PGS.TS.BS Lâm Vĩnh Niên - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lưu ý, bánh trung thu là thực phẩm rất giàu kcal, không phù hợp với một số người có bệnh mãn tính như béo phì, đái tháo đường.
Năng lượng của bánh trung thu chủ yếu từ tinh bột, đặc biệt là các loại bánh dẻo. Một bánh trung thu khoảng 170g cung cấp từ 500 đến 700 kcal tùy theo loại bánh và thành phần. Trong khi đó, một ly trà sữa 500 ml chứa 300 đến 400 kcal. Ăn bánh trung thu, nếu bạn không chú ý kiểm soát tổng năng lượng trong ngày thì dễ dẫn đến dư thừa năng lượng, tăng cân, béo phì, rối loạn đường huyết, tăng nguy cơ đái tháo đường. Thành phần dinh dưỡng không cân đối (tỷ lệ carbohydrate và chất béo cao), không đầy đủ vitamin và ít chất xơ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, một chiếc bánh tròn cỡ 10x4 cm cung cấp 800-1.200 calo tương đương 5 bát cơm vừa, gấp 2,5 lần một tô phở bò (khoảng 430 calo).
Bánh trung thu có nhiều loại với trọng lượng 120g, 150g, 180g, 210g, 230g. Thành phần chính của bánh trung thu là bột, đường, bơ, mỡ lợn... Vỏ của các loại bánh trung thu truyền thống cũng như các loại nhân đậu, nhân hạt sen... được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường. Do đó, bánh chứa nhiều năng lượng, độ béo và ngọt rất cao.
Cụ thể, trong 25g bánh (tương đương 1/5-1/10 bánh) chứa 95-122 calo, gồm 10-13g chất bột đường và 4,3-7,7g chất béo. Như vậy, một chiếc bánh trung thu 180g cung cấp từ 500 đến 700 calo, tùy theo loại bánh và thành phần. Một số loại bánh thập cẩm có thể chứa gần 1.000 calo. Ví dụ bánh trung thu nướng thập cẩm hai trứng 250g cung cấp năng lượng 1.095 calo, glucid (chất bột đường) 104,5g; bánh trung thu dẻo đậu xanh một trứng năng lượng 807 calo, glucid 158,1g.
Bánh trung thu càng nhiều lòng đỏ trứng, năng lượng càng cao. Trong khi đó, một bát cơm vừa khoảng 200 calo, glucid 44,2 g; một tô phở bò trung bình 430 calo, glucid 59,3g. Vì vậy khi ăn nên chú ý nguy cơ tăng cân, có thể tập luyện sau ăn để tiêu hao bớt năng lượng.
Nếu ăn bánh trung thu không chú ý kiểm soát tổng năng lượng trong ngày dễ dẫn đến tăng cân, rối loạn đường huyết, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Người bệnh tiểu đường cần lưu ý đến khả năng tăng đường huyết sau ăn, do thành phần carbohydrate trong bánh dễ hấp thu và đi nhanh vào máu.
Người bị đái tháo đường không phải kiêng tuyệt đối bánh trung thu mà nên hạn chế, mỗi lần chỉ ăn một phần nhỏ (1/8-1/4 cái bánh) hoặc sử dụng bánh cho người ăn kiêng. Khi ăn bánh nên cắt bớt lượng cơm tương ứng để giảm lượng tinh bột nạp vào cơ thể. Khi ăn bánh xong, bạn có thể ăn thêm rau xanh để ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột ngột, mất kiểm soát. Vì chất xơ có trong rau xanh sẽ giúp ngăn chặn quá trình tăng lượng đường huyết sau khi ăn bánh.