Vào ngày rằm tháng 7 âm lịch, các gia đình Việt đều làm lễ cúng gia tiên, thần linh để thể hiện sự tri ân, đồng thời cúng thí thực cho các cô hồn, thể hiện sự từ bi, thương xót đến những vong hồn cô đơn, đói rét.
Lễ cúng rằm tháng 7 đầy đủ thường gồm mâm cúng Phật, mâm cúng gia tiên và mâm cúng cô hồn. Tuy nhiên, tùy điều kiện và quan điểm mà từng gia đình có thể điều chỉnh. Nhiều nhà chỉ làm 2 mâm, mâm trong nhà dành cúng gia tiên, thần linh và mâm ngoài trời cúng chúng sinh, cô hồn.
Cả 3 mâm cúng đều cần có nước, hương hoa, đèn/nến.
Mâm cỗ cúng rằm tháng 7. (Ảnh: Đặng Việt Linh)
Nhiều người quan niệm, Vu lan và xá tội vong nhân đều là quan niệm tín ngưỡng của Phật giáo, vì vậy cần cúng cỗ chay. Nhiều người khác cho rằng, mâm lễ cúng Phật và cúng chúng sinh nên làm cỗ chay, còn mâm cúng tổ tiên, thần linh thì làm cỗ mặn, hoặc chay mặn tùy ý.
Thực ra, việc làm cỗ chay hay mặn không phải là quy định cứng, nó tùy thuộc vào niềm tin, phong tục và cả hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi gia đình. Trong việc hương khói, yếu tố quan trọng nhất không phải cỗ bàn có gì mà là sự thành tâm.
Đại đức Thích Minh Quang - trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam), nêu quan điểm về điều này: "Chay hay mặn thì theo cá nhân thầy phụ thuộc phong tục, tập quán của từng gia đình, địa phương. Ví như anh học Phật, anh muốn cúng chay nhưng vợ anh, bố mẹ, anh chị lại không muốn cúng chay. Vì mong muốn của bản thân mà gia đình phải cãi vã, bất hòa với nhau thì mâm cơm chay đó có còn thanh tịnh nữa không? Vậy nên hãy tùy thuộc vào từng hoàn cảnh. Thuận duyên thì mình cúng chay thanh tịnh, không thuận duyên mình có thể mua đồ chế biến sẵn khác lên cúng".