>>> Bài 1: Bí ẩn núi “Giời Đánh” và núi “dự báo thời tiết” cạnh đỉnh Fansipan
Trên đỉnh Ngọc Long (Vân Nam, Trung Quốc), những cây chè cổ thụ được người dân địa phương coi như những… vật báu của trời. Họ ngày đêm canh giữ, kiên quyết không cho ai xâm phạm. Các đại gia sẵn sàng bỏ số tiền rất lớn để sở hữu, rồi thuê người canh gác quanh năm suốt tháng, để rồi mỗi năm chỉ thu hái 2 lần, làm ra thứ trà thượng hạng, đắt giá hơn cả vàng ròng.
Thế nhưng, ít người biết, ngay tại Fansipan (Lào Cai), từ tất cả các hướng, đều có những rừng trà cổ thụ mà đến loại trà thượng hạng nhất trên thế giới cũng phải… cúi đầu.
Khi người Nhật… cúi đầu trước trà ngon nhất thế giới ở Hoàng Liên
Là người từng đi nhiều nơi, từng nghe kể nhiều về các loại trà, nên người rừng Trần Ngọc Lâm cũng có chút vốn hiểu biết về trà. Theo ông Lâm, nhiều chuyên gia trà thế giới hay nhắc đến những cây chè ở Assam (Ấn Độ).
Tác giả và ông Trần Ngọc Lâm ở vườn chè gần đỉnh Fansipan.
Tuy nhiên, khi phát hiện những rừng chè bạt ngàn, mọc tự nhiên trong đại ngàn Hoàng Liên Sơn, thì ông Lâm khẳng định rằng, trà ở Hoàng Liên Sơn mới là… cụ tổ của trà Assam.
Đây cũng là điều mà Muteki – một người Nhật từng tận mục sở thị rừng chè Hoàng Liên Sơn cũng phải công nhận.
Chuyện đấy cách nay đã gần 20 năm. Những ngày sống trên đỉnh Fansipan, buồn quá, muốn kiếm thêm chút tiền, ông Lâm đã tranh thủ làm công việc dẫn khách du lịch. Người khách thuê ông ngày đó là anh chàng Muteki, 36 tuổi, kỹ sư người Nhật, giám đốc phụ trách mảng marketing của hãng Sony khu vực châu Á. Vì yêu thích Việt Nam, nên anh ta xin vào trường Đại học Quốc gia, học khoa tiếng Việt. Sau khi kết thúc khóa học, Mutaki tự thưởng cho mình một chuyến leo Fansipan, trước khi về nước.
Buổi tối dựng lều ngủ trên hang đá ở độ cao 2.900m, trời lạnh tê tái, Muketi bỗng bảo thèm chén trà nóng, ông Lâm nhớ đến rừng chè mà ông đã đi qua, ở ngay dưới chân đỉnh Fansipan, nên ông liền bảo: “Tôi đã đi qua vùng Tây Tạng, qua cả Assam của Ấn Độ, đi nhiều vùng chè quý của Trung Quốc và thấy chè ở đó phải gọi chè mọc hoang trong rừng Hoàng Liên Sơn bằng cụ tổ”.
Tác giả bên một cây chè rừng cổ thụ.
Anh chàng người Nhật lôi chiếc máy đo độ cao ra, tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi: “Ý ông nói là trên độ cao 3.000m này có chè?”. Ông Lâm bảo: “Đúng vậy. Chè bát ngát, mọc thành từng cụm nhỏ rải rác khắp các cánh rừng quanh đỉnh Fansipan, đi cả tháng không hết rừng chè”.
Nghe thấy ông Lâm khẳng định về những cây chè to 2-3 người ôm, anh chàng kỹ sư người Nhật cứ trố mắt ngạc nhiên rồi quả quyết: “Thôi, chưa leo Fan vội, đi tìm vườn chè đã”. Thế là, ông Lâm và anh chàng kỹ sư người Nhật vạch rừng đi tìm vườn chè cổ thụ.
Gần một ngày đi cắt ngang đỉnh Fansipan, vừa đi vừa phát đường thì đến vườn chè. Muteki đứng trầm ngâm hồi rất lâu dưới gốc một cây chè có thân chừng một người ôm.
