Theo Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) của Mỹ, “mặc dù Triều Tiên không tiến hành các vụ thử hạt nhân kể từ năm 2017” song nước này vẫn tiếp tục phát triển “các bộ phận của cơ sở hạ tầng vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình”.
“Trong những năm gần đây, ông Kim Jong-un đặt ưu tiên vào việc phát triển và trình diễn các loại vũ khí cung cấp cho Triều Tiên phương tiện để tấn công các đối thủ ở xa - kể cả Mỹ, bằng vũ khí hạt nhân”, DIA cho hay.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Reuters)
Theo DIA, những mục tiêu này phản ánh chiến lược tập trung vào "răn đe" nhằm giúp Triều Tiên phát triển và nâng cao các năng lực quân sự từ tên lửa đạn đạo phóng từ đất liền và tàu ngầm, đến vũ khí hạt nhân, thiết bị bay không người lái và không gian mạng.
Báo cáo của DIA cũng cho biết, bản chất khép kín Triều Tiên khiến việc thu thập dữ liệu trở nên khó khăn.
DIA cũng cho hay, khoảng 20% đến 30% ngân sách nền kinh tế của Triều Tiên được phân bổ cho quân đội, đồng thời ông Kim Jong-un đã ưu tiên hiện đại hóa cả vũ khí hạt nhân và lực lượng thông thường của nước này.
Triều Tiên hiện sở hữu khả năng tác chiến điện tử và các khả năng tác chiến trong không gian. Ngoài ra, về mặt lý thuyết, tên lửa đạn đạo của nước này có thể làm gián đoạn các vệ tinh quay quanh quỹ đạo,
DIA cũng đánh giá, mặc dù các con đường ngầm và các cơ sở quân sự sẽ giúp Triều Tiên có thể tồn tại khi xảy ra một cuộc xung đột, song Bình Nhưỡng chỉ có đủ nguồn cung cấp cho "các hoạt động tác chiến phòng thủ".
Theo cơ quan tình báo quân đội Mỹ, các tuyên bố của Kim Jong-un cho thấy ông có "quyền phát hành duy nhất" đối với vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Kết luận của DIA dựa trên các quan sát tại khu hạt nhân Yongbyon và các nơi khác. Đánh giá này cũng đồng quan điểm của các cơ quan tình báo Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Ông Trump có những nỗ lực cải thiện quan hệ với Triều Tiên khi tham gia 3 cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.