Cây trồng bất bại
1 phân vàng (1/10 chỉ) là mức thu trung bình, còn những cây có buồng quả đẹp phải thu gấp đôi, gấp ba. Ở cái xã Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) này, sau mỗi mùa dân tình lại í ới rủ nhau đi mua vàng, đó là cách mà nhiều người già tích lũy kiểu “ăn chắc, mặc bền”. Bà vợ ông Nguyễn Văn Ất ở làng Hoành Đồn cũng không phải là ngoại lệ.
Bà bảo với tôi rằng chưa có loại cây gì mà đầu tư chỉ 1 đồng lại lãi 100 đồng như cây cau ở quê mình hiện nay: “Nhà tôi có hơn 500 gốc cau đang thời kỳ cho quả, mỗi năm phải cho chúng “ăn” muối 2 lần, vào tháng 2 và tháng 9 âm lịch, lúc trời đã hết mùa mưa. Ngoài muối tôi còn bón thêm chút phân lân. Tính ra hàng năm đầu tư chỉ 3 tạ muối, 3 tạ lân hết cỡ trên 2 triệu là thu hoạch thôi”.
Vợ ông Ất đang cho cây ăn muối. (Ảnh: Dương Đình Tường)
Còn ông Ất thì giải thích cho tôi rằng cau vốn thích hợp với thổ nhưỡng vùng lấn biển đất hãy còn chất mặn. Hàng trăm năm trước, khi Hải Đường là đất mới thì trồng cau rất sai quả nhưng theo thời gian nó được ngọt hóa nên phải bón thêm muối, còn các xã gần biển như Hải Châu, Hải Hòa… thì không cần.
“Cứ 4, 5 năm cau đắt mới có 1 năm cau rẻ nhưng dù rẻ mấy nó vẫn còn hơn nhiều trồng lúa. Trung bình mỗi gốc cau mỗi năm cho thu 7 - 8 kg quả, năm ngoái giá bán 40.000 - 50.000 đồng/kg tôi thu cỡ 200 triệu, năm nay giá bán 80.000 - 90.000 đồng/kg tôi ước thu cỡ 300 triệu. Ngoài bán cau quả tôi còn bán cỡ 10.000 cây cau giống mỗi vụ, với giá 20.000 đồng/cây cũng thu khoảng 200 triệu nữa…
Hai đứa con trai tôi sau bao năm đi làm thuê bên ngoài giờ cũng về nhà trồng cau cùng bố. Chúng vừa làm 2 cái nhà, hơn tỷ và tỷ rưỡi. Giờ với chúng tôi, dù có giãn cách xã hội cả năm nữa cũng không thành vấn đề bởi rau sẵn trong vườn, gà sẵn trong chuồng, cá sẵn dưới ao, còn gạo sẵn ở trên những ngọn cau cao 9 - 10m”...
Đường làng ở Hải Đường. (Ảnh: Dương Đình Tường)
Lạ cái là Hoành Đồn ai cũng có cau nhưng cả làng giờ chỉ còn vài ba người ăn trầu. Cau là giống trồng một lần “ăn” cả một đời, người sống đến 80, 90 tuổi mà cây vẫn cho thu hoạch. Vườn cau nhà ông Ất nhiều cây đã 60 - 70 năm tuổi do tay bố mẹ ông trồng, cây 40 - 50 tuổi do tay vợ chồng ông trồng, cây 10 - 20 tuổi do tay các con ông trồng.
Chúng đứng cạnh nhau, đều tăm tắp như những hàng kiêu binh đang bồng súng. Thân cau càng thẳng thì thân chủ vườn càng cong, ngọn cau càng gần trời thì đời chủ vườn càng gần đất, nhưng mối thâm tình giữa cây và người thì vẫn còn xanh ngát tựa thủa nào.
Cau trồng 2 năm, khi cao cỡ 1,5m là phải hạ thấp 1 lần bằng cách đào bầu, trồng lại, sâu hơn cũ 20 - 30cm để cho dóng ngắn, lớn chậm, có nhiều quả.