Tưởng anh ta đang nghi ngờ, ông Lâm liền vung dao định chém vào thân cây. Không ngờ anh chàng ngăn lại, bảo: “Đừng làm chè đau. Người Nhật quý cây chè như quý tính mạng con người ấy”. Nói rồi, anh ta dùng móng tay cạy một mẩu vỏ, ngắm nghía, ngửi một lúc, rồi cho vào miệng nhai. Muteki bảo: “Đúng là chè cổ thụ, chè xịn rồi”.
Muteki đề nghị ông Lâm dựng lều và bắt đầu chuyến khám phá thế giới trà Fansipan kéo dài… một tuần trời.
Cây chè cả ngàn năm tuổi.
Hàng ngày, cứ đều đặn, từ sáng sớm tinh mơ, khi sương còn đọng đầy trên lá, ông Lâm lại trèo lên một cây chè, bẻ một cành bằng ngón tay, có cả búp, lá non, lá bánh tẻ và những lá già nhất rồi đun nước, đổ đầy vào chiếc bình ủ trà cho Muteki. Anh chàng người Nhật thưởng thức trà thay cho việc ăn sáng.
Người Nhật có rất nhiều cách dùng trà, nhưng họ thích nhất là chè tươi. Họ thường xay lá trà thành bột, pha với nước nóng, uống cả nước lẫn bã. Cách phổ biến là bảo quản chè lá bằng túi nilon, rút hết không khí. Thậm chí, chè tươi còn được nghiền thành bột và chế biến thành nhiều loại bánh khác nhau.
Muteki cứ ngồi khoanh tròn thưởng thức từng bát trà sóng sánh bốc khói. Đến trưa, ăn qua loa chiếc bánh mì với thịt hộp, lại bắt đầu thưởng trà. Ăn tối xong, lại thưởng trà cho đến lúc đi ngủ. Riêng buổi sáng, trước khi uống trà, anh ta đứng nghiêm trang, hát dõng dạc. Hỏi ra mới biết anh chàng hát Quốc ca của Nhật trước khi thưởng trà.
Sau đúng một tuần, Muteki giở hộ chiếu ra xem thì bảo đã sắp hết hạn, không thể ở Việt Nam lâu hơn được nữa. Thế là hai người xuống núi. Móc túi, được mấy triệu, anh ta đưa hết cho ông Lâm. Ông Lâm không nhận, bảo nhiều quá, nhưng anh ta không nghe, bảo mất có mấy triệu, tính ra bằng một bữa thưởng trà bên Nhật, mà được uống loại chè ngon nhất thế giới suốt cả tuần liền.
Trước khi rời Hoàng Liên Sơn, anh chàng kỹ sư người Nhật Muteki bảo với ông Lâm: “Đây là một rừng chè cổ nhất thế giới, và loại trà này cũng ngon nhất thế giới. Nếu rừng chè này ở bên Nhật, thì nó đã đem lại cho nước Nhật vinh quang lớn rồi. Vườn chè này sẽ mang lại nhiều tỷ đô la mỗi năm nếu đưa vào khai thác”.
Báu vật giữa thâm sâu cùng cốc
Để tận mục sở thị rừng chè trong truyền thuyết, tôi, “người rừng” Trần Ngọc Lâm và kiểm lâm viên Nguyễn Viết Huấn đã quyết định vượt 12km đường rừng. Khi thấy đỉnh Fansipan sừng sững trước mặt, ông Lâm bảo: “Vườn chè đại cổ thụ đây rồi!”. Tôi nhìn mãi mà không thấy cây chè nào cả. Ông Lâm đập tay vào thân một cây cổ thụ bảo: “Cứ gốc cây nào có rêu xanh, thi thoảng tróc rêu lộ ra vỏ trắng, thì đó là chè”.
Tôi ngước nhìn lên một thân chè cổ thụ mà ông Lâm chỉ, nhưng phần ngọn của nó chìm nghỉm trong mây mù, không nhìn rõ lá.
Anh kiểm lâm Nguyễn Viết Huấn đi theo chúng tôi cứ há hốc miệng ngạc nhiên. Huấn bảo: “Em làm kiểm lâm mấy năm nay, quanh năm cuốc bộ trong rừng, cứ tưởng mình đã đi hết, không ngờ lại có một cánh rừng chè cổ thụ khổng lồ ở nơi hoang vu như thế này”.
