Dưới góc nhìn của nhà báo Phạm Ngọc Dương – cây bút đã dành cả chục năm lăn lộn với mọi ngóc ngách rừng Hoàng Liên Sơn, những chuyến Fansipan du ký ấy lần đầu tiên được “lộ sáng”. Đó là quả núi hứng sét, mỏm đá dự báo thời tiết khuất lẩn dưới tán rừng hoặc hàng héc-ta chè cổ vâm vấp vươn mình lên giữa giá băng.
Loạt bài "Những chuyện kỳ lạ chưa kể trên đỉnh Fansipan" chắc chắn sẽ giúp độc giả hiểu hơn về một trong bốn đại huyệt mạch linh thiêng nhất của Việt Nam.
>>> Bài 2: Bí ẩn từ những rừng chè shan tuyết ngàn năm tuổi trên đỉnh Fansipan
Người rừng Trần Ngọc Lâm đặt tên cho đỉnh núi ấy là đỉnh Giời Đánh. Lý do ông gọi đỉnh núi này như thế là bởi hễ mây mù vây kín đỉnh Fansipan, y rằng ngọn núi này chịu trận. Những tia sét sáng lòa phóng xuống, những tiếng nổ như xé toạc bầu trời, đất đá bay mù mịt.
Đây là một hiện tượng kỳ lạ mà tới tận bây giờ “tarzan” Hoàng Liên Sơn Trần Ngọc Lâm vẫn chưa thể giải thích nổi.
Ông Trần Ngọc Lâm trong hang đá ở độ cao 2.900m.
Đỉnh Đầu Rồng dự báo thời tiết của Fansipan
Tôi đã từng có nhiều chuyến leo Fansipan, luồn rừng Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) dài ngày cùng “người rừng” Trần Ngọc Lâm và nhận thấy ông như pho sử sống của dãy núi cao nhất Việt Nam này.
Hơn 20 năm lang thang ẩn dật dưới tán rừng, sống trong hang đá gần đỉnh Fansipan, ông thuộc từng ngóc ngách đệ nhất hùng sơn Tây Bắc. Bao năm đi với ông khám phá đại ngàn, tôi phát hiện ra một hiện tượng thú vị, ấy là khả năng “tiên tri” những vụ cháy rừng ở Hoàng Liên Sơn.
Vụ cháy rừng Hoàng Liên Sơn khủng khiếp nhất vẫn còn trong ký ức người dân nơi đây là năm 2010 và đầu năm 2012. Cả hai vụ cháy tôi đều có mặt và rơi nước mắt khi trước mặt mình là những dải núi đỏ lửa. Và trong cả hai “đại họa” đó, tôi đều vô cùng ngạc nhiên khi ông Lâm “tiên tri” đúng ngày những đám cháy bị dập tắt.
Nhìn lực lượng cứu hỏa vào rừng, ông lắc đầu bảo phí công. Lực lượng cứu hỏa chỉ cứu được những đám cháy nhỏ, ở gần, chứ cháy ở tít trong rừng sâu, trên những mỏm núi cao ngất ngưởng cạnh đỉnh Fansipan hùng vĩ, thì sức người gần như vô nghĩa.
Cuốc bộ cả ngày mới đến địa điểm cháy rừng, nước không có, không hiểu cứu rừng kiểu gì? Không biết lựa chiều gió có khi còn mất mạng. Hôm trực thăng cứu rừng lên Sa Pa, ông Lâm cười bảo: “Máy bay chữa cháy rừng Hoàng Liên chả khác nào bọ xít đái vào đống lửa”.
Quả thực vậy. Máy bay tải được tẹo nước, chả thấm vào đâu, nhưng cánh quạt của nó thì thổi cho ngọn lửa cháy mạnh hơn. Phương án chữa cháy bằng trực thăng thất bại.
Hôm đại ngàn Hoàng Liên Sơn cháy như Hỏa Diệm Sơn, các lực lượng cứu rừng đều đã bó tay cả, ông Lâm dẫn tôi trèo lên vách núi chỗ Trạm Tôn bảo: “Mai rừng sẽ hết cháy. Chúng ta sẽ đi xem những đống than trên dãy Hoàng Liên”.
Kể cũng lạ, đúng hôm sau thì Hoàng Liên Sơn mưa như trút nước, rừng hết cháy. Chả lẽ “người rừng” Trần Ngọc Lâm có tài “hô mưa gọi gió”?
Để khám phá bí mật "tiên tri” này, ông Lâm dẫn tôi vạch rừng Hoàng Liên Sơn theo lối mòn chinh phục Fansipan.
