
Một mặt, chiến dịch tẩy chay hiện tại chưa từng diễn ra với Facebook. Những người phản đối hy vọng rằng việc chèn ép Facebook ở điểm mạng xã hội này dễ bị tổn thương nhất sẽ đẩy họ đến chỗ phải đưa ra sự thay đổi có ý nghĩa hơn. 530 công ty đã tham gia tẩy chay, không tính các doanh nghiệp như Target và Starbucks tuyên bố rằng họ chỉ tạm dừng quảng cáo chứ không tham gia chiến dịch.
Mặt khác, quyết định thay đổi hay không vẫn phụ thuộc vào CEO của mạng xã hội này.
Hôm thứ Tư, Nick Clegg, Phó chủ tịch Phụ trách các vấn đề truyền thông toàn cầu của Facebook, cố trấn an các doanh nghiệp rằng Facebook không hưởng lợi từ ngôn từ thù địch và cho biết công ty hoàn toàn có lý do để loại bỏ những ngôn từ đó khỏi nền tảng của mình.
Mark Zuckerberg sẽ gặp thủ lĩnh chiến dịch tẩy chay quảng cáo Facebook vào tuần sau.
Tuy nhiên, liên quan đến việc một số ý kiến muốn Facebook "mạnh tay" hơn với các phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Clegg nhắc lại lời của Zuckerberg rằng cách tốt nhất để những người có quyền lực phải chịu trách nhiệm thông qua thùng phiếu.
Ông đã chỉ ra những nỗ lực của Facebook trong việc ngăn chặn các thông tin sai lệch về bầu cử và cho đây là bằng chứng cho cam kết của họ trong việc cố gắng cải thiện nền tảng của mình.
Có thể thấy, mặc dù Facebook nỗ lực lắng nghe các nhà phê bình, quyết định cuối cùng sẽ luôn thuộc về Mark Zuckerberg.