Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Quản lý thị trường khẳng định như trên tại Hội nghị trực tuyến với Tổng cục QLTT và 63 Cục QLTT các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm đánh giá kết quả sau 3 năm chuyển đổi mô hình hoạt động quản lý thị trường theo ngành dọc.
Thay đổi theo hướng chuyên nghiệp
Trần Hữu Linh cho biết, sau 3 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, Tổng cục đã hoàn thành việc sắp xếp cơ cấu tổ chức, bộ máy được tinh gọn, từ 681 Đội QLTT, đến nay, cả lực lượng chỉ còn 376 Đội QLTT, giảm 45%.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT. (Ảnh: DMS)
Mô hình mới đã khắc phục được tình trạng cắt khúc theo địa giới hành chính, thực hiện quản lý tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương và phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, có tác động tiêu cực trên thị trường cả nước.
Đáng chú ý, việc giảm các đơn vị thuộc cấp tổng cục, cấp cục, và tinh giản hàng trăm đội QLTT cấp huyện, không làm giảm đi vai trò chủ công trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên thị trường nội địa, mà còn tạo sự chuyển biến tích cực rõ rệt trong công tác điều hành, quản lý.
Không những thế lực lượng quản lý thị trường đã có những bứt phá nghiệp vụ khi đánh trúng vào những đường dây, ổ nhóm lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được, thậm chí còn đặt chân đến những địa điểm trước đó chưa một lần đến kiểm tra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Trần Hữu Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại. Đó là nhận thức về QLTT chưa được đồng bộ, nhất quán trong toàn lực lượng; chất lượng đội ngũ công chức chưa đồng đều; công tác kiểm tra, giám sát nội bộ còn chưa nghiêm…
Đột phá về hiệu quả
Từ năm 2018 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc lớn, nổi cộm; tấn công, triệt phá các đường dây ổ nhóm như hai trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; kiểm tra, xử lý các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội và tại TP.HCM; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 3 vụ việc liên quan đến vi phạm về C/O (xuất xứ hàng hóa) tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Vĩnh Phúc…
Đồng thời phối hợp với Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu đường tại An Giang và các tỉnh lân cận; xử lý tổng kho buôn lậu hơn 10.000m2 tại 145 Hoàng Diệu (TP. Lào Cai); thu giữ 36.000 viên hồng phiến và 04 kg ma tuý tổng hợp tại Hà Tĩnh; phát hiện gần 1 triệu khẩu trang y tế không có hóa đơn, chứng từ tại Quảng Bình; kiểm tra xưởng sản xuất 2.000m2 sản xuất khẩu trang và gia công găng tay cao su có dấu hiệu đã qua sử dụng với số lượng lớn tại Hòa Bình...
Tính chung từ năm 2018 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý gần 212.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 1.210 tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2021, toàn lực lượng kiểm tra 41.702 vụ, xử lý 25.596 vụ vi phạm (tỷ lệ số vụ xử lý/số vụ kiểm tra đạt hơn 61%).
Một số đơn vị có tỷ lệ vụ xử lý/vụ kiểm tra cao như Cục QLTT Hà Nội, Lạng Sơn, Đồng Nai, TP.HCM, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Hà Nam, Thái Nguyên. Trong đó, Cục QLTT Hà Nội đạt 100% số vụ kiểm tra có phát hiện vi phạm, thu nộp ngân sách 192 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu chưa bán 141 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy 102 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong các đợt dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT đã nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu các cục QLTT địa phương chủ động và phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, thiết bị y tế... Kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, đặc biệt tại các địa phương đang có dịch. Với những đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Không chỉ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, lực lượng QLTT vẫn tập trung công tác chuyên môn, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, hàng không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều vụ việc điển hình vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Lạng Sơn, Quảng Ninh, An Giang, Bình Dương, Thanh Hóa, Hải Dương... đã được lực lượng QLTT phát hiện, xử lý.
Những vụ việc lớn cho thấy lực lượng QLTT đã khắc phục được điểm là sự chia cắt theo địa bàn; tổ chức theo ngành dọc đã giúp chỉ đạo từ Tổng cục xuyên suốt, đồng bộ, tạo thuận lợi cho các đơn vị phối hợp hành động kịp thời.
Tiếp tục xây dựng lực lượng quản lý thị trường ngày càng chính quy, chuyên nghiệp
Để xây dựng lực lượng QLTT chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, ngay từ năm 2019, Tổng cục đã đưa vào vận hành chính thức cổng thông tin điện tử; hệ thống quản lý văn bản điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ; cở sở dữ liệu và quản lý công tác tài chính; cơ sở dữ liệu và thống kê xử phạt hành chính, hệ thống hội nghị trực tuyến với 64 điểm cầu (Tổng cục và 63 Cục địa phương)...
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đã tạo sự đột phá trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Tổng cục; công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục được thực hiện 100% trên môi trường điện tử đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả, kịp thời.
Trong giai đoạn tiếp theo, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ, tra cứu chứng từ điện tử, quản lý cán bộ, thi đua khen thưởng… Hoạt động này góp phần giúp công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý và hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được chủ động, thông suốt, thống nhất, kịp thời và đạt hiệu quả cao.
Mặc dù đạt kết quả nhất định, song theo ông Trần Hữu Linh, lực lượng QLTT còn mỏng, phải tổ chức quản lý, kiểm tra số lượng lớn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đồng thời phải tham gia nhiều nhiệm vụ khác do chính quyền địa phương giao như phòng chống dịch bệnh, giải tỏa chợ, tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành… nên gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Trong khi đó, trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ, kinh phí hoạt động của lực lượng QLTT còn thiếu thốn, lạc hậu... Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin chưa thường xuyên, có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, chưa có sự phối hợp tổng thể của các địa phương để triệt phá các điểm tập kết, các đối tượng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả.
"Lực lượng QLTT tự nhìn nhận và luôn đặt bản thân trong bối cảnh mới của thị trường, không chỉ gói mình trong nhiệm vụ quản lý thị trường trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng, mà còn có nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế như chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, hợp lực cùng các lực lượng chức năng chống buôn lậu qua biên giới", ông Linh nhấn mạnh.