Cuốc bộ nửa ngày giời, đến độ cao 2.600m, nơi loài trúc lùn mọc ken dày, ông Lâm chỉ tôi một mỏm núi, mà theo ông, cao đúng 2.800m về phía Đông so với đỉnh Fansipan. Đỉnh núi đó, nhìn như ngay trước mắt, nhưng phải mất 2 ngày đi bộ, leo dốc mới tới nơi. Ngoài ông Lâm và đàn khỉ, thì chưa có ai đặt chân lên mỏm núi ấy cả.
Ông Lâm đặt tên cho mỏm núi ấy là đỉnh Đầu Rồng, vì trông xa, nó như đầu của con rồng. Còn dãy Hoàng Liên nhô lên thụt xuống như lưng rồng.
Mỏm Đầu Rồng, hay còn gọi là “núi dự báo thời tiết”.
Đỉnh Đầu Rồng chính là “thiết bị dự báo thời tiết” của ông. Ngày nào cũng vậy, trước khi đi rừng, ông đều quan sát đỉnh núi đó để phán đoán thời tiết Hoàng Liên Sơn.
Nếu mỏm Đầu Rồng xuất hiện một đám mây mù đen sì bao quanh, thì y rằng, hôm sau sẽ có mưa. Nếu đám mây mỏng, lơ phơ, màu trắng quấn lấy Đầu Rồng, thì 3-4 ngày sau trời mới mưa.
Những trận mưa dội xuống Fansipan sớm hay muộn phụ thuộc vào độ mỏng hay đậm của lượng mây phủ trên đỉnh Đầu Rồng.
Mưa lớn hay mưa bé, mưa ở khu vực nào, nhìn vào đỉnh Đầu Rồng, ông Lâm cũng đoán biết được. Theo khẳng định của ông, nhìn vào đỉnh Đầu Rồng, ông dự báo thời tiết chính xác đến 90%.
Kinh nghiệm này được ông Lâm rút ra từ hơn chục năm sống trong hang đá trên độ cao 2.900m, gần đỉnh Fansipan, khi mà hàng ngày đỉnh Đầu Rồng hiện ngay trước mắt.
Đỉnh Đầu Rồng ở ngay bên trái đỉnh Fansipan, nên hàng ngày ông đều quan sát nó. Ông cũng truyền lại kinh nghiệm này cho các cán bộ kiểm lâm ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên và các cán bộ kiểm lâm sử dụng để dự báo thời tiết cho mỗi chuyến đi rừng.
Vậy nên, trong mỗi chuyến vào Hoàng Liên Sơn, ông đều ngó xem đỉnh núi đó, rồi mới quyết định có vào rừng hay không. Lúc đang đi rừng, thấy đỉnh Đầu Rồng có “thông tin” báo mưa, là ông giục giã rời núi. Đỉnh Fansipan lạnh giá, gặp mưa lớn, để ướt người và kiệt sức là mất mạng như chơi.
Cũng chính với cách… đoán bệnh giời có một không hai đó, năm 2010, người rừng Trần Ngọc Lâm mới “đọc vị” được trận cháy rừng lịch sử. Ông kể: Đó là giai đoạn bất thường nhất trong suốt 10 năm khi ông không hề thấy một đám mây nào bao phủ đỉnh Đầu Rồng.
Băng vẫn đông cứng trong kẽ đá, nhưng mặt đất thì khô cong, các dòng suối ngừng chảy, lá khô lạo xạo dưới chân người. Vào mùa khô, đồng bào ở các xã xung quanh lại tích cực vào rừng hạ cây, đốt rừng làm nương, rồi sấy thảo quả, đào lò nung gỗ lấy than hoa, nên đã để xảy ra thảm họa cháy rừng khủng khiếp nhất từ trước đến nay, thiêu mất ngót ngàn héc-ta rừng nguyên sinh quý giá.
Vụ cháy rừng đó, sức người là quá nhỏ. Ngọn lửa chỉ dừng lại khi những trận mưa rào như trút nước xảy ra. Đỉnh Đầu Rồng cũng đã báo cho ông Lâm biết về trận mưa lớn đó.
Tác giả và cảnh cháy rừng năm 2012.
Từ nhiều năm nay, ông Lâm vẫn theo dõi đỉnh Đầu Rồng. Nếu trong thời gian dài, đỉnh Đầu Rồng vẫn trong vắt, hiện rõ trước mắt, không có đám mây dù to bằng cái nong quấn quanh, thì nhất định thời tiết khô hanh xảy ra trên một khu vực rộng lớn.
Khi đó, ông Lâm thường thông báo cho lực lượng kiểm lâm. Kiểm lâm sẽ tăng cường quản lý rừng, nghiêm cấm đồng bào đốt nương làm rẫy, cấm khách du lịch đốt lửa trại đêm trên đường chinh phục đỉnh Fan. Vào thời điểm hanh khô, nếu xảy ra cháy rừng, thì số phận đại ngàn Hoàng Liên chỉ còn biết ngóng vào… ông trời.
Điều may mắn là từ năm 2016, cáp treo 3 dây Fansipan được đưa vào hoạt động đã làm thay đổi diện mạo của rừng Hoàng Liên theo một cách tích cực nhất. Phần lớn du khách đã có thể “bay” trên đại ngàn để thu gọn vào tầm mắt cả dải thiên nhiên hùng vĩ.
Hành trình chinh phục nóc nhà Đông Dương cũng trở nên thuận tiện hơn, khiến Sa Pa từ một thị trấn buồn nơi chót cùng Tây Bắc vươn mình trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất Việt Nam. Trên cơ sở đó, cách làm du lịch văn minh, bền vững cũng dần được hình thành. Đồng bào người Mông, Dao, Lô Lô… từ những lũng sâu, bản vắng có thêm cơ hội để đổi đời nhờ du lịch mới.
Cũng từ đây, hiện tượng người dân vào rừng đốt lửa bừa bãi không còn. Vườn quốc gia cũng thở phào vì trút bỏ được gánh nặng đã đeo bám đằng đẵng cả hàng chục năm qua. Người rừng Hoàng Liên Sơn bảo: Chính vì thế, nhiều năm qua, đại ngàn dưới đỉnh Fansipan đã không còn “bốc cháy” nữa…
Fansipan lúc bình minh.
Núi Giời Đánh
Cũng trong những chuyến khám phá Fansipan kỳ vĩ – mạch nguồn linh khí Việt Nam với "tarzan" Trần Ngọc Lâm, tôi còn được chứng kiến núi… Giời Đánh – nơi sét từ trên trời bất thần đổ dồn về, dội xuống một cách đầy… quái gở.
Dẫn tôi tới miệng hang mình trú ngụ ở độ cao 2.900m so với mực nước biển, ông Lâm chỉ cho tôi đỉnh núi vẫn còn nham nhở, chỗ đen, chỗ vàng những vết sẹo lỗ chỗ vết thời gian.
“Núi Giời Đánh đây. Mỗi lúc mây mù vây kín phía Fansipan thì ngọn núi này chịu trận”, ông thủng thẳng kể.
Những tia sét sáng lòa phóng xuống, những tiếng nổ như xé toạc bầu trời và tiếp đó là đất đá bay mù mịt.
Ngọn núi Giời Đánh ở ngay trước mắt ông Lâm, cách hang ông ở chỉ độ 400m theo đường chim bay, nên mỗi khi Thiên Lôi nổi giận lôi đình, đầu ông cũng choáng váng. Cái hang ngay trên hang ông trú ngụ là hang của đàn khỉ. Đàn khỉ cũng chui tọt vào hang tránh sét. Cách hang khỉ một đoạn là gia đình nhà gấu ở, cũng chui hết vào hang để bảo toàn mạng sống.
Nhưng thực tế, chẳng bao giờ Thần Sét giáng sang mỏm núi ông Lâm cùng đàn khỉ và gia đình nhà gấu ở. Theo ông Lâm, có thể mỏm núi Giời Đánh có nhiều kim loại, thu hút các tia lửa điện trong những đám mây dồn tụ ngay đỉnh Fansipan.
“Núi Giời Đánh” đánh nham nhở vì sét.
Tôi háo hức muốn trèo lên tận đỉnh núi Giời Đánh, xem nơi những vết sét đánh nham nhở có kim loại gì không. Sau khi ông Lâm nhìn mỏm Đầu Rồng, biết thời tiết không có mưa, nên dẫn tôi đi. Tuy nhiên, đỉnh Giời Đánh dốc đứng, toàn đá là đá, không thể trèo nổi. Chỉ có những cây dây leo mọc ra từ kẽ đá. Từng mảng núi bị cháy xém vì Thiên Lôi nổi giận rõ mồn một.
Ông Lâm bảo, nhiều lần sét đánh, quả núi bốc hỏa. Nhưng mây vần vũ trên bầu trời, một lát sau thì mưa dội xuống, nên đám lửa lại tắt. Tuy nhiên, năm 1998, đã có một tia sét giáng xuống, lửa bốc lên, nhưng cơn lốc bất ngờ đã cuốn mây đi hết. Không xảy ra mưa, cả ngàn héc-ta đại ngàn Hoàng Liên Sơn đã bị thiêu rụi, để lại hàng loạt “thung lũng chết” trải dọc dãy Hoàng Liên Sơn, dấu tích vẫn còn rõ rệt đến nay.
Cũng theo lý giải của ông Lâm, núi Giời Đánh tồn tại như một cột thu lôi tự nhiên cho nóc nhà Đông Dương gần đó. Cái rốn sét, đỉnh thu sét… này đã khiến cho đỉnh 3.143m luôn ở trong trạng thái an toàn.
>>> Bài 2: Bí ẩn từ những rừng chè shan tuyết ngàn năm tuổi trên đỉnh Fansipan