Ông Lâm dẫn tôi đến gốc một cây chè cổ thụ, chỉ những khúc gỗ, thanh tre mục nát, dùng dao bới lớp rêu xanh lộ ra những vệt than củi đã lâu rồi bảo, đây là nơi ông từng dựng lán cho Muteki ngày nào.
Ông Lâm kể rằng, theo lời của anh chàng mê trà người Nhật, những cây chè mọc trên núi cao, to một người ôm được các nhà khoa học Nhật xác định tuổi đời lên đến vài trăm năm. Còn những cây chè mọc trên núi đá, ở độ cao trên 3.000m trên núi Fansipan này thì độ tuổi của chúng đều phải tính bằng hàng trăm đến cả ngàn năm.
Ở độ cao này, môi trường khắc nghiệt, giá lạnh thấu xương, mùa đông tuyết phủ, nước trong đất cũng đóng băng, cây chè phải luồn rễ sâu vào kẽ đá, đâm sâu vào lòng núi chắt lọc từng chút dưỡng chất, nên lớn rất chậm. Theo tính toán của các nhà khoa học người Nhật, ở môi trường khắc nghiệt, trên độ cao này, mỗi năm đường kính thân cây chè chỉ thêm được 1mm.
Hái chè uống trong rừng rất thú vị.
Khi chúng đã có tuổi ngàn năm, thì gần như không chịu lớn nữa. Các nhà khoa học ở Đại học Nông nghiệp đã từng đo đường kính một số cây chè rừng nhỏ ở ngay Trạm Tôn và nhận thấy suốt 10 năm chúng chẳng lớn lên một chút nào. Trên độ cao hơn 3.000m, khí hậu cực kỳ khắc nghiệt, những cây chè có vòng thân một người ôm, đều có tuổi cả ngàn năm rồi.
Rừng chè đều nguyên sơ, cây chè như những cây rừng, chưa bao giờ có người thu hái, chăm sóc, nên chúng cao chót vót, gốc bám trên đá, ngọn chìm trong mây. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được những cây chè có chạc ở thấp để trèo lên hái lá.
Tôi trèo lên một cây chè người ôm không xuể, bẻ những cành chè nhỏ có đủ cả lá già, lá bánh tẻ, lá non và búp. Ông Trần Ngọc Lâm vạch rừng cắt ngang rừng chè xuống thung lũng một lúc rồi trở về, mang theo vài đoạn ống trúc và đầy mấy chai nước suối.
Ông Lâm đổ đầy nước vào các ống nứa, treo trên ngọn lửa. Nước sôi, chúng tôi thả những lá chè tươi vào ống nứa và đun tiếp. Loài chè trên núi Fansipan lá rất dày, nên phải đun sôi rất lâu các tinh chất của lá chè mới thôi ra nước. Đun sôi cả chục phút, màu nước vẫn vàng nhạt, nhưng khi uống thì cảm nhận rõ vị ngọt đậm và sâu nơi cuống họng.
“Ấm” chè nóng hôi hổi được rót ra những chiếc cốc đẽo bằng ống trúc. Nhấp ngụm chè tươi bốc khói, giữa rừng hoang mây mù lạnh giá, thấy thật tuyệt vời. Tôi có cảm giác, dường như, bao nhiêu tinh hoa của trời đất đều tụ lại trong những chiếc lá chè kia, giờ nó tan ra nước để những kẻ lạc lối giữa rừng hoang như tôi thưởng thức.
Tôi từng nghe một câu phát biểu của một chuyên gia trà người Nhật, khi ông uống bát chè tươi Suối Giàng: “Trong bát nước chè xanh, có đủ 18 vị đầu đẳng của chè ngon trên thế giới”. Tôi cũng đã lên tận Suối Giàng (Yên Bái), ôm những gốc chè cổ thụ vài trăm năm tuổi, uống những bát chè xanh do người Mông nấu bằng nước con suối của Trời và uống loại trà búp phủ lông như tuyết trắng giá bạc triệu một kilogram trong phòng lạnh giữa thành phố.
