Máy bay nằm im một chỗ. Tàu hỏa lăn bánh không còn nhiều như trước. Giờ cao điểm biến mất. Cả thế giới, đặc biệt là các đô thị, đổi thay hoàn toàn giữa đại dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia địa chấn, nhịp sống bớt hối hả của loài người khiến sự vận động của Trái Đất bị giảm đi. Hành tinh này đang giống như đứng yên theo đúng nghĩa đen.
Thomas Lecocq, nhà nghiên cứu địa chất và địa chấn ở đài thiên văn Hoàng gia Bỉ, nhiễu động địa chấn ở Brussels thấp hơn 30-50% so với bình thường, kể từ khi có lệnh phong tỏa. Các nhà khoa học ở Los Angeles và London cũng nhận thấy điều tương tự.
Đường phố ở Brussels và nhiều nơi trên thế giới vắng lặng trong mùa dịch Covid-19.
Những trung tâm nghiên cứu đặt ở xa khu vực đông dân cư có thể không ghi nhận sự thay đổi như thế. Dù vậy, nhiễu động địa chấn giảm xuống cho thấy nhân loại đang làm đúng ít nhất một việc trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành là ở yên một chỗ.
Điều này có nghĩa là dữ liệu mà các nhà nghiên cứu thu thập được càng có độ chính xác cao hơn khi họ có thể phát hiện ra những rung động nhỏ nhất, dù trên thực tế hầu hết các phương tiện đo lường khoa học đều được đặt ở gần trung tâm thành phố.
"Tín hiệu tầng trên cùng ít nhiễu loạn hơn cho phép chúng ta chắt được thêm nhiều thông tin hơn", Andy Frassetto, chuyên gia của Việt nghiên cứu địa chấn Washington giải thích trên tạp chí Nature.
Giống như động đất và các hiện tượng thiên nhiên khác, rung động mà các phương tiện giao thông và máy móc tạo ra cũng gây nên sự dịch chuyển của lớp vỏ Trái đất. Tác động của những yếu tố này có thể không lớn nhưng chúng tạo ra những nhiễu loạn khiến các nhà nghiên cứu khó phát hiện ra những tín hiệu khác ở cùng tần số.
Nếu tình trạng phong tỏa tiếp tục kéo dài trong những tháng tới, hoạt động thăm dò địa chấn có thể đạt hiệu quả cao hơn bình thường trong việc dự đoán động đất.
Video: Đường phố ở TP.HCM vắng vẻ trong những ngày chống dịch Covid-19