Hai tháng kể từ ngày bầu cử, Tổng thống Trump liên tục đưa ra những tuyển bố vô căn cứ về gian lận cử tri, đe dọa các đảng viên đảng Cộng hòa không đồng tình với ông và chính Phó Tổng thống của ông. Những lời kêu gọi này dẫn đến cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm thứ Tư (6/1). Sự kiện này trở thành vết nhơ trong nhiệm kỳ 4 năm của ông Trump. Hậu quả của cuộc bạo loạn không chỉ khiến các quan chức Mỹ quay lưng với Tổng thống đương nhiệm mà còn xác định tương lai chính trị ông và định hướng của Đảng Cộng hòa sau khi ông rời nhiệm sở.
Lần đầu tiên sau 4 năm, lòng trung thành của các quan chức với Tổng thống Trump dường như đã rạn nứt.
Đám đông biểu tình đụng độ với cảnh sát ở Capitol. (Ảnh: Reuters)
“Ông ấy đã làm tổn thương chính những người ủng hộ của mình, làm đất nước trở nên rối ren và giờ đây ông ấy tự làm rối chính mình”, một quan chức phục vụ cho chiến dịch tranh cử của Trump năm 2016 nói.
“Donald Trump đã gây ra cuộc nổi dậy này bằng những lời nói dối và thuyết âm mưu về gian lận bầu cử”, Scott Jennings, cựu trợ lý của Tổng thống George W. Bush có mối quan hệ thân cận với chính quyền Trump, cho biết. "Cuộc bầu cử không hề bị đánh cắp nhưng sự kiện điên rồ này vẫn xảy ra do sự dẫn dắt của Tổng thống và các cố vấn hàng đầu của ông ấy".
Bà Stephanie Grisham, chánh văn phòng của Đệ nhất Phu nhân Melania và là một trong những phụ tá lâu năm nhất của ông Trump, đã từ chức vì vụ bạo loạn. Vài quan chức cấp cao khác của Nhà Trắng cũng cho biết dự định từ chức chưa thực hiện do “lo ngại về việc Tổng thống từ chối cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình". Thống đốc Phil Scott của Vermont, một đảng viên Đảng Cộng hòa, kêu gọi Tổng thống từ chức. Ông Tom Cotton, một đồng minh đầy triển vọng của đảng Cộng hòa năm 2024, nói rằng Tổng thống lẽ ra nên chấp nhận thất bại từ sớm.
“Tổng thống Donald Trump và các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa khác nên ngay lập tức tố cáo hành động bất hợp pháp ngày hôm nay”, cựu trợ lý báo chí tại Nhà Trắng Austin Cantrell nhận xét về cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội. Ông kêu gọi Tổng thống và đảng Cộng hòa nhìn nhận lại hành động của bản thân vì lời nói của họ có để chữa lành hoặc gây tổn hại cho nước Mỹ.
Trong cuộc biểu tình ngày 6/1 trở nên mất kiểm soát và trở thành bạo loạn, các trợ lý hàng đầu của ông Trump tại Nhà Trắng đã thúc giục tổng thống đưa ra tuyên bố để cải thiện tình hình. Tuy nhiên, phải mất khoảng hai tiếng rưỡi kể từ khi những người biểu tình xông vào điện Capitol, Tổng thống mới đưa ra một thông điệp qua video nhằm khuyến khích những người ủng hộ ông "ra về trong hòa bình". Nhưng ngay sau đó, ông vẫn tiếp tục đưa ra những tuyên bố sai lầm và kích động những người biểu tình ở Washington DC.
“Video của Trump là một thất bại tuyệt đối trong vai trò lãnh đạo”, ông Jennings nhận xét.
Người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ. (Ảnh: TNS)
Nhưng Tổng thống Trump không dừng lại ở đó.
“Đây là những điều xảy ra khi một chiến thắng trong cuộc bầu cử thiêng liêng bị tước đi một cách bất chính và ác độc”, ông Trump viết trên Twitter, hiện tài khoản của Tổng thống đã bị Twitter khóa.