Thế nhưng, những gì là đặc biệt nhất của chè Suối Giàng hình như chưa thể sánh được với loại chè của đại ngàn Hoàng Liên Sơn. Cũng dễ lý giải thôi, khi những gốc chè Suối Giàng ở độ cao có 1.400m, trong khi, những gốc chè cổ thụ nơi đây mọc ở độ cao tới hơn 3.000m so với mặt nước biển, từ hàng trăm, hàng ngàn năm qua vẫn nhận được tinh túy của đất trời từ đại huyết mạch quốc gia Fansipan.
Ông Lâm bên một cây chè to.
Anh Trịnh Văn Hà, cựu kỹ sư trắc đạc từng tham gia xây dựng cáp treo Fansipan cũng đã từng ngẩn ngơ trước những rừng chè cổ ẩn mình dưới tán rừng Hoàng Liên. Trong giai đoạn khảo sát và xây dựng các cột trụ T3 và T4 của cáp treo ở độ cao hơn 3.000, cánh công nhân, kỹ sư Sun Group phát hiện ra cả một triền núi bạt ngàn những cây chè to mấy vòng tay mới ôm xuể, ngay gần khu vực ga đến ngày nay.
Cả khu vực có diện tích lên tới trên dưới 50ha, nằm khuất sâu giữa đại ngàn ở độ cao từ 3.000-3.200m. Với địa hình bát úp kín gió, lại bị ngăn cách nhau bởi những khe suối nên rừng chè quanh năm đều có mây mù che phủ, tạo nên khung cảnh ma mị.
“Cả khu rừng như một ma trận trùng trùng điệp điệp mà người nào mới vào sẽ không thể tìm được lối ra”, anh Hà nhớ lại.
Cũng do kín gió, nên các cây chè mọc thẳng đứng, vỏ xù xì, rong rêu mọc quanh cây. Lá chè cũng dày và tròn hơn so với các loại chè khác, khi nhai có vị chát lạ hơi nồng và ngọt hậu.
Cánh kỹ sư, công nhân dựng cáp treo ngày ấy mỗi khi đi qua đây thường bẻ một cành dắt theo ba lô, đợi khi lá se lại sẽ phơi 3 nắng, 3 sương cho thật nhàu rồi mới pha uống.
“Chè có vị rất lạ và đặc biệt ngon khi được ngồi thưởng thức trong chính cánh rừng ấy. Chúng tôi rót chè ra ly làm bằng tre nứa, vừa uống, vừa như hít hà tất cả hương của đá núi mây trời xung quanh mình”, anh Hà kể.
Cũng theo anh Hà, có một điều mà đến tận bây giờ anh vẫn chưa giải thích nổi, càng vào sâu trong rừng chè, muỗi, vắt và cả rắn rết vốn là những thứ “đặc sản quái gở” của đại ngàn Hoàng Liên Sơn lại… càng ít.
Ông Lâm thổi sáo gọi vượn.
“Rừng chè cổ như lớp nhụy hoa được bao bọc bởi rất nhiều lớp cánh. Ngoài cùng là những dãy núi vòng cung, vòng trong là rừng gỗ quý mà người H’Mông bản địa thường dùng để làm quan tài. Cuối cùng mới tới bạt ngàn chè cổ. Càng vào sâu lại càng vắng bóng dã thú, côn trùng. Anh em đi rừng cũng đều chọn khu vực lõi này để nghỉ vì… rất bình yên, an toàn”, cựu kỹ sư trắc đạc nhấn mạnh.
Rời vườn chè khổng lồ, thay vì tụt xuống núi, chúng tôi cuốc bộ lên đỉnh Fansipan, rồi ngồi cáp treo đi xuống. Đến cột trụ thứ 2, chúng tôi vẫn thấp thoáng thấy bóng của rừng trà mà Trịnh Văn Hà nhắc. Chúng lẫn vào những tán cổ thụ, ánh lên một màu xanh mơn mởn dưới nắng chiều.
Tôi trộm nghĩ, nếu những búp chè cổ thụ được thu hái vào sớm tinh mơ, rồi được những nghệ nhân sao chè thủ công, ngay khi thu hái trên đỉnh Fansipan này, để du khách được nhâm nhi chén trà, ngắm dãy Hoàng Liên Sơn cùng giang san hùng vĩ, thì hay ho thú vị biết mấy.