Nhà sản xuất Pfizer-BioNTech bất ngờ thông báo rằng, họ kế hoạch xin cấp phép cho mũi tiêm nhắc lại ở Mỹ. Điều này làm dấy lên lo ngại trong công chúng về hiệu quả của vaccine COVID-19 đối với biến thể Delta dễ lây lan.
Pfizer cho biết họ dự kiến sẽ xin cấp phép mũi tiêm nhắc lại trong những tuần tới do khả năng chống lại virus SARS-CoV-2 của vaccine sẽ mất dần từ 6-12 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ với phác đồ 2 liều vaccine hiện tại.
Một số chuyên gia vaccine hàng đầu thế giới cho rằng, kế hoạch tiêm mũi nhắc lại của Pfizer là quá vội vàng. Họ lưu ý rằng tất cả các bằng chứng đều cho thấy vaccine Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson hiệu quả mạnh mẽ trong việc chống lại SARS-CoV-2.
Trong một tuyên bố chung, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) phản đối thông báo của Pfizer, lưu ý rằng các quan chức y tế công cộng sẽ đưa ra quyết định về việc tiêm nhắc lại, chứ không phải các công ty dược phẩm tư nhân.
“Những người Mỹ tiêm chủng đầy đủ không cần tiêm nhắc lại vào thời điểm này. Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho các liều tăng cường chỉ khi khoa học chứng minh rằng chúng cần thiết”, tuyên bố cho biết.
Một người phụ nữ tiêm vaccine Pfizer ở Israel. (Ảnh: AFP)
Mặc dù vậy, công chúng liên tục tìm kiếm thông tin về mũi tiêm nhắc lại trong bối cảnh lo ngại về sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và nguy cơ lây nhiễm đột phá ở những người đã tiêm chủng.
Bộ Y tế Israel hôm 5/7 cho biết, họ sẽ bắt đầu cung cấp liều vaccine Pfizer thứ ba cho người trưởng thành bị suy giảm hệ miễn dịch, gồm cả bệnh nhân ung thư và cấy ghép nội tạng. Đây là bước đầu tiên của Israel trong kế hoạch hướng tới việc tiêm vaccine tăng cường cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Vì sao Pfizer tính tiêm mũi thứ 3?
Tất cả các công ty sản xuất vaccine đã nghiên cứu các mũi tiêm nhắc lại trong nhiều tháng, đề phòng trường hợp cần thiết trong tương lai. Tuy nhiên, thông báo mũi tiêm nhắc lại sẵn sàng để xin phê duyệt của Pfizer gây bất ngờ.
Trong một thông cáo báo chí, Pfizer-BioNTech trích dẫn dữ liệu gần đây từ Bộ Y tế Israel thông báo rằng dù vaccine hiệu quả khoảng 93% trong việc ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng và nhập viện do COVID-19, nhưng chỉ hiệu quả khoảng 64% trong việc ngăn chặn lây nhiễm đột phá hoặc lây nhiễm ở người đã tiêm chủng đầy đủ, có hoặc không có triệu chứng. Con số này giảm so với khoảng 95% vào tháng 5, trước khi biến thể Delta khả năng lây nhiễm cao lưu hành ở nhiều nơi.
Các nghiên cứu khác từ Anh, Scotland và Canada cho thấy, vaccine Pfizer vẫn có hiệu quả khoảng 80-88% chống lại biến thể Delta.
Pfizer cho biết, việc tiêm nhắc lại sau khi tiêm liều vaccine thứ hai 6 tháng sẽ tăng gấp 5-10 lần hiệu lực của kháng thể chống lại chủng SARS-CoV-2 phiên bản gốc và biến thể Beta được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi. Họ tin rằng vaccine tăng cường sẽ hoạt động tương tự đối với biến thể Delta.
“Dựa trên dữ liệu có sẵn cho đến nay, chúng tôi tin rằng có thể cần tiêm liều vaccine thứ ba trong vòng 6-12 tháng sau khi tiêm chủng đầy đủ”, Pfizer cho biết.
Quan điểm của chuyên gia sức khỏe cộng đồng
Một số chuyên gia sức khỏe công cộng chỉ trích thông báo của Pfizer. Giám đốc khoa học của Pfizer đã gặp các nhà khoa học hàng đầu của Mỹ để thảo luận. Sau cuộc gặp, các quan chức cho biết cần thêm dữ liệu cần thiết để xác định có cần tiêm vaccine tăng cường hay không.
“Pfizer không quyết định khi nào chúng ta cần tiêm liều tăng cường, FDA, CDC và các cơ quan quản lý khác sẽ làm điều đó. Dữ liệu cần được công bố công khai và minh bạch”, Tiến sĩ Carlos del Rio, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Emory (Mỹ), cho biết.
Ông del Rio lưu ý rằng dữ liệu từ Israel cho thấy, vaccine vẫn có hiệu quả cao trong việc bảo vệ con người khỏi mắc bệnh nghiêm trọng. “Thay vì nghiên cứu về mũi tiêm nhắc lại, nên tập trung vào việc tiêm chủng cho những người chưa được tiêm vaccine”, Tiến sĩ Carlos del Rio nói.
“Nếu bạn đã tiêm vaccine, bạn không cần để tâm nhiều tới liều tăng cường. Những người cần lo lắng là những người chưa được tiêm chủng. Việc tiêm mũi tăng cường là để có nhiều người hơn được tiêm vaccine. Càng nhiều người được tiêm chủng, khả năng lây truyền virus càng thấp”, ông del Rio nói.
Giáo sư Paul A. Offit tại Đại học Pennsylvania và là thành viên ban cố vấn vaccine của FDA, cho biết, mặc dù điều quan trọng là phải nghiên cứu tính an toàn và hiệu quả của liều tăng cường để chuẩn bị cho trường hợp cần thiết, những bằng chứng hiện tại cho thấy vaccine vẫn có hiệu quả chống lại Delta và các biến thể khác.
Biến thể Delta hiện chiếm hơn 1/2 số ca lây nhiễm SARS-CoV-2 ở Mỹ. Đây thực thực sự là mối đe dọa đối với những người chưa tiêm chủng. Mặc dù vaccine Pfizer và những loại vaccine khác đang được sử dụng ở Mỹ giảm hiệu quả một chút trước biến thể Delta, nhưng chúng vẫn cung cấp khả năng bảo vệ đáng kể khỏi mắc bệnh nghiêm trọng hoặc nhập viện do COVID-19.
Moderna cho biết, các nghiên cứu sử dụng mẫu máu của những người đã tiêm chủng cho thấy vaccine vẫn có hiệu quả cao đối với biến thể Delta, chỉ “giảm nhẹ” ở các kháng thể chống lại virus trong các mẫu. Johnson & Johnson đã đưa ra 2 nghiên cứu cho thấy vaccine của họ vẫn có hiệu quả chống lại biến thể Delta dù hiệu quả giảm một chút.
Ai sẽ tiêm liều vaccine thứ ba?
Do nhiều nơi trên thế giới tỷ lệ tiêm chủng rất thấp và nguồn cung cấp vaccine còn hạn chế, hầu hết các chuyên gia y tế công cộng cho rằng việc tiêm liều bổ sung cho những người tiêm chủng đầy đủ ở những nước giàu là điều chưa thực sự cần thiết.
Tại Mỹ, gần 50% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Nhưng ở Ấn Độ, chỉ khoảng 5% dân số đã tiêm chủng đầy đủ. Tại phần lớn khu vực châu Phi, chưa tới 1% người dân được tiêm vaccine. Mối lo ngại hiện tại là vẫn còn nhiều nơi trên thế giới chưa được tiêm chủng và sự xuất hiện của các biến thể mới.
Các quan chức y tế liên bang có thể sẽ cung cấp vaccine bổ sung cho những người dễ bị tổn thương với hệ thống miễn dịch kém. (Ảnh minh họa: TIME)
“Cuộc sống của người Mỹ tiếp tục bị đe dọa nếu có những đợt bùng phát lớn ở những nơi khác với sự xuất hiện của nhiều biến thể hơn”, Tiến sĩ Ashish K. Jha, trưởng khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Brown, cho biết.
Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phản đối kế hoạch của Pfizer nhằm xin cấp phép cho các mũi tiêm nhắc lại. “Ưu tiên bây giờ là tiêm chủng cho những người chưa được tiêm bất kỳ liều vaccine nào”, ông Ghebreyesus nói.
Một số quốc gia đã và đang tiêm các liều vaccine tăng cường cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch, gồm cả những người đã trải qua điều trị ung thư hoặc đã cấy ghép nội tạng. Kể từ tháng 4, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Pháp đã thường xuyên tiêm mũi thứ ba của loại vaccine 2 liều cho những người có hệ miễn dịch kém. Israel cũng thông báo sẽ tiêm liều vaccine thứ ba cho những người trưởng thành dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, Moderna đang chuẩn bị thử nghiệm tiêm liều thứ ba cho 120 người ghép tạng và Pfizer đang lên kế hoạch nghiên cứu 180 người lớn và 180 trẻ em có hệ miễn dịch kém.
Theo NY Times, ước tính có khoảng 5% dân số được cho là bị suy giảm hệ miễn dịch do tình trạng sức khỏe hoặc do điều trị bằng thuốc. Mặc dù sẽ mất vài tháng trước khi mũi tiêm nhắc lại được khuyến nghị cho người dân, nhưng nếu có, các quan chức y tế liên bang có thể sẽ cung cấp vaccine bổ sung cho những người dễ bị tổn thương với hệ thống miễn dịch kém.
Tiến sĩ Jha cho biết, cộng đồng y tế đang chờ hướng dẫn từ CDC và FDA về việc có nên tiêm liều nhắc lại cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch và không nhận được sự bảo vệ sau khi tiêm chủng đầy đủ hay không. “Có một số dữ liệu cho thấy liều vaccine thứ ba sẽ giúp ích cho những đối tượng này. Các chuyên gia đang chờ khuyến nghị của CDC”, ông Jha nói.