Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao tên lửa S-300 Armenia bất lực trước UAV Azerbaijan?

Tên lửa S-300 chuyên diệt mục tiêu cỡ lớn ở tầm xa, không được lưới phòng không tầm ngắn bảo vệ nên dễ tổn thương trước UAV cỡ nhỏ.

Quân đội Azerbaijan hôm 30/9 tuyên bố "vô hiệu hóa một hệ thống S-300 của đối phương", nhưng không tiết lộ loại vũ khí được sử dụng. Video xuất hiện trên mạng xã hội khi đó cũng chỉ cho thấy máy bay không người lái (UAV) đang theo dõi một trận địa tên lửa S-300, nhưng không có cảnh tấn công mục tiêu.

Đến ngày 10/10, tài khoản Caliber đăng trên Twitter một video cho thấy diễn biến cụ thể hơn của đòn tập kích. Hình ảnh được thu từ camera gắn trên máy bay không người lái (UAV) Azerbaijan cho thấy xe chở đạn kiêm bệ phóng 5P85S và radar cảnh giới 36D6 đang vận hành của tổ hợp tên lửa phòng không S-300 Armenia "nằm im chịu trận" khi bị tấn công mà không có bất cứ động thái phòng vệ nào.

Video: Các bộ phận hệ thống S-300 Armenia bị UAV Azerbaijan tập kích. 

Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy tổ hợp S-300 Armenia bị UAV Azerbaijan phá hủy, cũng là lần đầu một hệ thống S-300 bị tập kích trong chiến đấu.

"Các hệ thống phòng không hiện đại do Nga chế tạo đang gặp nhiều khó khăn trong đối phó UAV và tên lửa hành trình bay thấp. Cuộc đối đầu giữa các hệ thống phòng không đắt tiền và UAV, tên lửa giá rẻ đang chứng kiến sự thắng thế của phe tấn công", John Parachini, chuyên gia cấp cao của Viện nghiên cứu RAND tại Mỹ, nhận xét.

Nhiều tổ hợp phòng không các loại do Nga phát triển đã hứng chịu thiệt hại trong những cuộc chiến tại Syria và Libya, cũng như xung đột vũ trang tại khu vực Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan.

"Một số tổ hợp bị phá hủy khi đang vận hành, số khác trúng đòn trong lúc hết đạn, đang được vận chuyển bằng xe tải hoặc nằm ẩn mình trong trận địa được ngụy trang. Điều này cho thấy năng lực tình báo có thể hỗ trợ đắc lực cho phe tiến công, giúp họ dễ dàng vô hiệu hóa những hệ thống phòng không hiện đại", Parachini nói.

Giới chuyên gia cho rằng UAV đóng vai trò lớn trong xung đột giữa Azerbaijan và Armenia. Chúng có kích thước nhỏ, thời gian hoạt động trên không lâu, được trang bị cảm biến hiện đại có thể phát hiện kẻ địch từ xa và cung cấp thông tin chiến trường quý giá cho sở chỉ huy.

Một trong những khí tài được Azerbaijan sử dụng rộng rãi là UAV tự sát Harop do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Israel phát triển từ đầu thập niên 2000. Mẫu UAV này dài 2,5 m, có sải cánh 3 m, tầm bay 1.000 km, vận hành liên tục được trong 6 giờ và mang đầu nổ nặng 23 kg.

Kích thước nhỏ gọn, ứng dụng nhiều công nghệ giảm tiết diện phản xạ radar khiến Harop có khả năng ẩn mình trước hệ thống phòng không đối phương, trở thành "sát thủ vô hình" đối với những khí tài phòng không tầm thấp lạc hậu như tên lửa Osa của Armenia. Tín hiệu bộc lộ hồng ngoại của nó cũng rất thấp, gây khó khăn cho tên lửa tầm nhiệt và cảm biến hồng ngoại, trong khi thân vỏ được thiết kế khiến mắt thường và các thiết bị quang học khó phát hiện.