Sau khi chứng kiến phản ứng của Tổng thống, các đồng minh hiện tại và trước đây của Trump đua nhau đăng bài trên mạng internet nhằm lên án các cuộc biểu tình của những người ủng hộ ông Trump.
“Tôi không muốn nói chuyện với ông ấy nữa”, một đảng viên Cộng hòa thân cận với ông Trump phát biểu.
Cựu Thống đốc Chris Christie của New Jersey cho biết ông đã nhiều lần cố gắng liên lạc với ông Trump vào thứ Tư khi lực lượng Vệ binh Quốc gia được điều động đến Washington DC để ngăn chặn cuộc bạo loạn. Ông Christie đổ lỗi cho Tổng thống vì kích động đám đông biểu tình.
“Tổng thống đã gây ra cuộc biểu tình này. Ông ấy là người duy nhất có thể dừng việc này lại", ông Christie nói với giới báo chí.
Tom Bossert, cựu cố vấn An ninh Nội địa và Chống khủng bố của ông Trump, cho rằng Tổng thống đã "phá hoại nền dân chủ của Mỹ một cách vô căn cứ trong nhiều tháng", và do đó ông "phải chịu trách nhiệm cho cuộc bạo loạn này".
Sau khi Tổng thống công bố đoạn video ngắn vào chiều thứ Tư, một quan chức Nhà Trắng cho biết người này không còn mong đợi gì từ Trump và các trợ lý hàng đầu của ông.
Chỉ sau khi các nhà lãnh đạo quân đội thảo luận về tình hình với Phó Tổng thống Mike Pence và các lãnh đạo Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc mới điều động 1.100 lính vệ binh Quốc gia quận Columbia để giúp ngăn chặn đám đông người biểu tình.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. (Ảnh: EPA)
Ông Trump sẽ không thể tái tranh cử vào năm 2024
Đối với ông Trump, cuộc bạo loạn đã trở thành vết nhơ thứ hai hai sau khi ông bị đổ lỗi vì thất bại của các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kelly Loeffler và David Perdue tại hai cuộc bầu cử bổ sung ở Georgia hôm 5/1.
Kết quả của hai cuộc bầu cử bổ sung tại một bang từng ủng hộ đảng Cộng hòa đặt ra câu hỏi về mối quan hệ Tổng thống vơi đảng này sau thất bại trong cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11.
Ông Trump đã dành nhiều tuần trước cuộc bầu cử bổ sung ở Georgia để công khai chê bai Thống đốc thuộc đảng Cộng hòa ở Georgia Brian Kemp và quan chức đối ngoại Georgia Brad Raffensperger. Tại một sự kiện vận động tối ngày 4/1, ông Trump hạ thấp cuộc bầu cử năm 2016 và nói rằng ông sẽ không còn yêu mến Phó Tổng thống Pence nếu ông này từ chối giúp Trump lật lại kết quả bầu cử 2020.
“Sáng nay tôi đã nói với các bạn rằng đảng Cộng hòa đang lung lay vì Donald Trump. Và giờ là toàn bộ đất nước”, một cố vấn cấp cao của ông Trump nói.
Chỉ trong vài ngày, việc ứng cử vào năm 2024 của ông Trump đã trở nên xa vời. Sự kiện ngày 6/1 càng hạ thấp khả năng tái tranh cử của ông.
“Tôi nghĩ chuyện đó sẽ không xảy ra”, một người bạn của ông Trump cho biết trước thứ Tư. "Ông ấy sẽ không ở đây vào năm 2024. Ông ấy sẽ không tranh cử".
Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: AP)
Ngay cả khi các cuộc biểu tình đang diễn ra, Trump vẫn tiếp tục tàn phá đảng Cộng hòa bằng cách cáo buộc Phó Tổng thống Pence vì không thể "can đảm thực hiện những gì đáng lẽ phải làm để bảo vệ đất nước và hiến pháp của chúng ta". Tuyên bố này được đưa ra sau khi ông Pence xác nhận rằng ông không có “quyền đơn phương quyết định số phiếu đại cử tri được tính”.
Một đồng minh của Phó Tổng thống Pence cho biết đây là khởi đầu cho việc chấm dứt lòng trung thành của Pence với ông Trump, và rất có thể cũng là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông.