Phát ngôn viên của Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết bà Burgener đã truyền đạt cho quân đội Myanmar rằng thế giới đang dõi theo tình hình nước này, bất kỳ hình thức đáp trả nặng tay nào đối với người biểu tình Myanmar đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Hôm 15/2, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc trao đổi với đại diện quân đội Myanmar về cách quân đội nước này đối phó với người biểu tình. (Ảnh: Reuters)
Ngoài việc kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng nhân quyền và các thể chế dân chủ, bà Schraner Burgener cũng cảnh báo nước này không nên hạn chế internet.
“Có nghi ngờ việc ngắt mạng là để thực hiện các hoạt động bất chính, bao gồm việc bắt giữ tùy tiện”, hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị ở Myanmar cho biết.
Trong một bản tường thuật về cuộc trao đổi với đặc phái viên Liên Hợp Quốc, Myanmar cho biết ông Soe Win, đại diện cho quân đội nước này, đã đưa ra thông tin về “tình hình thực sự ở Myanmar”.
Tình trạng bất ổn tại Myanmar khiến nhiều người liên tưởng đến sự kiện biểu tình phản đối quân đội tương tự tại nước này hồi năm 2011. Các cuộc biểu tình ngày nay không bạo lực như 10 năm trước, nhưng vẫn có nhiều vụ cảnh sát nổ súng để giải tán đám đông.
Để trấn áp các cuộc tuần hành phản đối đảo chính, quân đội Myanmar triển khai xe bọc thép và binh lính tại một số thành phố lớn. Tuy nhiên, động thái này không ngăn được làn sóng phản đối từ người dân.
Cuộc đảo chính tại Myanmar đã dấy lên phản ứng giận dữ từ các nước phương Tây, trong đó có Mỹ. Chính quyền Washington đã đưa ra một số biện pháp trừng phạt đối với các tướng lĩnh cầm quyền của Myanmar.