Đối với người Việt, bữa cơm tất niên là một trong những khoảnh khắc ý nghĩa nhất trong năm. Mọi người được trở về đoàn tụ với gia đình, cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon ngày Tết, nhìn lại một năm đã qua với nhiều biến động và cùng chào đón năm mới với những điều tốt đẹp hơn.
Theo phong tục của người miền Bắc thì mâm cơm tất niên phải đủ 4 bát 4 đĩa đối với cỗ nhỏ. Với cỗ lớn thì phải 6 bát 6 đĩa hay 8 bát 8 đĩa, có những mâm cỗ phải xếp cao hai ba tầng. Đĩa cúng tất niên không thể thiếu gồm: Thịt gà, thịt lợn, giò, chả quế. Ngoài ra, các gia đình miền Bắc cũng thường thêm một đĩa xôi gấc để mong cả năm có vận đỏ, may mắn ngập tràn.
Bốn bát trên mâm gồm: Móng giò hầm măng, miến nấu lòng gà, bát bóng thẻ, bát mọc nấm thả. Ngoài ra, bánh chưng, hành muối và nem rán cũng là những món cần có.
Các gia đình cũng có thể thêm một số món tùy theo khẩu vị như thịt đông, nộm, gà tần...
Mâm cỗ Tết miền Trung không yêu cầu 4 bát 4 đĩa như miền Bắc, nhưng cũng có các món đặc sản không thể thiếu như: Giò lụa, thịt gà, thịt lợn, măng khô, miến xào, ram. Tất nhiên cũng không thể không có bánh chưng, bánh tét ăn kèm một đĩa dưa muối ngon lành.
Với đặc điểm thời tiết nắng nóng, người miền Nam ưu tiên cho mâm cơm tất niên những món nguội.
Cỗ cúng gồm có: Bánh tét kèm với đĩa củ cải ngâm nước mắm, canh măng nấu (dùng măng tươi thay cho măng khô), canh khổ qua nhồi thịt, thịt kho tàu (thịt heo, trứng với nước dừa), đĩa gỏi tôm thịt, đĩa thịt heo luộc, đĩa dưa giá, đĩa nem, đĩa chả giò và không thể không có củ kiệu.
Theo phong tục cổ truyền của người Việt, mâm cỗ tất niên sẽ thực hiện vào 30 Tết, hoặc 29 Tết với những năm lịch thiếu. Đây là một trong những bữa cơm quan trọng nhất trong năm. Cũng như tên gọi của nó, tất niên, đây là lúc chúng ta cùng nhau tổng kết, nhìn lại một năm đã qua, những thành công, những điều chưa làm được, khép lại những muộn phiền và đón năm mới với nhiều may mắn, an lành.
Bữa cơm chiều cuối năm cũng là lúc gia đình đoàn viên, sum họp. Cả một năm làm việc, học hành vất vả ở nơi xa, đây là lúc người ta được quay về với gia đình, cùng ăn một bữa cơm mang đậm vị Tết. Đây cũng là dịp để con cháu mời ông bà, tổ tiên về dùng bữa.
Bữa cơm tất niên được chuẩn bị thịnh soạn hơn ngày thường. Tuy nhiên, sự thành kính và ấm áp không nằm ở mâm cao cỗ đầy, sơn hào hải vị mà chỉ ở tấm lòng của con cháu với tổ tiên, lòng yêu thương của cha mẹ dành cho con cái. Tết xưa, tuy còn khó khăn, thiếu thốn nhưng nhà nào cũng cố lo mâm cơm tất niên với thịt mỡ, dưa hành và bánh chưng xanh, vậy là đủ.