Harop được tối ưu cho nhiệm vụ chế áp lưới phòng không đối phương nhờ khả năng tự động bám theo sóng radar và lao xuống nguồn phát. Nó cũng được lắp hệ thống cảm biến quang - điện tử để đối phó biện pháp tắt radar và tập kích các mục tiêu như tăng thiết giáp, công sự đối phương.

Trong khi đó, hệ thống phòng không tầm xa S-300 ra đời từ cuối thập niên 1970. Lực lượng phòng không Armenia được biên chế ít nhất 4 đơn vị S-300PS và S-300PT-1, mỗi đơn vị gồm hai tiểu đoàn trang bị 8 xe phóng với 32 quả đạn có tầm bắn 150 km trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

 Xe phóng đạn hệ thống S-300 tại thủ đô của Armenia năm 2016. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Armenia)

Các phiên bản S-300 của Armenia được chế tạo trong thập niên 1980 và trang bị tên lửa 5V55U ra đời năm 1992. Chúng có uy lực rất lớn khi đối đầu với oanh tạc cơ chiến lược, tiêm kích và cường kích ở tầm xa, nhưng gần như không thể phát hiện các mục tiêu cỡ nhỏ như UAV tự sát.

Ngay cả khi phát hiện được UAV đối phương, kíp vận hành S-300 Armenia cũng khó lòng tùy ý phóng những quả đạn có giá trên dưới một triệu USD để bắn hạ phi cơ không người lái có giá chỉ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn USD. Những hệ thống S-300 chỉ có thể khai hỏa nhằm vào UAV đối phương trong trường hợp khẩn cấp, khi không còn lựa chọn nào khác.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hôm 2/10 nói quân đội nước này đã bắn hạ 4 UAV của Azerbaijan hoạt động ở khu vực giáp thủ đô Yerevan. Video lan truyền trên mạng xã hội Armenia cho thấy các vệt lửa từ tên lửa phòng không trên bầu trời gần thủ đô Yerevan đêm 1/10, một số nguồn tin cho biết hệ thống S-300 đã phóng đạn diệt mục tiêu, đánh dấu lần thực chiến đầu tiên của loại vũ khí này.

Hạn chế về năng lực đánh chặn buộc S-300 phụ thuộc vào lưới phòng không tầm thấp và tác chiến điện tử để đảm bảo sự an toàn cho chính mình trước mối đe dọa từ UAV và các vũ khí bay thấp.

Tuy nhiên, Armenia không đủ năng lực đối phó UAV ở khu vực tiền tuyến, nhất là khi các tổ hợp phòng không tầm ngắn và radar cảnh giới bị tập trung tiêu diệt ngay từ đầu xung đột. "Điều này khiến các đơn vị gần như phải giơ lưng chịu đòn từ UAV, không có cách nào tự vệ trước mối đe dọa", thiếu tá Nicholas Moran thuộc Vệ binh Quốc gia bang Texas, Mỹ, nhận xét.

Giới chuyên gia cho rằng những vấn đề trên không chỉ áp dụng cho tên lửa phòng không Nga, mà còn có thể xuất hiện với lá chắn phòng không Patriot hiện đại của Mỹ. "Ngay cả quốc gia được trang bị hùng hậu như Arab Saudi cũng phải nếm trái đắng trong đòn tập kích bằng tên lửa hành trình và UAV nhằm vào các nhà máy lọc dầu lớn nhất nước này hồi năm 2019", Parachini nói.

Quân đội Arab Saudi vận hành ít nhất 88 bệ phóng Patriot, trong đó 52 bệ phóng thuộc phiên bản PAC-3 mới nhất, cùng ba tàu hộ vệ phòng không trang bị tên lửa Aster-15. Dù vậy, tất cả đều không thể phát hiện đòn đánh của UAV và tên lửa hành trình nhằm vào các nhà máy lọc dầu huyết mạch của nước này.

Nguồn: vnexpress

Tin mới