Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Lê Huy Khoa: 'Dịch cho HLV Park Hang Seo, khó nhất là truyền tải cảm xúc'

(VTC News) -

Trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa cho rằng để phiên dịch cho HLV Park Hang Seo, khó khăn nhất là truyền tải được cảm xúc, tinh thần của ông đến với các cầu thủ.

Cuối năm 2017, ông Lê Huy Khoa đặt vé máy bay ra Hà Nội. Là hiệu trưởng trường Hàn ngữ Kanata, nhưng ông Khoa không đóng vai nhà tuyển dụng ở chuyến đi này.

Cầm trên tay bộ hồ sơ, ông Khoa lần này đóng vai ứng viên xin tuyển dụng. Ông không biết đây sẽ là lựa chọn mang tính bước ngoặt với mình sau này: trở thành trợ lý ngôn ngữ của HLV Park Hang Seo, khi ấy cũng mới đặt chân tới Việt Nam.

3 năm đồng hành cùng đội tuyển, nếm cả đắng cay và ngọt bùi, ông Lê Huy Khoa trở thành một trong những nhân tố không thể thiếu của ban huấn luyện. Trong ngày đầu xuân năm mới, trợ lý của HLV Park đã dành cho VTC News những chia sẻ về nghề phiên dịch thể thao, kỷ niệm đáng nhớ khi sát cánh cùng đội tuyển bên cạnh dự định cho năm mới.

Trợ lý Lê Huy Khoa (ngoài cùng bên trái) và ban huấn luyện U22 Việt Nam. 

- 3 năm sau ngày U23 Việt Nam tạo nên kỳ tích vào chung kết U23 châu Á ở Thường Châu, cảm xúc của ông vẫn vẹn nguyên như thời khắc đứng dịch câu nói "Không được cúi đầu, chúng ta đã làm hết sức rồi" dưới cơn mưa tuyết chứ?

3 năm gắn bó với bóng đá Việt Nam, tôi được trải nghiệm rất nhiều sự kiện, khoảnh khắc tuyệt vời, nhưng có lẽ khoảnh khắc Thường Châu vẫn sẽ khiến cho tôi hay bất cứ thành viên nào trong đội tuyển luôn phải bùi ngùi, xúc động khi nhớ đến.

Tôi lại càng nhớ hơn nữa vì đó là giải đấu chính thức đầu tiên của tôi với tuyển Việt Nam. Đến giờ, cảnh những hôm gió buốt kinh khủng, cảnh dùng máy sấy tóc để hơ đôi chân cóng không còn cảm giác, cảnh có cầu thủ chảy máu cam vì quá lạnh, hay cảnh tuyết chất như núi, đứng trước mặt ban huấn luyện, cảnh tuyết mịt mù trên sân khiến chúng tôi không nhìn thấy quân ta hay quân mình, nhớ những giây phút nghẹt thở ở loạt đá luân lưu, càng nghĩ lại càng bồi hồi, thỉnh thoảng tôi vẫn mở ra xem lại những ký ức đó. Rất xúc động. 

Ký ức về U23 Việt Nam năm 2018 luôn ở trong tâm trí Lê Huy Khoa. 

- 3 năm gắn bó với công việc phiên dịch bóng đá, phải liên tục đi đi lại lại và giảm bớt quỹ thời gian cho trường lớp, đã bao giờ ông thấy mệt mỏi, muốn dừng lại?

Bóng đá không giống những ngành nghề khác, không thể nói ngưng là ngưng được, nhưng cũng sẽ có lúc không phải muốn mà cứ tiếp tục được. Tất nhiên khi thành tích đi xuống thì bạn sẽ phải nghỉ để người khác làm. Việc tôi làm nữa hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả của bóng đá Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Tất nhiên tôi vẫn muốn cống hiến cho bóng đá Việt Nam với tư cách là một công dân. Tôi cũng đã hứa với HLV Park như lời ông nói tôi: "Cậu hãy đồng hành cùng tôi cho đến khi nào tôi rời khỏi Việt Nam nhé".

- Sự nổi tiếng sau khi làm trợ lý ngôn ngữ cho HLV Park Hang Seo có khiến ông gặp "rắc rối" gì không?

Tôi là người học tiếng Hàn sớm ở Việt Nam, lại là giảng viên, giáo viên, người dịch phim, dịch sách viết sách tiếng Hàn nên trong cộng đồng tiếng Hàn cũng quen biết nhiều người. Dù vậy, từ khi đến với bóng đá, có nhiều cái mới, được tiếp xúc nhiều người hơn, quên biết nhiều người hơn, nhất là người hâm mộ.

Tôi chưa thấy phiền toái gì cả. Tôi vui vì được giao lưu với rất nhiều người, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, bởi tình yêu bóng đá là tình yêu thuần khiết, nhiệt huyết và giống nhau. Tôi mong chỉ muốn những người "ngoại đạo" như tôi hiểu hơn về bóng đá Việt Nam.   

- Trợ lý người Việt của HLV Park Hang Seo thay đổi liên tục từ giải U23 châu Á 2018 tới giờ, nhưng Lê Huy Khoa vẫn cần mẫn đi cùng đội tuyển, vẫn nhiệt huyết, tươi trẻ như ngày đầu tiên. Động lực nào đã giúp ông tiếp tục với công việc đầy áp lực này? 

