Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lương tối thiểu vùng tăng 6%, vùng cao nhất gần 5 triệu đồng/tháng

(VTC News) -

Chính phủ ban hành nghị định tăng lương tối thiểu vùng thêm 6%, vùng I đạt mức cao nhất với 4.960.000 đồng/tháng, áp dụng từ ngày 1/7.

Chính phủ ban hành Nghị định 74/2024 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, thay thế Nghị định số 38/2022 và bắt đầu có hiệu lực từ 1/7. 

Lương tối thiểu vùng tăng cao nhất 280.000 đồng/tháng

Mức lương tối thiểu theo các vùng từ ngày 1/7 tăng bình quân 200.000 - 280.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện hành.

Mức lương tối thiểu Vùng I tăng từ 4.680.000 đồng/tháng lên 4.960.000 đồng/tháng; Vùng II từ 4.160.000 đồng/tháng lên 4.410.000 đồng/tháng; Vùng III từ 3.640.000 đồng/tháng lên 3.860 đồng/tháng; Vùng IV từ 3.250.000 đồng/tháng lên 3.450.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu theo giờ tại vùng I  tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ, vùng II từ 20.000 đồng/giờ lên 21.200 đồng/giờ, vùng III từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ, vùng IV từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.

Vùng Mức lương tối thiểu tháng
(Đơn vị: đồng/tháng)
Mức lương tối thiểu giờ
(Đơn vị: đồng/giờ)
Vùng I 4.960.000  23.800
Vùng II 4.410.000 21.200
Vùng III 3.860.000 18.600
Vùng IV 3.450.000 16.600

Liên quan đến việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động, nghị định quy định người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó. 

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng.

Từ đó, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

10 nhóm đối tượng tăng lương cơ sở 

Chính phủ cũng ban hành Nghị định 73/2024, từ ngày 1/7, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng như hiện tại.

Sẽ có 10 nhóm đối tượng hưởng lương, phụ cấp áp dụng mức lương cơ sở quy định tại Nghị định này.

Nhóm 1, cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).

Nhóm 2, cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).

Nhóm 3, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).

Nhóm 4, người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định 204/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Nhóm 5, người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định 45/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 33/2012 của Chính phủ).

Nhóm 6, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nhóm 7, sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an Nhân dân.

Nhóm 8, người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

Nhóm 9, hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam; hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc Công an Nhân dân.

Nhóm 10, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

Nghị định nêu rõ, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định trên; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương, thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6 năm 2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1/7 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ các cơ chế này thì thực hiện mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù từ ngày 1/7 bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6 năm 2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).

Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1/7 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.

Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở sau khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp khả năng ngân sách Nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Anh Văn

Tin mới