Ông Đỗ Thanh Minh - Xóm trưởng xóm 6 bên những cây cau giống. (Ảnh: Dương Đình Tường)
Ông Đỗ Thanh Minh - Xóm trưởng xóm 6 làng Hoành Đồn cho tôi hay xóm có 156 hộ thì đều có cau cả. Hộ ít là những cặp vợ chồng mới ra ở riêng có chừng 30 - 50 gốc, hộ trung bình 200 - 300 gốc còn hộ nhiều 700 - 800 gốc. Đó là chỉ tính những cây đang cho thu hoạch chứ chưa kể loại đang lớn.
“Nói đến Hoành Đồn là nói đến bãi chăn trâu, đồn trâu, giếng mắt trâu, sông Thiên Tạo và không thể không nhắc đến bốn mùa bát ngát cau xanh. Xưa dân làng hễ trồng một vườn cau là có một giàn trầu ở bên cạnh để gánh lên Hà Nội, gánh xuống Hải Phòng, gánh vào Thanh Hóa bán.
42 năm trước khi tôi mua thổ đất này, ông nội bảo nên trồng cau vì đó là giống cây chưa bao giờ thất bại. Bởi thế, trong vườn nhà tôi hiện có những gốc cau 45 năm tuổi, còn phổ biến là những gốc 40 năm tuổi. Giờ trong xóm nhà ai có vườn rộng thì không cớ gì mà lại không giàu. Năm ngoái giá cau rẻ hơn đã 5 - 7 hộ lãi cả trăm triệu, năm nay giá cau đắt thế thì phải cỡ 15 - 20 hộ có thu như vậy, còn lại thu 50 - 70 triệu là chuyện thường.
Như tôi có hơn 5 sào vườn với hơn 400 gốc cau cộng bán mỗi năm cả vạn cây giống nên năm 2020 lãi cỡ 300 triệu, năm nay ước được 450 triệu. Con gái tôi là Đỗ Thị Nhung có 2,5 mẫu vườn, tầng trên là cau, tầng dưới là ổi, mỗi ngày thu trung bình 2 triệu”...
Niềm vui với vườn cây, ao cá. (Ảnh: Dương Đình Tường)
Không chỉ trồng trong vườn, quanh tường rào mà cau còn được trồng cả hai bên đường với những dong, hoành thẳng tắp để giữa trời nắng gắt mà khách bộ hành như đi lạc giữa màu xanh trong. Chẳng thế mà nguyên Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Huy Ngọ từng phải thốt lên: “Hoành Đồn chỉ được đầu tư 600 triệu để xây dựng nông thôn mới mà các nơi khác có đầu tư cả 6 tỷ cũng chưa được như thế này”. Chẳng thế mà các đoàn khách Mỹ, Nhật đi giữa đôi hàng cau giữa tiết nực mà bỏ hết cả mũ ra để ngắm cho đã mắt những tàng cây cao vút, hít hà cho đẫy phổi mùi thơm dịu ngọt của hương trời rồi nhờ người leo lên tận ngọn cây hái xuống một chùm hoa mà trầm trồ, thán phục.
Một ngôi nhà ở Hải Đường được vây quanh bởi cau. (Ảnh: Dương Đình Tường)
Lão nông hơn 90 tuổi Nguyễn Văn Bình bảo rằng đời mình chứng kiến hai đợt cau đắt: Đắt nhất là hơn 40 năm trước khi 1kg cau khô đổi được 1 chỉ vàng, ông Phạm Văn Liễn lúc đó đã mua mảnh vườn với 5 gian nhà ngói, cột lim chỉ bằng vài yến cau khô. Đắt nhì là 2 năm gần đây, khi 1kg cau khô bán đổi được xấp xỉ 1 phân vàng (1/10 chỉ).
Mới nhai dập dạp miếng kẹo cau mà miệng tôi đã nóng bừng còn đầu thì cứ lâng lâng như người say. Ấy vậy mà chưa bằng cái “say” của cả làng, cả xã Hải Đường với quả cau hiện tại. Lúc tôi đến thì lò sấy của anh Lê Xuân Hiệp đang đỏ lửa và mờ mịt hơi nước. Cau sau khi luộc chừng 1,5 tiếng sẽ được đem sấy trong lò hơi suốt 4 ngày.
