Trước đây, các HTX thường gặp khó khăn ngay trong việc đăng ký và cả việc giải thể vì Luật HTX 2012 quy định nhiều điều kiện khó khăn như HTX phải lập phương án sản xuất kinh doanh, đăng ký thành lập trực tuyến...Thậm chí, nhiều HTX dù đã ngừng hoạt động nhưng cũng không thể giải thể vì bắt buộc phải thành lập hội đồng giải thể và phải đăng báo địa phương liên tiếp 3 số để thông báo...
Nhưng nay, những bất cập này đã được gỡ bỏ trong Dự thảo nghị định quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật HTX số 17/2023/QH15 (Dự thảo nghị định).
Luật HTX sửa đổi năm 2023 sẽ tạo điều kiện để các HTX phát triển. (Ảnh minh họa).
Tại Hội thảo quốc tế “Luật Hợp tác xã năm 2023 và những định hướng chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã” tổ chức mới đây, ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Hợp Tiến (Ninh Bình), cho biết những quy định trong giải thể và đăng ký kinh doanh mới như bổ sung về mã số của HTX, Liên hiệp HTX, sử dụng số định danh cá nhân thay cho giấy tờ pháp lý cá nhân đang giúp HTX đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.
Đặc biệt, việc loại bỏ phương án sản xuất kinh doanh khi đăng ký thành lập là phù hợp với tình hình thực tiễn của các HTX, không cứng nhắc, chồng chéo, phức tạp, mà hạn chế được những lo ngại của người muốn đăng ký thành lập theo HTX.
Nếu như trước đây, các HTX gặp nhiều khó khăn trong mở rộng thị trường, huy động vốn do Luật HTX 2012 quy định giới hạn về việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài của HTX, Liên hiệp HTX thì nay đã được bãi bỏ.
Thay vào đó, Luật trao quyền cho HTX tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên, nhằm giúp HTX phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác.
Trước những thay đổi trong dự thảo nghị định, PGS TS Chu Tiến Quang, nguyên Trưởng Ban Chính sách phát triển (Bộ NN&PTNT), cho biết Luật lần này đã làm rõ thêm các nguyên tắc về HTX, đưa ra nguyên tắc mở rộng thành viên một cách phù hợp. Lần đầu tiên có những quy định mở ra cơ hội thu hút vốn từ bên ngoài (thành viên liên kết) và giúp HTX thâm nhập thị trường một cách thuận lợi hơn.
Thực tế cho thấy, thách thức của thị trường đòi hỏi các HTX phải thay đổi, tăng về quy mô, nguồn vốn, mở rộng các hoạt động. Tuy nhiên, nhiều quy định trong Luật HTX năm 2012 được cho là không còn phù hợp với sự phát triển của HTX. Chính vì vậy, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, cho rằng việc Quốc hội đã ban hành Luật HTX năm 2023 và đây là lần thứ 4, Luật HTX được sửa đổi bổ sung, được kỳ vọng sẽ tạo hành lang khung khổ thuận lợi, thông thoáng hơn cho HTX phát triển.
Đặc biệt, HTX hoạt động và phát triển không thể tách rời xu thế của thị trường. Trong khi mục tiêu của HTX là vì lợi ích của thành viên. Chính vì vậy, thông qua các chính sách hỗ trợ bằng việc thể chế hóa 8 nhóm chính sách tại Nghị quyết 20 – NQ/TW sẽ giúp HTX chuyển đổi tư duy, phương thức sản xuất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ HTX, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Giám đốc Dự án DGRV tại Việt Nam cho biết, dựa trên kinh nghiệm phát triển của khu vực HTX Đức, có thể thấy, việc hỗ trợ HTX ở giai đoạn đầu mới thành lập đóng vai trò tương đối quan trọng để cho các HTX phát triển bền vững.
Để làm được điều này, Luật HTX và các quy định liên quan đến HTX của Đức luôn tôn trọng nguyên tắc tự lực, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm của mô hình HTX, những nguyên tắc nền tảng, cơ bản được đặt ra từ giai đoạn đầu phát triển của HTX.
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là tất yếu (Ảnh minh hoạ).
Trong khi đó, một trong những khó khăn của HTX ở Việt Nam là chính sách tiếp cận tín dụng và khoa học công nghệ.
Theo bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T nông sản Cao Phong (Hòa Bình), hiện nay, các ngân hàng chỉ cho HTX vay theo hình thức thế chấp tài sản, chưa thực hiện theo hình thức tín chấp. Chính sách tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ còn phức tạp khiến việc mở rộng sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại, thuê đất cũng như xây dựng trụ sở của HTX và các HTX trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Vũ Văn Quyết cũng cho rằng vì không có tài sản thế chấp nên HTX không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Điều này cũng khiến HTX gặp khó khăn nhất định trong việc đầu tư thêm máy móc. Trong khi một máy sấy thóc hiện cũng lên đến cả tỷ đồng.
Từ thực tiễn các HTX đang gặp phải, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung chia sẻ, hiện nay, các nước trên thế giới đang làm rất tốt trong việc giúp HTX tiếp cận nguồn vốn, đầu tư công nghệ. Như ở Philippines, để giải quyết vấn đề tín dụng tài chính cho HTX, quốc gia này đã có nhiều hơn một ngân hàng tham gia hỗ trợ các HTX. Ngân hàng đất đai Philippines cũng có riêng các chương trình vay vốn cho các HTX nông nghiệp.
Còn tại Thái Lan không chỉ có những chính sách hỗ trợ hiệu quả cho HTX mà còn có nhiều trung tâm nghiên cứu nông nghiệp hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học, từ đó giúp HTX hạn chế khó khăn không có tiền đầu tư máy móc. Thái Lan cũng chỉ phân loại HTX tập trung vào hai lĩnh vực là nông nghiệp và phi nông nghiệp nên thuận lợi trong tiếp cận chính sách và quản lý.
Có thể thấy, điều quan trọng nhất trong kinh nghiệm phát triển HTX từ các nước là các chính sách đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện, phù hợp với đặc thù của các thành viên HTX. Bởi một trong những thách thức của HTX hiện nay chính là gặp khó trong quản lý, ứng dụng công nghệ, kinh doanh do thành viên phần lớn là nông dân trong khi Việt Nam đang hội nhập sâu, nông sản cần nâng cao chất lượng.
Chính vì vậy, PGS, TS Mai Quang Vinh, Chủ tịch Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam, cho rằng để các chính sách hỗ trợ trong Luật HTX 2023 đi được vào thực tiễn, cơ quan quản lý cần phải phân biệt rõ những chính sách nào cần thí điểm để đánh giá, sau đó nhân rộng thì mới hiệu quả. Chẳng hạn như chính sách miễn giảm thuế có thể thực hiện hỗ trợ trong 2-3 năm đầu, nếu sau khi hỗ trợ, HTX tiếp tục phát triển thì nên thực hiện miễn thuế để tạo động lực cho HTX phát triển.
Bên cạnh đó, trong thời điểm hiện nay, HTX không thể không chuyển đổi số nên điều quan trọng là cần tạo các nền tảng công nghệ, ứng dụng mà HTX có thể dùng chung được. Tiêu biểu như phần mềm quản lý chất lượng sản phẩm, cần có sự thống nhất để các HTX có thể dùng mới tạo được sự đồng đều, thống nhất trong chất lượng và quản lý.
Và để làm được điều này cần có sự hỗ trợ cụ thể cho HTX. Điển hình như ở Đức ban hành chính sách hỗ trợ 1ha khoảng 300 EUR cho nông dân, thành viên HTX ứng dụng công nghệ trong sản xuất hiện đại.