Trả lời câu hỏi của VTC News, liên quan đến các cáo buộc Armenia và Azerbaijan pháo kích lẫn nhau sau lệnh ngừng bắn, đại diện hai bên có những phản hồi trái ngược.
Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov cáo buộc Armenia tấn công nhằm lôi kéo sự trợ giúp của bên thứ 3 để giành lại các vùng lãnh thổ.
“Đầu tiên, Armenia pháo kích và tấn công vào các vị trí quân sự của Azerbaijan. Họ muốn chiếm lại các vị trí quân sự mà trước đó họ đã mất vào tay Azerbaijan. Thứ hai là Armenia pháo kích vào Azerbaijan từ các vị trí trong lãnh thổ của Armenia nhằm lôi kéo sự hỗ trợ của một số bên thứ ba, trong đó có Nga”, ông Imanov nói.
Quân đội Armenia và Azerbaijan nhiều lần xảy ra xung đột ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. (Ảnh: Reuters)
Vị đại sứ khẳng định Azerbaijan không tấn công vùng dân cư mà chỉ “phản công” để tiêu diệt các thiết bị quân sự của Armenia “đã được sử dụng trước đó nhắm vào các thành phố và làng của Azerbaijan” và “Azerbaijan không tấn công vào các vùng đất đông dân cư tại Nagorno-Karabakh".
Ông cho biết thêm: “Armenia đã từ lãnh thổ của Armenia tấn công vào vùng Ganja,... ngoài những vùng này ra thì phía Armenia còn tấn công vào những thành phố khác tại Azerbaijan...”
Tuy nhiên, theo Đại sứ Armenia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan, thông tin Azerbaijan nói họ chiếm lĩnh được một số khu định cư ở Nagorno-Karabakh để Armenia phải tấn công để chiếm lại, sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực “là không đúng”. Và Azerbaijan đã nối lại các hoạt động quân sự để “biện minh” cho thông tin này, khiến quân đội Nagorno-Karabakh (hay còn gọi là Artsakh) sau đó phải “tự bảo vệ mình”.
Thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo giữa Armenia và Azerbaijan bị phá vỡ chỉ sau vài giờ, cả 2 bên đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận. (Ảnh: Reuters)
Ông nói: “Đầu tiên quan trọng phải hiểu bối cảnh tại sao cả xung đột lại bắt đầu trở lại, cần phải nhìn bối cảnh tổng thể. Nagorno-Karabakh không có bất cứ động cơ gây chiến nào. Từ năm 1994 đã có thỏa thuận đình chiến và tiếp tục các tiến trình đàm phán hòa bình. Nhưng Azerbaijan luôn nói nếu không có tiến bộ trong quá trình đàm phán này thì họ sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp quân sự.
Vào 27/9, Azerbaijan đã bắt đầu xâm lược vào Cộng hòa Artsakh (tên cũ của CH Nagorno Karabakh tự xưng), sau 13 ngày chiến đấu thì đã có thỏa thuận ngừng bắn với sự trung gian của Nga, có hiệu lực vào 12 giờ trưa 10/10.
Nhưng chỉ sau 5 phút lãnh thổ Armenia đã bị Azerbaijan đánh bom. Quân đội của Cộng hòa Artsakh được ra lệnh phải tuân thủ lệnh ngừng bắn nhưng khi bị bắn thì họ phải tự bảo vệ mình".
Đại diện Armenia khẳng định họ công khai minh bạch.
"Chúng tôi muốn cộng đồng quốc tế gọi đúng bản chất ở đây. Không phải xung đột Azerbaijan-Armenia mà là cuộc xâm lược của Azerbaijan vào Nagorno-Karabakh. Chúng tôi không muốn giải pháp quân sự như vậy, cách duy nhất là các bên đi đến bàn đàm phán và tôn trọng quyền của nhau".
Chỉ vài giờ sau khi ký kết thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo tại Matxcơva, Azerbaijan và Armenia đã xảy ra xung đột và có những cáo buộc lẫn nhau về việc vi phạm thỏa thuận. Trong khi Azerbaijan cáo buộc Armenia bắn tên lửa vào thành phố Ganja – thành phố lớn thứ 2 ở Azerbaijan, Bộ Quốc phòng Armenia hôm 11/10 nói rằng các cáo buộc của Azerbaijan là "một lời nói dối". Bộ này cũng nói Azerbaijan pháo kích các khu vực đông dân ở Nagorno-Karabakh, trong đó có Stepanakert - thành phố lớn nhất khu vực.
Azerbaijan và Armenia là 2 quốc gia cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã xung đột trong nhiều năm tại Nagorno-Karabakh. Đây là khu vực có đa số dân là người Armenia nhưng nằm dưới sự kiểm soát của Azerbaijan.
Ngày 27/9, quân đội Armenia và Azerbaijan xảy ra xung đột bằng không quân và pháo binh ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Hàng trăm binh sĩ bị thương và hàng chục người thiệt mạng ở cả hai bên.
Cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc nhau tấn công trước và ban bố tình trạng thiết quân luật. Xung đột tiếp tục leo thang trong những ngày sau đó tại khu vực tranh chấp, khiến mối quan hệ giữa hai nước thêm căng thẳng.
Trước tình hình đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình thù địch tại vùng Nagorno-Karabakh, đồng thời nhà lãnh đạo Nga đề nghị các bên nhanh chóng ngừng bắn và thực hiện các biện pháp để giảm leo thang xung đột. Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại đề nghị giúp Azerbaijan trên cả bàn đàm phán và chiến trường.
Sau nhiều lần đàm phán, Azerbaijan và Armenia đạt được lệnh ngừng bắn Nagorno-Karabakh từ 12h00 ngày 10/10. Ngay sau đó, hai bên nhanh chóng cáo buộc nhau vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận. Hiện các bên tham chiến vẫn đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp chính trị.