Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, bánh trung thu có thành phần chính là bột, đường, bơ, mỡ lợn. Vỏ của các loại bánh trung thu rất đa dạng, tùy thuộc loại bánh truyền thống, bánh hiện đại hay một số thương hiệu chuyên sản xuất khác.
Giống như vỏ bánh, nhân bánh cũng đa dạng như nhân đậu, nhân hạt sen, trứng muối đều được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường.
Bánh trung thu không chỉ có độ béo và ngọt rất cao mà còn chứa nhiều năng lượng. Việc sử dụng bánh trung thu nhiều có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn và gia đình, đặc biệt với người thừa cân béo phì, tiểu đường, tim mạch, cũng như các bệnh mạn tính khác.
Bánh trung thu có thành phần chính là bột, đường, bơ, mỡ lợn. (Ảnh minh hoạ)
Để có mùa trung thu an toàn, tránh nguy cơ không tốt cho sức khỏe, người tiêu dùng cần nắm được một số lưu ý dưới đây.
Nguồn gốc xuất xứ
Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng gồm tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng và bảo quản.
Hạn sử dụng
Sản phẩm phải có ngày sản xuất và hạn sử dụng, tốt nhất nên sử dụng sản phẩm mới xuất xưởng càng sớm càng tốt.
Chất lượng
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không màu sắc khác thường, không mùi khác lạ.
Thành phần dinh dưỡng
Bạn nên đọc thành phần dinh dưỡng để biết các thông tin về năng lượng, chất béo, chất bột đường trong một bánh hay trong 100g bánh.
Số lượng sử dụng
Nên ăn miếng nhỏ, ăn ít, đặc biệt cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đối với các người bệnh tiểu đường, tim mạch, thừa cân béo phì và đang mắc các bệnh mạn tính khác.
Tham khảo ý kiến bác sĩ
Bạn nên khám tư vấn dinh dưỡng để có thể vừa ăn được bánh trung thu cùng gia đình, bạn bè mà không lo tăng cân hay rối loạn chuyển hoá nhé.
Trên đây là những lưu ý khi sử dụng bánh trung thu bạn cần ghi nhớ để tránh gây hại sức khoẻ.