Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lòng hồ thủy điện Bản Vẽ trơ đáy, dân mở đường bộ thay đi thuyền

Mực nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ xuống thấp khiến hàng nghìn người dân ở thượng nguồn vốn di chuyển bằng thuyền thì nay gặp nhiều khó khăn.

Trung tuần tháng 6, mực nước trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương (Nghệ An) xuống gần đến mực nước chết trong nhiều ngày. Ở thượng nguồn lòng hồ thủy điện, Hữu Khuông được coi là xã “ốc đảo”, những ngày này phải chứng kiến lòng hồ trơ đáy, cây cối sau nhiều năm bị vùi dưới lòng hồ chết đứng đã lộ thiên.

Lâu nay, người dân, cán bộ và các giáo viên công tác ở đây phải di chuyển bằng thuyền vượt lòng hồ thủy điện để đến nơi làm việc. Tuy nhiên, gần đây do mực nước hồ xuống thấp, tuyến đường thủy bị đứt gãy, họ phải tự mở đường và làm cầu tạm để đến bến nước đi thuyền.

Người dân đi lại trong lòng hồ thủy điện khô nứt nẻ. (Ảnh: L.Tuấn)

Ông Lô Văn Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Khuông cho biết, những ngày qua, chính quyền đã huy động hơn 100 người ở 2 bản để mở đường, chặt gỗ làm 2 cây cầu tạm, trong đó một cầu 8m và một cầu gần 10m.

“Mực nước lòng hồ xuống thấp, bà con không thể đi thuyền vào bến cũ nên phải huy động người dân mở đường. Có tuyến phải dùng máy xúc, có tuyến dùng cuốc đào đường tạm để bà con đi lại”, ông Tuấn chia sẻ. 

Chính quyền địa phương huy động hàng trăm người mở đường ở lòng hồ thủy điện. (Ảnh: L.Tuấn)

Cũng theo ông Tuấn, việc mở đường mới là để bà con đi bộ, đi xe máy đỡ phải lội bùn dưới lòng hồ khi di chuyến đến bến thuyền mới. Đoạn đường đào mới, chắp nối kéo dài khoảng hơn 2km.

“Người dân cũng như chính quyền địa phương mong sớm có đường nối từ xã Yên Tĩnh - Hữu Khuông. Còn lâu nay, bà con đi lại phụ thuộc vào thuyền nên hết sức vất vả”, ông Tuấn mong mỏi.

Muôn vàn khó khăn về giao thông

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, do khô hạn khiến mực nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ xuống thấp, ảnh hưởng đến việc đi lại bằng thuyền của bà con trong khu vực lòng hồ, nhất là xã Hữu Khuông.

“Để khắc phục thực trạng này, chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng tại chỗ tạo lối đi riêng để mọi người bớt vất vả. 

Mùa nước này, khu vực lòng hồ cạn xuống, đến mùa nước dâng lên, tất cả lại nằm trong lòng hồ. Để đầu tư hệ thống đường kiên cố thì gặp nhiều khó khăn nên chúng tôi đang đẩy mạnh để sớm làm tuyến đường nối xã Hữu Khuông – Yên Tĩnh. Hy vọng tuyến đường này được đưa vào sử dụng trong năm sau để bà con đỡ vất vả” – ông Nhất thông tin. 

Các lực lượng chặt thân gỗ để làm cầu tạm. (Ảnh: L.Tuấn)

Cũng theo ông Nhất, mực nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ phụ thuộc vào nước từ Lào đổ về. Năm nay lượng mưa ở Lào ít hơn, ở địa phương thì mưa chưa nhiều, do vậy, nguồn cung nước về lòng hồ chưa đạt được mức tối thiểu.

“Nước không đủ dẫn đến tình trạng thiếu điện, thiếu nước tưới tiêu cho hạ lưu và khi nước rút thì lòng hồ cạn đáy. Bùn lầy, thân gỗ nằm ngổn ngang khắp lòng hồ khiến bà con đi lại khó khăn”, ông Nhất bộc bạch. 

Một cây cầu tạm đang được hoàn thiện

Được biết, dân số ở xã Hữu Khuông có khoảng 3.000 người, nằm rải rác ở nhiều bản làng và tuyến đường đi lại còn khó khăn. Trên lòng hồ thủy điện có khoảng 150 thuyền để phục vụ bà con, dân bản làm phương tiện đi lại hằng ngày.

“Thuyền của bà con đi lại trên lòng hồ là phương tiện dân sinh, giống như chúng ta đi xe máy trên đường bộ. Ở đây mỗi nhà có một thuyền để đi lại. Riêng những gia đình làm ăn, buôn bán thì đóng thuyền to, còn các thầy cô giáo dạy học ở đây thì cắt cử luân phiên về xuôi kiêm luôn việc đi chợ, mua lương thực, thực phẩm”, ông Nhất chia sẻ.

Theo thông tin từ Nhà máy thủy điện Bản Vẽ, vừa qua đã hỗ trợ một phần giúp chính quyền địa phương tổ chức làm đường và cầu tạm để người dân đi lại thuận lợi. 

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới