Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lo việc giỗ chạp là phụ nữ, sao lại ngăn họ thờ bố mẹ đẻ?

(VTC News) -

Thật vô lý và bất công khi phần lớn công việc liên quan đến hương khói đều do phụ nữ chăm lo, nhưng họ lại không được thờ bố mẹ đẻ trong nhà.

Trong thực tế, tôi gặp và nghe kể không ít trường hợp tương tự như trong bài “Vợ không hiểu chuyện, nhất định đòi thờ bố mẹ đẻ ở nhà chúng tôi”. Bản thân mẹ tôi, một phụ nữ nhân hậu, cả đời sống vì người khác, cũng từng có lần tỏ ý chê trách em dâu (nói riêng với bố con tôi chứ không phê phán trước mặt thím) về việc thím ấy lập bàn thờ bố mẹ đẻ trong nhà. Thím có đến 3 anh em trai nên mẹ tôi cho rằng việc này không đúng.

Có thể thấy rằng ngay cả phụ nữ, nhiều người, nhất là thế hệ trước, cũng cho rằng việc thờ bố mẹ đẻ ở nhà chồng, hoặc nhà của hai vợ chồng, chỉ là bất đắc dĩ, là ngoại lệ chỉ được chấp nhận khi không có cách nào khác. Nhiều phụ nữ rất biết ơn nhà chồng khi được phép thờ bố mẹ đẻ, bởi họ coi đó như một ơn huệ chứ không phải quyền đương nhiên thuộc về mình. Trong đời sống thế tục, nam nữ khá bình đẳng, nhưng nếu chuyện liên quan đến tâm linh thì tốc độ biến chuyển luôn chậm hơn.

Ảnh minh họa.

Trải qua bao nhiêu thế hệ cho đến bây giờ, người  lo việc giỗ chạp, cúng quải, hương khói trong nhà chủ yếu vẫn là phụ nữ. Họ là người mua sắm vàng hương, hoa quả, người lau dọn bàn thờ, chuẩn bị cỗ bàn. Người đàn ông trụ cột gia đình chỉ việc ăn mặc tươm tất thắp hương khấn khứa. Thậm chí trong nhiều gia đình, việc này cũng được phụ nữ làm nốt. Thế nên, thật vô lý và bất công khi cha mẹ họ lại không được phép có mặt trên bàn thờ mà họ chăm chút.

Tôi biết nhiều bố mẹ chồng cũng thương con dâu và thông cảm với nỗi niềm báo hiếu của con dâu lắm, chỉ là sợ nếu đồng ý đặt bát hương thông gia trên bàn thờ nhà mình thì tổ tiên trách phạt.

Tôi không bàn đúng sai về niềm tin tâm linh, tuy nhiên người Việt Nam có câu “Trần sao âm vậy”. Thế giới người sống đã nhiều thay đổi, vậy hãy nghĩ rằng xã hội “dưới kia” cũng thế, cũng ngày càng văn minh tiến bộ, suy nghĩ thoáng hơn.  “Các cụ” còn biết dùng iPhone, lái ô tô mà con cháu đốt xuống, nên cũng có thể suy nghĩ cởi mở hơn về chuyện họ nội họ ngoại lắm chứ.

Chúng ta chỉ cần làm những việc chúng ta thấy tốt, thấy nhân văn, đem lại niềm vui và sự bình an cho người thân của mình thì làm gì mà “các cụ” chẳng ủng hộ? Tổ tiên nào cũng muốn con cháu mình hạnh phúc, chồng vợ thuận hòa?

Mọi chuyện không thể biển chuyển trong ngày một ngày hai, nhưng tôi hy vọng khoảng 10 năm sau sẽ không còn người phụ nữ nào còn phải đau buồn vì bị ngăn cản thờ bố mẹ đẻ trong nhà chồng nữa.

Bạn có đồng ý với quan điểm trên, hãy chia sẻ ở box bình luận phía dưới

Trần Lâm (Độc giả)

Tin mới