Một trong những nội dung trọng tâm của Luật Đất đai (sửa đổi) đó là việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.
Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 quy định hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa để thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp. Điều này được cho là làm hạn chế việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chưa khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, huy động các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Vì vậy, dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng không hạn chế tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Điều kiện là các tổ chức kinh tế phải có phương án sử dụng đất nông nghiệp được UBND cấp tỉnh chấp thuận.
Luật Đất đai (sửa đổi) không còn hạn chế tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. (Ảnh minh họa)
Nhiều chuyên gia đồng tình cho rằng, đây là quy định hợp lý. Hiện nhận thức của người dân về tích tụ, tập trung đất đai còn chưa đầy đủ, tâm lý sợ mất đất khiến người dân không cho doanh nghiệp, hộ sản xuất thuê mặc dù không có nhu cầu sử dụng, hoặc cho thuê thời hạn hợp đồng ngắn. Bên cạnh đó, chính sách đất đai với thời hạn và hạn điền chưa phù hợp cũng khiến cho chủ thể có nhu cầu sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao khó tiếp cận.
Chính vì thế, nếu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, sẽ khắc phục được tình trạng nông dân giữ đất rồi bỏ hoang trong khi doanh nghiệp thiếu đất sản xuất, kinh doanh; khuyến khích được nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, đánh giá cao Luật Đất đai sửa đổi lần này trong việc mở rộng đối tượng được cấp quyền sử dụng đất nông nghiệp để phát triển sản xuất.
“Tôi cho rằng đây là một trong những điểm mới rất tiến bộ, tạo được sự đồng tình, ủng hộ cao của đại đa số cử tri. Ở Đồng Tháp, đoàn Đại biểu Quốc hội cũng từng tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến nhân dân về vấn đề này và được nhân dân rất đồng tình, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, người có nhiều ruộng vườn”, ông Hòa nói.
Ông Hòa phân tích, quy định mới sẽ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp và những cá nhân có đủ khả năng về kinh tế nhưng không trực tiếp canh tác có thể mua được đất nông nghiệp để có thể thành lập công ty hoặc làm nông nghiệp công nghệ cao, phát triển diện tích nông nghiệp rộng lớn, cánh đồng mẫu lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc cho phép các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sẽ huy động được các tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, qua đó phát huy tối đa được hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.
Kiểm soát nguy cơ trục lợi cách nào?
Tuy được ủng hộ song quy định mới của Luật Đất đai sửa đổi cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia. Theo chuyên gia, quy định mới phải vừa tạo điều kiện để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch nhưng cũng đồng thời bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa.
Ngoài ra, cần có đánh giá kỹ các tác động của quy định này đối với đời sống và sản xuất của người dân, không để nông dân thiếu đất sản xuất, ảnh hưởng đến vấn đề đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Đồng thời, cần phải có biện pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước để tránh tình trạng cá nhân lợi dụng chính sách thu gom đất nhằm mục tiêu đầu cơ, không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp.
Chuyên gia khuyến cáo Nhà nước cần cơ chế kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng lợi dụng chính sách thu gom đất lúa đầu cơ trục lợi, sử dụng đất lúa không đúng mục đích.
Tuy nhiên, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, để ngăn chặn nguy cơ này không phải quá khó. "Quy định rất rành mạch, rõ ràng. Anh không được chuyển mục đích khác để làm những việc sai mục đích. Nếu nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp quá 36 tháng mà không sản xuất, không canh tác thì Nhà nước sẽ thu hồi lại.
Ngoài ra, còn có cơ chế kiểm soát là giao cho chính quyền địa phương, giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã, UBND cấp huyện, rồi các ngành, UBND tỉnh thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất nông nghiệp của từng đối tượng. Nếu sử dụng sai mục đích thì phải xử phạt và báo cáo cho cơ quan chuyên môn thu hồi lại diện tích đất”, ông Hòa phân tích.
Do vậy, sự giám sát của người dân, chính quyền địa phương là rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi trục lợi, không nhằm mục đích phát triển kinh tế nông nghiệp.