Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lô hàng điều bị lừa khó bán, doanh nghiệp đang chịu phí phát sinh lớn

(VTC News) -

Sáng 17/3, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều (Vinacas) trả lời VTC News về 36 container hạt điều xuất khẩu Italia nguy cơ bị lừa đảo.

- Với sự vào cuộc ráo riết của các cơ quan chức năng, số phận 36 container xuất khẩu Italia nguy cơ bị lừa sẽ thế nào, thưa ông?

Trong 36 container thì có 8 đã cập cảng Italia, vài container đang ở cảng Singapore và còn hơn 20 container đang trên đường cập cảng Italia trong tháng 3 này.

Khi sự việc xảy ra, Vinacas đã nhanh chóng gửi đơn kiến nghị các cơ quan chuyên môn bằng những biện pháp cụ thể hỗ trợ Vinacas và các doanh nghiệp xử lý thành công vụ việc với mục tiêu: giữ lại các lô hàng đang nằm tại cảng và sẽ đến cảng; không giải phóng hàng cho người nhận ngay cả trong trường hợp họ trình vận đơn gốc; cho phép các doanh nghiệp Việt Nam được nhận lại hàng.

Đặt giải thuyết, dưới sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, các container hàng này được giải phóng an toàn thì doanh nghiệp Việt Nam được bảo toàn quyền sở hữu. Nhưng do được xác định trong vụ việc này, khách hàng là giả tạo, lừa đảo nên doanh nghiệp đang phải tìm các khách hàng khác để bán. Tuy nhiên, việc tìm khách hàng mới rất khó khăn, bởi họ không có nhu cầu mua hàng cao cấp. Dù có chào mời thì nhiều khả năng khách cũng không mua, hoặc có mua thì trả giá rất thấp.

100 container điều chuẩn bị xuất khẩu sang Italia là loại hàng cao cấp, giá trị cao hơn các loại hàng khác. Thời điểm này, khách có nhu cầu mua loại hàng hóa cao cấp là rất ít. Mà khi càng khó bán thì doanh nghiệp càng dễ bị ép giá thấp. 

Trong khi đó, doanh nghiệp mỗi ngày lại phát sinh rất nhiều chi phí.

Phó Chủ tịch thường trực Vinacas Bạch Khánh Nhựt.

- Cụ thể là  doanh nghiệp đang chịu những chi phí gì?

Nếu những container hàng hóa này đã cập cảng Italia mà không bị mất thì chúng vẫn nằm tại cảng để chờ người mua. Trong quá trình đó, sẽ phát sinh chi phí lưu container, lưu bãi tại nơi mà hàng hóa đang nằm. Chi phí này tại các bãi ở châu Âu thường rất cao, vì thế thời gian hàng bị phong tỏa càng lâu thì càng tốn nhiều tiền.

Còn nếu lô hàng không bán được, phải đem vận chuyển ngược về Việt Nam thì cước vận chuyển từ Việt Nam đi Italia là 14.000 USD/container và chi phí lượt về chưa xác định được cụ thể vì chưa có tiền lệ, nhưng cũng phải tương đương như thế.

Rồi khi về Việt Nam, với số lượng hàng hóa cao cấp đó thì không thể nào tiêu thụ hết được ở nội địa. Theo thống kê, tỷ lệ tiêu thụ nội địa chỉ chiếm vài % trong đó, nên cuối cùng vẫn phải tìm khách đi bán đi và phải tốn thêm một chuyến tàu vận chuyển nữa.

Còn giả sử nếu xuất nhập khẩu một lô hàng thì nó còn nhiều chi phí phát sinh khác. Ví dụ hàng hóa này bán sang một nước khác ngoài Italia thì phải phụ thuộc vào yêu cầu của hải quan, các điều kiện của nước nhập khẩu hàng hóa về chi phí kiểm tra theo quy định hàng bất thường, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm tra về dịch tễ… Do đây là lô hàng mua bán đột xuất chứ không phải lô hàng đăng ký từ trước, có kế hoạch trước, đã có tờ khai hải quan hay hợp đồng từ trước…

Đó là những thông tin mà doanh nghiệp đang rất lo lắng.

