Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Loạt đại gia Uniqlo, Walmart, Amazon, Decathlon... đến Việt Nam tìm nguồn hàng

(VTC News) -

Các nhà bán lẻ đến từ Mỹ, Pháp, Nhật, Thái Lan… đang đến Việt Nam tìm nhà cung cấp hàng hóa tại sự kiện Viet Nam International Sourcing 2024 tổ chức ở TP.HCM.

Tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP.HCM tổ chức Diễn đàn Xuất khẩu 2024 với chủ đề “Kết nối Chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”. Sự kiện này diễn ra cùng lúc với Triển lãm Viet Nam International Sourcing 2024, trong 3 ngày 6-8/6 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Sài Gòn (SECC).

Diễn đàn hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển; là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đồng thời thu thập thông tin về xu hướng tiêu dùng và thay đổi trong thói quen tiêu dùng.

Dệt may, thực phẩm, đồ nội thất là nhóm hàng Việt được các nhà bán lẻ lớn trên thế giới tập trung tìm mua. (Ảnh: H. Linh)

Các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà nhập khẩu và kênh phân phối quốc tế được đẩy mạnh tại Diễn đàn xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới.

Trong khuôn khổ sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế”, các doanh nghiệp Việt đã có cơ hội tiếp xúc, quảng bá sản phẩm đến các nhà mua hàng quốc tế đang tìm kiếm, mua sản phẩm Việt như Central Retail, Aeon, Walmart, Costco, Decathlon, Amazon, Coppel... Các nhà thu mua chuyên nghiệp cho các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang tập trung tại sự kiện này, và tham gia xuyên suốt trong các chương trình kết nối giao thương.

Ngoài ra, các hội thảo cũng diễn ra song song bên lề, để chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá thực trạng xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, đưa ra khuyến nghị giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh, hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững.

Các nhóm hàng được tập trung là thực phẩm; dệt may; giày dép, ba lô, túi xách; đồ thể thao và dã ngoại; đồ gia dụng và nội thất. Trước sự kiện, ban tổ chức cũng phối hợp với một số Sở Công Thương để đưa các đoàn thu mua về khảo sát doanh nghiệp tại địa phương.

Khách quốc tế tìm hiểu sản phẩm ống hút được làm từ gạo, mì của doanh nghiệp Việt. (Ảnh: H. Linh)

Chia sẻ tại sự kiện, ông Aly Ansari, Tổng giám đốc Walmart Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong những thị trường nguồn cung ứng quan trọng nhất ở châu Á của Walmart. Nhà bán lẻ này sẵn sàng hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam ra thị trường toàn cầu, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Chile và Trung Quốc.

Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam được Walmart quan tâm gồm đồ may mặc, đồ điện tử, sản phẩm cứng và nhiều mặt hàng khác. Ngoài ra, Walmart đang tìm kiếm sản phẩm thuộc các danh mục khác như đồ chơi, thực phẩm... và mong muốn mở rộng hơn danh mục sản phẩm, tìm nguồn cung ứng với nhiều sản phẩm của Việt Nam hơn để phát triển thị trường trên thế giới. 

Còn ông Akiyama Naoki, Giám đốc Vận hành và Giám đốc Tài chính Uniqlo Việt Nam, cho biết Việt Nam có vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị của Uniqlo. Fast Retailing- công ty mẹ của Uniqlo Việt Nam, đã có hơn 20 năm tham gia sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm của Uniqlo sản xuất tại không chỉ có mặt tại 23 cửa hàng tại Việt Nam mà còn được phân phối tới hơn 2.400 cửa hàng trong mạng lưới toàn cầu của chuỗi thời trang này. 

Ông cho biết nhiều sản phẩm trọng tâm, đòi hỏi quy trình sản xuất tiên tiến như AIRism, UV Parka, Polo, HEATTECH, Fleece đều được sản xuất tại Việt Nam. Tính đến năm 2024, các mặt hàng sản xuất tại Việt Nam chiếm hơn 60% sản phẩm của Uniqlo tại các cửa hàng Việt Nam, và tỷ lệ đang tiếp tục tăng lên. 

Các sản phẩm trang trí nội thất thông minh của Việt Nam luôn được người tiêu dùng trong và ngoài nước quan tâm. (Ảnh: H. Linh) 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu của cả nước ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, xuất khẩu sang thị trường có hiệp định thương mại (FTA) đều có sự phục hồi tích cực. Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA cùng hàng loạt FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, thực thi trước đó, đã tạo ra mạng lưới thị trường rộng lớn, trở thành động lực cho các doanh nghiệp, ngành hàng của Việt Nam mạnh dạn bước ra thế giới.

Bà Thắng nhấn mạnh, mục đích của Diễn đàn xuất khẩu 2024 nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thích ứng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; cũng như thúc đẩy kết nối giữa các kênh phân phối, nhà nhập khẩu nước ngoài với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước.

2023 là năm đầu tiên Viet Nam International Sourcing được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện nhận được sự quan tâm từ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nước đến các tập đoàn phân phối, nhập khẩu quốc tế từ nhiều nước trên thế giới. 

Các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nội thất, hàng gia dụng như FH (Đan Mạch), IKEA (Thụy Điển), hay các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thực phẩm Á châu như Scanesia (Na Uy), East Asia (Thụy Điển)… đã có cái nhìn tích cực hơn đối với thị trường Việt Nam và hàng xuất khẩu của Việt Nam. Một số hợp đồng đã được ký kết ngay sau hội chợ. Nhiều mặt hàng mới được đưa vào thị trường từ bánh mì Việt Nam đông lạnh, đến đu đủ xanh nạo sợi…

Hà Linh

Tin mới