Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Long Nhật, Quang Tèo khắc họa đời nghệ sĩ đầy vinh quang và nước mắt

NSƯT Quang Tèo, Long Nhật, Vượng Râu...sẽ tham gia vở kịch "Dưới ánh đèn", khắc họa cuộc đời đầy vinh quang và nước mắt của các nghệ sĩ sân khấu.

CLB Sân khấu Thử nghiệm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam vừa đem vở kịch Dưới ánh đèn của tác giả - nhà biên kịch Chu Thơm, đạo diễn NSND Trần Nhượng tham gia Liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018.

Nhà viết kịch Chu Thơm chia sẻ: Vở kịch lấy ý tưởng từ cuộc sống của những nghệ sĩ. Họ được ví như những con tằm rút ruột nhả tơ để trả ân tình của cuộc đời.

Hàng đêm họ sống dưới ánh đèn.

Dưới ánh đèn

Cuộc đời đầy ngang trái

Dấn thân vào kiếp Kép Tư Bền

Tằm quằn quại nhả tơ

Những sợi tơ đầu tiên

Những sợi tơ cuối cùng…

Để trả món nợ tình của cuộc đời

Món nợ tình không bao giờ trả nổi

Nên hàng đêm chúng ta vẫn cứ phải sống dưới ánh đèn…

Người nghệ sĩ giống như những con thiêu thân, cứ thấy ánh đèn là lao vào. Trên sân khấu, họ đóng vai những ông hoàng, bà chúa đầy quyền uy, sống trong giàu sang nhưng ở đời thường, có những người ở trong những căn nhà chật hẹp, tồi tàn. Và để có thể gắn bó với nghề, họ phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ và cả những cạm bẫy và "bả độc".

Các nghệ sĩ tham gia vở kịch "Dưới ánh đèn". 

Vở kịch Dưới ánh đèn xoay quanh cuộc đời của một gia đình nghệ sĩ sân khấu dân tộc. Ông bố, kép Bền (do NSƯT Tiến Quang - Quang Tèo đóng) từng là diễn viên yêu nghề hết mực. Trong một lần đang biểu diễn trên sân khấu nhận được tin dữ về cha nên không giữ vững được tinh thần và ông liên tục nói nhịu, quên thoại nên bị khán giả la ó, ông bầu quát mắng cắt vai cho người khác. Từ đó, ông mang nỗi oán hận với nghề, với bạn nghề, nên không muốn con trai đi theo nghiệp diễn vì coi đó là cái nghề bạc bẽo.

Thế nhưng rốt cục, con trai ông  Bảo Long (do ca sĩ Long Nhật đóng) lại đam mê ánh đèn sân khấu. Bất chấp sự phản đối của cha, anh trở thành ca sĩ. Có tài, tận tâm với nghề nhưng anh lại không lưu tâm đến những lời cảnh báo của cha nên bị bạn nghề đố kỵ gài bẫy, vướng vào tai tiếng, dẫn đến nguy cơ dính vòng lao lý, bị huỷ show, cấm sóng truyền hình, bị người cha từ mặt và con đường sự nghiệp rơi vào bế tắc.

Hoạ vô đơn chí, cô ca sĩ, người bạn luôn đi hát cùng anh tên là Thanh Phượng (do Hồng Gấm đóng) vì muốn từ giã sự nghèo khổ nhận lời lấy một thiếu gia và ra nước ngoài sống cùng chồng.

Mất người yêu, mất tình cảm của cha, mất uy tín và danh dự, chàng ca sĩ trẻ đắm chìm trong men rượu và gần như suy sụp. Đúng lúc đó, cô ca sĩ, người anh yêu trở về, trao cho anh chiếc áo có chữ ký của những người lính đảo tặng anh và cô trong một lần họ ra biểu diễn ở đó. Và chiếc áo như một phương thuốc thần kỳ nhắc anh nhớ về cuộc sống, sự hy sinh và tình cảm của những người lính đảo anh hùng. Rồi cô tìm ra một người hâm mộ chàng ca sĩ đứng ra tố cáo những kẻ hãm hại anh.

Chứng kiến con trai đứng dậy sau khi vấp ngã, ông bố lấy lại lòng tin vào nghềnghiệp. Ông ủng hộ, động viên con trai nỗ lực hơn để trở thành một nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho đời, tiếp bước ông trên con đường nghệ thuật.

 Nhà biên kịch Chu Thơm.

Vở kịch Dưới ánh đèn có sự tham gia của ca sĩ Long Nhật, NSƯT Quang Tèo, nghệ sỹ Vượng Râu…Theo nhà viết kịch Chu Thơm, sở dĩ đạo diễn- NSND Trần Nhượng và ông chọn Long Nhật tham gia vở diễn này vì biết anh không chỉ là một ca sĩ mà còn từng tham gia một số vai trên sân khấu kịch TP.HCM.

Việc chọn ca sĩ để diễn kịch, diễn viên hài diễn chính kịch, diễn viên cải lương, diễn viên múa bụng diễn kịch rất hợp với tiêu chí “thử nghiệm” của Câu lạc bộ Thử nghiệm Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Đặc biệt, nhân vật trung tâm của vở diễn, ca sĩ Bảo Long do ca sĩ Long Nhật thể hiện là một vai kịch nặng ký được đạo diễn, NSND Trần Nhượng khai thác triệt để khả năng ca hát của Long Nhật cũng như khả năng diễn xuất của anh để giúp Long Nhật chuyển tải tốt một vai kịch có diễn biến tâm lý phức tạp.

Còn nghệ sĩ Quang Tèo vốn được nhiều khán giả biết tới với vai trò là diễn viên hài. Khi thể hiện vai ông bố dạng chính kịch trong vở này, anh thực sự “lột xác” nên nhận được sự đánh giá cao từ phía các đồng nghiệp.

Khi tham gia Liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018. diễn ra tại TP.HCM vào tháng 4/2018, nhà viết kịch Chu Thơm cho hay, ông rất tâm đắc cách làm việc chỉn chu và tận tâm của đạo diễn, NSND Trần Nhượng, tổng kiến trúc sư của vở diễn trong bối cảnh kinh phí của câu lạc bộ rất eo hẹp. Ngoài hàng ngày dàn tập với diễn viên, ông còn phải lo đủ thứ, từ trang trí, âm nhạc và xin tài trợ.

Sau khi nghe những ý kiến góp ý của lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn trong đêm phúc khảo, nhà biên kịch Chu Thơm lại cùng ê kíp miệt mài tập luyện với mong muốn mang tới Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2018, một sân chơi rất cởi mở và lý thú một sản phẩm nghệ thuật chỉn chu, được thực hiện bởi những nghệ sĩ chuyên nghiệp và tâm huyết với sân khấu.

Video: Diễn xuất của Quang Tèo trong chương trình "Ơn giời, cậu đây rồi"

Mai Lan

Tin mới