Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lo người giả nghèo mua nhà thu nhập thấp

Chủ trương nhà thu nhập thấp có tính chất nhân văn cao, song một số chuyên gia cho rằng xác định lương cũng như thu nhập thực của người dân là một bài toán khó.

Chủ trương nhà thu nhập thấp có tính chất nhân văn cao, song một số chuyên gia cho rằng xác định lương cũng như tổng thu nhập thực của người dân là một bài toán rất phức tạp.


Câu chuyện bán nhà thu nhập thấp sai đối tượng một lần nữa lại được đề cập tại diễn đàn nhà ở do Viện Kiến trúc Quốc gia tổ chức ngày 10/7. Tiến sĩ Lê Đình Tri, nguyên Phó vụ trưởng Vụ kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng) cho rằng mục tiêu tạo điều kiện cho người khó khăn tiếp cận dễ hơn với nhà ở là hết sức nhân văn. Tuy nhiên, hiện giá nhà tại một số dự án vẫn còn cao.



Khu nhà ở xã hội tại Dương Nội, Hà Đông (Ảnh có tính chất minh họa)

Thêm vào đó, ông Tri cho rằng thực tế đã có chuyện nhiều người mượn danh không có thu nhập để mua nhà. Thực tế này một phần do việc xác định người có thu nhập thấp là rất khó khăn, nếu chỉ căn cứ vào mức lương không phải nộp thuế thu nhập.

“Khoản này ai cũng biết. Nhưng cái không phải là lương hay còn gọi thu nhập ngoài rất bí ẩn. Sợ nhất là người mua nhà có thể rơi vào nhóm người giả nghèo giả khổ”, ông Tri chia sẻ.



Lời nhắc nhở của ông Tri khiến nhiều đại biểu nhớ lại câu chuyện không ít khách hàng đi ôtô xếp hàng mua một dự án nhà thu nhập thấp ở Hà Đông (Hà Nội) vào thời điểm năm 2010. Thậm chí có trường hợp, dù hãn hữu vẫn làm doanh nghiệp đau đầu, là sau khi xếp hàng mua nhà, “thượng đế” lại bỏ không căn hộ.



Theo quy định, đối tượng có diện tích bình quân thấp dưới 8m2 mỗi người, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ được mua nhà thu nhập thấp. Ông Nguyễn Thành Công, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội Hà Nội thừa nhận, việc xác định lương người thu nhập thấp để hướng chính sách hỗ trợ nhà ở là một bài toán rất khó. Bởi vậy, việc Bộ Xây dựng cho thêm tiêu chí nhà ở có diện tích dưới 8m2 sẽ hạn chế phần nào được việc chi sai đối tượng.



Cũng theo ông Công, để giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước, các trường đại học dân lập, quốc lập cần tìm cách lo chỗ ở cho những đối tượng như học sinh, sinh viên. “Nhà nước chỉ dùng lực tạo điều kiện cho người lao động nghèo có thể dễ tiếp cận nhà ở”, ông Công đề xuất.



Tại hội nghị, một số ý kiến đề xuất nên để người mua tham gia vào quá trình thiết kế nhà ở thu nhập thấp để mô hình này sâu sát với thực tế hơn. Lấy kinh nghiệm từ Mỹ, ông Trần Ngô Đức Thọ, Nghiên cứu sinh Chương trình Tiến sĩ về Khoa học vùng và đô thị, Đại học Texas A&M (Mỹ) cho rằng, cần thiết để người dân tham gia vào thiết kế nhà ở cho người thu nhập thấp.



 

Nhiều ý kiến đề xuất nên để người dân tham gia vào quá trình thiết kế nhà thu nhập thấp.

Ở các nước khác, tiếng nói của người dân vào công cuộc xây dựng nhà thu nhập thấp càng lớn, tỷ lệ thành công càng cao. Ông dẫn chứng, đơn cử như ở Thái Lan, nhà ở được thiết kế dưới dạng tầng một là cửa hàng, tầng hai là sân phơi quần áo. “Chính người dân mới biết họ cần gì trong ngôi nhà của mình, kiến trúc sư đâu biết nhu cầu thực sự của mỗi hộ dân”, ông Thọ nói.



Tâm huyết với chủ trương xây nhà thu nhập thấp, nhiều đại biểu chia sẻ kinh nghiệm xây nhà trên thế giới. Tại nhiều nước, mô hình “mini flat” với diện tích khoảng 15-20m2 được thiết kế thông minh và vẫn đáp ứng được nhu cầu số đông.



Thậm chí ở Nhật có những phòng được thiết kế 5m2 với không gian thông minh vẫn rất vừa vặn với người sử dụng.Với Mỹ, quốc gia có tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo lớn, 99% người dân thích mua nhà trả góp - khác hẳn thói quen thích “mua đứt bán đoạn” của người Việt.



Cơ quan quản lý nước này chia ra các nhóm đối tượng thu thu nhập thấp thuộc diện khó khăn, rất khó khăn để đưa ra các hình thức hỗ trợ phù hợp. Đối với mỗi nhóm, Chính phủ Mỹ có chính sách “may đo” khác nhau.



Bà Phạm Thúy Loan, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, không cần thiết phải quá cầu kỳ xây nhà thu nhập thấp hàng trăm triệu đồng bởi mỗi đối tượng sẽ có nhu cầu nhà ở khác nhau.



Theo bà Loan, đối với trường hợp vô gia cư, người lao động nghèo chỉ cần có túp lều chui ra chui vào cũng là hạnh phúc. “Xây một túp lều chỉ cần mảnh đất 10-20 m2 với giá 20 triệu đồng. Ai có thể nói túp lều không phải là một tổ ấm”, bà Loan thẳng thắn.



Vị Phó viện trưởng dẫn chứng, người nghèo có thể không mua được nhà ngay nhưng có thể sở hữu nhà ở thông qua hình thức trả góp.



Tại một số quốc gia, tiêu biểu như Thái Lan, Campuchia, hộ gia đình khó khăn có thể sử dụng nhà ở phát triển từ cộng đồng. Những người không có việc làm ổn định, không có thu nhập có thể vay vốn thông qua hình thức tín chấp nhờ sự xác thực từ cộng đồng địa phương



“Những người dân sống ở khu ổ chuột đang lẩn khuất ở đâu đấy mà chúng ta không nhìn thấy, bởi vậy rất cần sự hỗ trợ để họ có thể tiếp cận được nhà ở”, bà Loan chia sẻ.


Theo VNE

Nguồn:

Tin mới