- Các bộ ngành, cơ quan chức năng đã vào cuộc hỗ trợ, xử lý thế nào, thưa ông?

Sau khi sự việc xảy ra, Hiệp hội đã làm việc với các doanh nghiệp và có báo cáo gửi Chính phủ, các bộ ngành đề nghị tháo gỡ. Thủ tướng cũng mới có chỉ đạo 5 bộ, ngành vào cuộc hỗ trợ giải quyết là Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông Vận tải và Ngân hàng Nhà nước.

Hiện các hệ thống mua bán, môi giới, rồi các doanh nghiệp ở trong nước vẫn đang giúp tìm cách bán giùm. Các tham tán thương mại ở châu Âu cũng đang tích cực tìm kiếm giúp đối tác để hỗ trợ tiêu thụ. Tuy nhiên, vẫn chưa có một thông tin tốt lành nào.

8 container hàng đã cập cảng ở Italia và đã được Hải quan, chính quyền sở tại không cho bất cứ doanh nghiệp nào lấy hàng, kể cả nếu doanh nghiệp nước ngoài nào đó có bộ chứng từ gốc. Có nghĩa là các tham tán thương mại, lãnh sự thương mại, mà trực tiếp là tham tán thương mại trực thuộc Bộ Công Thương đã tích cực hỗ trợ, trực tiếp xử lý vấn đề này.

Doanh nghiệp Việt Nam đang mất kiểm soát đối với 36 container hạt điều xuất khẩu sang Italia.

Bộ thứ hai có liên quan hỗ trợ cao nhất hiện nay là Bộ Công an. Bởi vì hiện nay có nhiều câu hỏi đặt ra là bộ chứng từ mất ở đâu? Mất ở giai đoạn nào? Điều này chỉ còn cách nhờ Interpol quốc tế can thiệp. Muốn vậy, rất cần sự vào cuộc can thiệp của Bộ Công an.

Bộ Công an cũng hỗ trợ tích cực về mặt pháp lý. Chẳng hạn như lô hàng này mà đưa kiện ra Tòa án, Bộ Công an sẽ có những văn bản, đề xuất thì Tòa án quốc tế sẽ rất hợp tác nhanh chóng và chặt chẽ hơn. Trong trường hợp doanh nghiệp, hoặc Vinacas gửi đơn đến Tòa án thì họ còn phải đi tìm hiểu, xác minh và vẫn phải thông qua công an để xác minh.

Cuối cùng là vai trò của Bộ Giao thông Vận tải. Bởi vì hiện nay hàng hóa còn nằm trên tàu khá nhiều. Các hãng tàu là đơn vị giao nhận hàng đều có văn phòng đại diện tại Việt Nam hết, nên phải nhờ Bộ Giao thông Vận tải làm việc với các hãng tàu. Từ đó, yêu cầu họ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đang bị lừa đảo, ví dụ như hỗ trợ câu lưu hàng hóa trên tàu hoặc  không cho phép chủ sở hữu khác đang giữ bộ chứng từ đó được lấy hàng hóa.

Nói chung, hiện nay các bộ đã quyết liệt vào cuộc để hỗ trợ.

 Sau sự việc này, Vinacas khuyến cáo doanh nghiệp thế nào cho những đơn hàng xuất khẩu sau?

Ngay khi sự việc được giải quyết tạm ổn hoặc kết thúc, hiệp hội sẽ tổ chức một hội nghị cho tất cả các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều để rút kinh nghiệm với những nội dung quan trọng:

Đầu tiên là phải tìm hiểu kỹ về người môi giới hoặc công ty môi giới cho mình.

Tìm hiểu kỹ các khách hàng mà mình dự định giao dịch là người nước ngoài.

Tìm hiểu kỹ ngân hàng được chỉ định thực hiện giao dịch với mình ở mức độ uy tín như thế nào, có được phép giao dịch quốc tế hay không?

Nếu giả sử trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam không có đủ điều kiện để tìm hiểu thông tin một cách chính xác nhất thì Vinacas sẽ có trách nhiệm liên hệ với tham tán thương mại ở các nước mà doanh nghiệp Việt đang có nhu cầu giao dịch để tìm hiểu giúp.

- Xin cảm ơn ông!

PHẠM DUY

Tin mới