Luộc cau. (Ảnh: Dương Đình Tường)
Năm ngoái sản lượng cau của toàn xã Hải Đường khoảng 900 tấn quả tươi, tổng thu cỡ 60 tỷ, còn năm nay sản lượng cũng tương tự nhưng tổng thu sẽ cao hơn. Tuy thế, sản lượng này cũng chẳng thấm tháp là bao so với công suất của các lò sấy nên mùa này đang làm chủ yếu là cau nhập từ Thái Lan. Nhiều chủng loại, lắm chất lượng như vậy nên người bên công ty chế biến của Trung Quốc cứ đến mùa lại về cắm chốt ở xã để giám sát xem có bị trộn hàng, qua mặt hay không.
Cứ 5 tấn cau tươi sẽ cho ra 1 tấn cau khô. Hiệp kể: “Lò của tôi thuộc dạng nhỏ trong tổng số hơn 30 lò của xã. Tháng 5 âm tôi sấy ở miền Tây, tháng 7, tháng 8 sấy ở Tây Nguyên, ở Quảng Nam còn tháng 9 lại về quê.
Cau đưa vào sấy đủ loại, đều bán sang Trung Quốc, thành phẩm 1kg khô rẻ nhất là cau Thái Lan, Myanmar giá 230.000 - 240.000 đồng, cau miền Tây giá 280.000 - 300.000 đồng, cau Quảng Nam, Hải Phòng giá 370.000 - 380.000 đồng, còn cau Hải Hậu giá 450.000 đồng do ngọt và mềm nhất.
Phải chọn mua được nhiều quả loại 1 tức dài 4,3cm chiếm tỷ lệ cỡ 70% trở lên, loại 2 dài 4cm chiếm cỡ 20%, còn loại 3 ngắn hơn 4cm tỷ lệ càng ít càng tốt. Năm ngoái giá cau tươi 40.000 - 50.000 đồng/kg, mỗi tấn sấy lãi 10 - 15 triệu nên lò nhỏ lãi được 400 - 500 triệu còn lò to lãi được đôi, ba tỷ, thậm chí còn hơn. Năm nay cau tươi đắt, lại dính dịch Covid-19 nên xe chở hàng tươi các nơi về ít, xe chở hàng khô lên biên giới cũng gặp khó khăn, mẻ lãi bù mẻ lỗ, các lò đang ở trong tình trạng hòa. Nghề buôn hàng này cũng bấp bênh lắm, có gia đình cách đây mấy năm đã phải bán nhà trả nợ”.
Một hàng rào làm bằng cau và cây xanh. (Ảnh: Dương Đình Tường)
Hiệp từng sang những nhà máy to như khu công nghiệp ở tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc xem chế biến kẹo cau từ thịt quả trộn với mạch nha, bạc hà ăn thay kẹo cao su để chống rét, chống cúm. Mỗi gói kẹo gồm 10 miếng từ 5 quả cau bổ đôi làm từ hàng trộn của các địa phương có giá khoảng 80.000 đồng, nhưng nếu chế từ cau chuẩn của Hải Hậu sẽ có giá 150.000 đồng.
Theo anh Trần Thanh Huyên - Chủ tịch UBND xã Hải Đường, cau chủ yếu trồng trên đất vườn nhưng không thống kê được chính xác diện tích vì toàn dạng xen canh. Nếu cho phép chuyển đổi thì “thả” ra một cái, ruộng lúa hôm nay nhưng ngày mai 100% sẽ thành luống cau hết lượt.
Lý giải 2 năm nay cau đắt, người thì bảo do Trung Quốc nhập về điều chế thuốc chống cúm, người thì bảo vừa rồi Trung Quốc mưa bão trôi hết các kho hàng dự trữ cau khô để làm kẹo nên cầu tăng đột ngột.