HLV Park Hang Seo có triết lý, đó là ông luôn muốn làm việc với cùng một ê-kip để luôn có tính kế thừa trong công việc. Việc thay đổi, nếu có, cũng là bất đắc dĩ mà thôi. Ai cũng thế thôi, nếu ê-kip thành công thì không có lý do gì thay đổi cả. Kể cả tôi cũng thế.

HLV Park và trợ lý Huy Khoa. 

Tôi làm lâu hơn các anh em khác một chút vì có lẽ tôi thoải mái hơn, có thể tự thu xếp công việc riêng của mình ở trường tiếng Hàn để cùng đồng hành. Còn việc nhiệt huyết thì thực ra công việc ở đội tuyển thì không thể không nhiệt huyết được, ai cũng thế cả, tất cả tất cả.

Gặp cầu thủ, người mới có, người cũ có, họ đều phơi phới háo hức, giải đấu thì không giải đấu nào giống giải đấu nào, mỗi trận đấu là một ẩn số thú vị, bên ngoài thì người hâm một háo hức ngóng chờ, theo dõi. Làm sao mà không nhiệt huyết được chứ. 

- Tôi rất ấn tượng với hình ảnh ông đứng dịch "tay bo" đầy lưu loát, không cần giấy bút ghi chép của ông ở SEA Games 30. Khả năng dịch và "đọc" được ý đồ của HLV Park Hang Seo của ông đã đến mức nhuần nhuyễn?

Công việc phải thế thôi, tôi luôn ở cạnh HLV Park, hiểu ông ấy tư duy gì trong đầu, tôi cũng có thể dự đoán được gì ông ấy sẽ nói, người dịch mà nắm được khoảng 80% ý tứ của thân chủ thì coi như thành công.

Tất nhiên là ai quen rồi cũng thế cả, tôi lại đồng hành với HLV Park 3 năm nay, hiểu tính cách, ngôn từ, cách thể hiện, cách phản ứng của ông ấy khi vui sẽ thế nào, khi buồn, hay giận dữ sẽ thể hiện thế nào.

Bạn cứ hình dung xem 24/24 giờ luôn ở với đội tuyển, lại tập trung với nhau cả tháng trời, họp hành, trao đổi ý liên tục giữa các bên, mình lại là người nắm hết nội dung vì mình là người trung gian truyền đạt thì chắc chắn sẽ hiểu thôi.

- Đã khi nào ông rơi vào trường hợp khó xử, tức là câu nói của HLV Park Hang Seo khó dịch, hoặc anh tin rằng nếu dịch thẳng ra, câu nói ấy sẽ không hay?

Cái may của tôi là người nắm được tình hình chung trước khi dịch, vì thế, mọi tình huống mình cũng lường được trước. Cái quan trọng đó là phải hiểu câu nói nó hướng đến mục đích gì, để động viên, để nhắc nhở, hay để cảnh cáo đối thủ, hay đốc thúc tinh thần chiến đấu thì sẽ tìm cách xử lý.

Tất nhiên là nghề dịch là một miếng đệm, dịch hết tuột 100% như cái máy thì sẽ nhiều chuyện không hay, khi nóng quá thì phải làm nguội bớt, nhưng khi cần thì cũng phải tăng thêm nhiệt. Thầy Park nói tiếng Hàn nên ông có thể thỏa thích thể hiện những gì ông muốn nói, đó là cái lợi thế của HLV nói được tiếng bản xứ khi chỉ đạo.

Còn tôi thì cứ làm việc mình đã làm thôi, gắng hết sức. Ngôn từ mà, nó vô cùng, nó vi diệu, nó tuyệt vời lắm, mình dùng nó thể nào cho hiệu quả là điều quan trọng nhất của môt phiên dịch. 

Trợ lý Lê Huy Khoa chụp ảnh kỷ niệm cùng tiền vệ Thanh Sơn ở SEA Games 2019. 

- Ông từng nói dịch cho HLV Park Hang Seo đôi khi khó hơn dịch cho lãnh đạo cấp cao. Tại sao?

Dịch cho lãnh đạo cấp cao, họ giao tiếp gắn gọn, mục tiêu và nội dung cuộc họp gần như đã biết, nhưng họ cũng không bàn quá chi tiết, lại có quá trình chuẩn bị nên phiên dịch khá chủ động.

Dịch cho thầy Park khó vì bóng đá cứ xảy ra tình huống liên tục không thể dự đoán, mỗi tình huống lại phải sử dụng những ngôn từ, cách diễn đạt khác nhau, tình tiết lại rất nhanh, chỉ cần sai một từ hay sai một chi tiết là không có cơ hội để sửa hay nói lại, bóng đá lại rất quan trọng vấn đề về tâm lý, câu từ phải làm thế nào để truyền đạt được hết cái ý, cái cảm xúc, cái lửa, cái muốn nói, cái tâm, cái tính chiến đấu của HLV đến cầu thủ để họ hiểu và lĩnh hội hết.

Cá nhân ông Park thì lại là người rất cảm xúc, dịch câu từ với HLV Park thì không khó, dịch cảm xúc với HLV Park mới khó, vì phải suy nghĩ xem dùng từ nào, giọng nào, cảm xúc nào để tạo hiệu quả cao nhất.

Bây giờ tôi khỏe hơn rồi, vì 3 năm gắn bó, các cầu thủ họ đã quen, đã hiểu HLV Park, nhìn mặt ông họ cũng hiểu ông muốn gì, họ đã hiểu sơ đồ, hiểu ý tưởng HLV, đỡ hơn cho phiên dịch rất nhiều. 

- Xin cảm ơn ông!

Hồng Nam

Tin mới