Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Doanh nghiệp thua lỗ từ trước COVID-19 vẫn kiến nghị ngân hàng hỗ trợ

Ngân hàng Nhà nước đánh giá trước tác động của dịch COVID-19, các tổ chức tín dụng đã chủ động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp nhưng bản thân cũng gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước về kết quả triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19 cho biết đến cuối tháng 4, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho tổng dư nợ hơn 130.960 tỷ đồng với hơn 215.000 khách hàng.

Cùng với đó, hệ thống ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay tới 2% so với thời điểm trước dịch. Thậm chí, nhiều ngân hàng có mức giảm sâu lãi suất từ 2,5% tới hơn 4%. Tổng dư nợ miễn, giảm, hạ lãi suất đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng cho 259.300 khách hàng.

Các tổ chức tín dụng cho vay mới lãi suất thấp với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630.470 tỷ đồng cho 182.800 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.

Khó khăn của hệ thống ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đánh giá trước tác động của dịch bệnh, ngành ngân hàng đã chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, cho nền kinh tế, tuy nhiên các tổ chức tín dụng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Cụ thể, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh thì ngân hàng cũng chịu hậu quả nặng nề khi doanh nghiệp không trả được nợ, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống tín dụng.

Nhiều doanh nghiệp đã phát sinh nợ quá hạn vì kinh doanh thua lỗ xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan trước khi dịch bệnh xảy ra, không đủ điều kiện để các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 nhưng vẫn liên tục kiến nghị đến ngành ngân hàng, tạo áp lực cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Mặc dù các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, nhưng do nhu cầu tín dụng của khách hàng sụt giảm nên tín dụng những tháng đầu năm 2020 có tốc độ tăng thấp hơn so với các năm trước.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự linh hoạt trong bối cảnh “bình thường mới”, chưa có phương án chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong việc thẩm định, quyết định cho vay mới.

Nhiều doanh nghiệp tạo áp lực cho hoạt động của các tổ chức tín dụng. 

 

Chủ động cân đối vốn cho các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục định hướng điều hành lãi suất một cách chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường, mục tiêu chính sách tiền tệ, đặc thù hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng ổn định và giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai có kết quả, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất các khoản vay hiện hữu, cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Song song đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối vốn để sẵn sàng đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc; tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.

Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng để có phương án điều hành nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn phù hợp hỗ trợ hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Nguồn: Zing News

Tin mới