Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cập nhật tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 197 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Một số doanh nghiệp có nợ phải thu lớn
Tổng tài sản mà khối doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ nắm giữ là là 663.571 tỷ đồng. Theo báo cáo hợp nhất, tổng các khoản phải thu là 66.214 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 9.392 tỷ đồng, chiếm 14% tổng các khoản phải thu và các doanh nghiệp này đã thực hiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi với giá trị là 7.086 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp thua lỗ trong năm 2021 do đại dịch COVID-19. (Ảnh: Hoàng Hà)
Một số doanh nghiệp có tổng doanh thu theo báo cáo hợp nhất đạt cao (trên 5.000 tỷ đồng) như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (170.968 tỷ đồng); Tập đoàn Bảo Việt (46.511 tỷ đồng); Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (29.752 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Cao su (28.065 tỷ đồng); Tổng công ty Lương thực Miền Nam (16.714 tỷ đồng); Tổng công ty Hàng hải (14.298 tỷ đồng); Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (9.999 tỷ đồng); Tổng công ty Cảng hàng không VN (8.015 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (7.116 tỷ đồng); Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (7.109 tỷ đồng); Tổng công ty Phát triển Khu công nghiệp (5.563 tỷ đồng).
Lãi phát sinh trước thuế của khối doanh nghiệp này theo báo cáo hợp nhất là 30.404 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2020.
Dù vậy, một số doanh nghiệp có nợ phải thu lớn như: Tập đoàn Bảo Việt (9.303 tỷ đồng); Tập đoàn Xăng dầu VN (7.626 tỷ đồng); Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp - Becamex (5.260,7 tỷ đồng); Vietnam Airlines (5.102,7 tỷ đồng); Tổng công ty Lắp máy VN (4.167 tỷ đồng); Tổng công ty Cảng hàng không (3.931 tỷ đồng); Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (3.799 tỷ đồng).
Trong đó, 4 công ty mẹ có nợ phải thu khó đòi lớn (trên 1.000 tỷ đồng) gồm: Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam là 1.630 tỷ đồng (đã trích lập dự phòng 495 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Nam là 1.336 tỷ đồng (đã trích dự phòng 1.336 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Lắp máy Việt Nam là 1.207 tỷ đồng (đã trích dự phòng 1.206 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su là 1.071 tỷ đồng (đã trích dự phòng 664 tỷ đồng).
Tổng vốn chủ sở hữu của khối này, theo báo cáo hợp nhất là 247.101 tỷ đồng, tương đương năm 2020. Trong đó, vốn nhà nước góp là 156.069 tỷ đồng, duy trì tương đương năm 2020, trung bình chiếm 83% tổng vốn điều lệ.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc nắm giữ tỷ lệ chi phối tại các doanh nghiệp sau khi thực hiện cổ phần hóa, chuyển đổi thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên chủ yếu tập trung tại các tập đoàn, tổng công ty lớn và các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích sau khi thực hiện chuyển đổi.
Tuy nhiên, báo cáo thừa nhận vẫn còn có một số doanh nghiệp sau khi chuyển đổi hoạt động chưa hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nên không bảo toàn được vốn chủ sở hữu. Đó là: Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam - Đài truyền hình Việt Nam, Nhà nước nắm giữ 50,26% vốn điều lệ (âm vốn chủ sở hữu 3.551 tỷ đồng), tăng 11% so với năm 2020; Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ khí Xây dựng, Nhà nước nắm giữ 98,76% vốn điều lệ (âm vốn chủ sở hữu 52 tỷ đồng), giảm 3% so với năm 2020; Công ty CP bóng đá Xuân Thiện Nam Định, Nhà nước nắm giữ 89,4% vốn điều lệ (âm vốn chủ sở hữu 17 tỷ đồng), tăng 127% so với năm 2020…
Tổng công ty Lương thực Miền Nam cũng có số lỗ lớn, lên tới vài nghìn tỷ đồng. (Ảnh: Asia Times)
Lộ diện loạt doanh nghiệp lỗ nặng
Liên quan đến các khoản lỗ phát sinh của khối doanh nghiệp này, Chính phủ cho biết: Theo báo cáo hợp nhất, có 23/197 doanh nghiệp (chiếm 12%), giảm 18% về số lượng so với năm 2020 với tổng số lỗ phát sinh là 13.757 tỷ đồng.
Trong đó, một số doanh nghiệp có vốn nhà nước có số lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất lớn như: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (12.965 tỷ đồng); Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (342 tỷ đồng); Tổng công ty Lương thực Miền Nam (298 tỷ đồng); Công ty CP Phà An Giang lỗ phát sinh 30 tỷ đồng...
Tính riêng công ty mẹ, báo cáo cho hay có 2 công ty mẹ có lỗ phát sinh với giá trị là 12.185 tỷ đồng. Bao gồm: Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (11.833 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Nam (352 tỷ đồng).
Còn tính lỗ lũy kế, theo báo cáo hợp nhất có 38/197 doanh nghiệp (chiếm 19%) với tổng số lỗ lũy kế là 33.143 tỷ đồng.
Tính riêng công ty mẹ, có 5 công ty mẹ có lỗ lũy kế với giá trị là 22.715 tỷ đồng. Gồm: Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam lỗ lũy kế 18.871 tỷ đồng (năm 2020 lỗ lũy kế 7.022 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực Miền Nam lỗ lũy kế 2.652 tỷ đồng (năm 2020 lỗ lũy kế 2.300 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Hảng hải VN lỗ lũy kế 887 tỷ đồng (năm 2020 lỗ lũy kế 1.117 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tổng công ty Cơ khí xây dựng lỗ lũy kế 302 tỷ đồng (năm 2020 lỗ lũy kế 303 tỷ đồng)...